Bài viết này xin được nhắc tới 3 ca khúc bất hủ: “Đất nước trọn niềm vui”, “Như có Bác trong ngày đại thắng” và “Bài ca thống nhất”.
Rạo rực sao hôm nay...
“Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng/ Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng...”, “Ta đi trong muôn ánh sao vàng rừng cờ tung bay/ Rộn ràng và mê say những bước chân dồn về đây/ Sài Gòn ơi, vững tin đã bao năm rồi, một ngày vui...”... những lời ca tràn đầy niềm hạnh phúc đã là một phần của đất nước, một phần trong mỗi chúng ta. Khi sáng tác những bài mang tính chất hoan ca như thế, lẽ thường sẽ là những giai điệu mang tiết nhịp nhanh, vui, rộn ràng, cùng với việc sử dụng điệu trưởng để tăng thêm màu sắc âm nhạc khỏe khoắn, tươi sáng. Nhưng đó là mẫu số chung, còn việc khai thác nó vào từng tác phẩm, mỗi tác giả sẽ có những cách khác nhau.
Hai tuyệt phẩm “Đất nước trọn niềm vui” của nhạc sĩ Hoàng Hà (tên thật là Hoàng Phi Hồng, sinh năm 1929, mất năm 2013) và “Như có Bác trong ngày đại thắng” của nhạc sĩ Phạm Tuyên (sinh năm 1930) có rất nhiều điểm giống nhau. Chẳng hạn cùng chung chủ đề ngày đất nước thống nhất, cùng chung nguồn cảm xúc, cùng là giọng trưởng, cùng là bài hành khúc với tiết nhịp 2/4... Đồng thời, giữa hai tác phẩm lại có nhiều điểm riêng. Biệt tài của nhạc sĩ Phạm Tuyên trong “Như có Bác trong ngày đại thắng” là viết được một bài tầm vóc, truyền tải một sự kiện lớn của dân tộc nhưng trong một khuôn khổ rất nhỏ, chỉ vẻn vẹn mấy chục ca từ. Trong khi với “Đất nước trọn niềm vui”, nhạc sĩ Hoàng Hà lại chọn viết ở khuôn khổ lớn, như một “sử ca hành khúc” khi số lượng ca từ nhiều gấp hơn 3 lần so với bài của nhạc sĩ Phạm Tuyên, bao gồm nhiều trường đoạn và câu nhạc nối ứng với ca từ “hò ơ”. Bài hát như một câu chuyện kể, những lời ca như cô đọng và nói hộ cảm xúc, suy nghĩ của mọi người, đồng thời, dù có tiết nhịp theo kiểu hành khúc nhưng lại ẩn chứa trong đó cả âm hưởng gần gũi với dân gian.
So với hai ca khúc trên thì “Bài ca thống nhất” của nhạc sĩ Võ Văn Di (1933-2005) có sự khác biệt. Dẫu cũng cùng chủ đề, cùng giọng trưởng nhưng “Bài ca thống nhất” không xuất hiện nhịp điệu hành khúc mà mang đến những cảm xúc xao xuyến, bồi hồi, ngập tràn tình cảm yêu thương và thiên về tính trữ tình. Có thể nói, điểm nổi bật của cả 3 bài hát được ví như những tuyệt phẩm của nền âm nhạc cách mạng chính là việc triển khai chủ đề gắn với Ngày thống nhất đất nước, đặc biệt là sự tài tình trong cách viết ca từ.
 |
Tiết mục trong Chương trình nghệ thuật “Bài ca thống nhất, khát vọng vươn cao” diễn ra tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TRẦN THẮNG |
Say đắm cùng lời ca
Chỉ đúng 60 ca từ, trong đó có tới 20 ca từ là sự lặp lại của một cụm từ, bài “Như có Bác trong ngày đại thắng” đã truyền tải súc tích một nội dung chủ đề mang tầm vóc lớn lao. Toàn bộ nội dung chính dồn cả vào câu đầu tiên, ngoài ca từ đã trích dẫn ở trên, đoạn ca tiếp theo là: “Ba mươi năm đấu tranh giành trọn vẹn non sông/ Ba mươi năm dân chủ cộng hòa, kháng chiến đã thành công”. Để rồi câu điệp khúc sau đó rất đặc biệt, chỉ với một cụm 5 từ “Việt Nam, Hồ Chí Minh” được lặp lại liên tiếp tới 4 lần ở những cao độ khác nhau, có sứ mệnh như mệnh lệnh trái tim, tạo cảm giác bật trào niềm cảm xúc hân hoan. Bài hát gọn gàng, ca từ nội dung súc tích và sáng rõ, giai điệu đẹp và đơn giản đã giúp người nghe có thể thuộc ngay sau vài lần tiếp cận.
Ý nghĩa nhất trong “Đất nước trọn niềm vui” là sự xuất hiện của từ “trọn” ngay trong tên bài hát. Hiệp định Geneva năm 1954 mang lại hòa bình cho đất nước, đưa Việt Nam lên một vị thế mới trên trường quốc tế, nhưng niềm vui chưa trọn vẹn khi đất nước ta, dân tộc ta phải tạm chia cắt hai miền Nam-Bắc. Và như thế, kể từ thời điểm hiệp định có hiệu lực, một nhiệm vụ cao cả đã hiện hữu trong trái tim, khối óc, trên đôi vai của mỗi người dân đất Việt là phải thống nhất đất nước. Chúng ta đã mất tới hàng chục năm trường kỳ kháng chiến mới đến được ngày thống nhất. Cho nên, chỉ một từ “trọn” bao quát cả những niềm hân hoan, sự khát vọng, ý chí quyết tâm, cả những hy sinh, mất mát để đạt được nó.
Ngoài từ “trọn” trong hàm nghĩa “trọn vẹn”, bài “Đất nước trọn niềm vui” còn một từ nữa rất hay, đó là từ “hội”. Từ “hội” xuất hiện làm nổi bật thêm ý nghĩa của sự trọn vẹn. Người Việt một năm vui nhất có hai thời điểm là Tết và hội. Niềm vui Tết thường dành cho gia đình, còn hội là niềm vui của mỗi gia đình, của từng cá nhân hòa chung cùng cộng đồng, làng xóm. Có câu “đông như trẩy hội” là thế. Trong “Đất nước trọn niềm vui”, từ "hội" xuất hiện hơn một lần: “Rạo rực sao hôm nay Bác vui với hội toàn dân” và “Hội toàn thắng náo nức đất nước”. Vì thế, từ “hội” vừa mang tinh thần dân tộc, là sự gắn kết giữa quá khứ và hiện tại, vừa thể hiện niềm vui chung không gì sánh bằng.
Trong cùng một thời điểm lịch sử, nhạc sĩ Hoàng Hà “muốn bay lên” để “say ngắm sông núi hiên ngang”, thì nhạc sĩ Võ Văn Di trong “Bài ca thống nhất” lại đứng ở góc độ khác, ông đứng giữa biển khơi để nhìn vào. Và vì thế, biển Việt Nam, mây và nước Việt Nam đã có từ ngàn đời bỗng sao lại “đẹp như gấm hoa”, lại “nước mây muôn màu”, bởi vì từ hôm nay, “biển trời quê ta rộn vang tiếng ca” trong niềm vui “Bắc-Nam một nhà, vui một nhà vang tiếng hò khoan”. Giống như từ “hội” của “Đất nước trọn niềm vui”, việc sử dụng chất liệu những câu hò sông nước của miền Trung, khúc ruột nối hai đầu Nam-Bắc đã trải qua biết bao đau thương, mất mát trong suốt những năm trường kỳ kháng chiến, gợi lên ý nghĩa của tinh thần đại đoàn kết dân tộc.
Sống mãi cùng non sông
Không phải ngẫu nhiên giữa 3 bài hát cùng chung chủ đề, cùng diễn tả cảm xúc của một thời điểm lịch sử lại mang hai màu sắc âm nhạc khác nhau. Trong đó có 2 tác phẩm cùng khai thác nhịp hành khúc mang tính hoan ca và 1 tác phẩm mang tính chất trữ tình, ngợi ca. Nhìn lại thời điểm ra đời sẽ thấy sự khác biệt có thể là bởi thời gian sáng tác khác nhau.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác ca khúc “Như có Bác trong ngày đại thắng” ngay trong đêm 28-4-1975, sau khi nghe bản tin cuối cùng của Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) có tin phi công Nguyễn Thành Trung và đồng đội ném bom sân bay Tân Sơn Nhất. Bài hát hoàn thành trong khoảng thời gian từ 21 giờ 30 phút đến 23 giờ. Đúng 17 giờ ngày 30-4-1975, Trung ương công bố tin đại thắng, giải phóng miền Nam Việt Nam ra toàn thế giới, ngay sau tin là ca khúc “Như có Bác trong ngày đại thắng” với bản thu âm của tốp ca Đoàn Ca nhạc Đài TNVN dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Cao Việt Bách được vang lên.
Ngày 26-4-1975, Đài TNVN phát tuyên bố về việc Quân giải phóng đang ồ ạt tiến về Sài Gòn. Ngay trong đêm đó, nhạc sĩ Hoàng Hà đã viết bài “Đất nước trọn niềm vui”. Sáng hôm sau, ngày 27-4, ông mang bài hát đến Đài TNVN và sau đó Nhà hát Giao hưởng (nay là Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam) thu âm, nhạc sĩ Đỗ Dũng (1939-2024) đảm nhiệm phần phối khí, Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên (1939-2021) là người thể hiện. Cùng với “Như có Bác trong ngày đại thắng”, “Đất nước trọn niềm vui” là một trong hai tác phẩm được giới thiệu trong chương trình đặc biệt của Đài TNVN vào sáng 1-5-1975, đây là lần đầu tiên bài hát đến với khán giả.
Với nhạc sĩ Võ Văn Di thì khác, ông nghe tin đất nước thống nhất ngày 30-4-1975 khi đang trên chuyến tàu thủy từ Bắc vào Nam để biểu diễn. Ông đón nhận khoảnh khắc lịch sử cả dân tộc mong chờ giữa không gian đặc biệt như thế nên sau này mới có một “Bài ca thống nhất” với góc nhìn từ biển khơi vào đất liền. Bản thu âm sớm nhất do Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hiền thể hiện được thực hiện từ năm 1976, tại Đài TNVN.
3 bài hát ra đời trước và sau sự kiện lịch sử đặc biệt đã bắt nhịp được với tinh thần thời đại của dân tộc, hòa nhịp cảm xúc muôn trái tim như một nên nhanh chóng lan tỏa, ở lại trong đời sống tinh thần của người dân và đất nước. Những bài hát ấy, lời ca ấy sẽ còn vang mãi trong mỗi chúng ta cùng tình yêu đất nước Việt Nam.
Nhà nghiên cứu âm nhạc NGUYỄN QUANG LONG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.