Năm ấy bác tôi thầu một trong những cái ao đó, và làm một cái chòi canh cá nửa gối đầu lên bờ, nửa vươn choài ra mặt nước. Mùa hạ, vào những đêm trăng sáng, mấy anh em tôi rủ nhau ra chòi cá hóng gió, nhìn trời mây lồng lộng, và ngắm ngôi làng ru mình trong bóng trăng trong. Những đêm như thế, chúng tôi ngủ giữa những tiếng cuốc kêu khắc khoải. Không biết chim cuốc ở đâu mà nhiều thế. Nhiều khi, chúng đứng ngay dưới gầm chòi mà kêu, như thúc giục, như thở than. Vậy mà cứ trở mình tìm chúng, chúng lại im lặng biến mất. Hệt như ban ngày, người ta chỉ có thể nhìn thấy bóng chúng trong giây lát, rồi nhanh như gió, chúng ẩn mình trong những vạt bèo rậm rạp. Anh tôi bảo cái ao này, và cả cánh đồng này xưa nay nhiều chim cuốc lắm, vì người ta không bắt chúng bao giờ…

Tại sao chim cuốc lại kêu nhiều đến thế? Tôi luôn mang nỗi băn khoăn đó trong lòng. Bác tôi bảo là vì chúng lạc bạn đời của chúng, nên chúng gọi bạn trong đêm. Chim cuốc là loài chung tình, khi mất bạn đời, chúng sẽ gọi cho đến chết.

Tôi ngẩn ngơ ngắm cái ao và cả cánh đồng, cánh đồng rộng thật, nhưng đâu có rộng đến nỗi những đôi cuốc phải lạc nhau cơ chứ.

Loài chim có chung thủy hay không? Tôi lại mang nỗi băn khoăn đó trong hành trang tuổi trẻ của mình. Những truyền thuyết, những giai thoại về sự chung thủy của loài chim tôi đều tìm đọc. Bồ câu thủy chung đến nỗi nếu một trong hai con chết đi, chúng sẽ tuyệt thực. Loài chim yến, nếu mất bạn đời, nó sẽ bay vút lên cao rồi lao đầu xuống vách đá tự tử. Có một loài chim trong rừng sâu, đêm nào cũng như đêm nào, con trống và con mái gọi nhau khắc thoải, khi tìm thấy nhau thì trời vừa sáng. Loài hạc cũng nổi tiếng thủy chung, chúng sẽ ở vậy cho đến chết, khi không may bạn đời của chúng bị giết… Tất cả những câu chuyện chung thủy của loài chim đều gợi tôi nhớ về loài chim cuốc tuổi thơ.

 

leftcenterrightdel
Minh họa: Quang Cường. 

Nhưng rồi, tôi mới biết không phải chim yến tự sát vì mất bạn đời. Bồ câu trống, khi vợ ấp trứng, nó có thể bay đi cặp kè với một con chim mái nào đó. Chim hạc mái năm nay cặp với con trống này, năm sau cặp với con trống khác. Chỉ có câu chuyện về một loài chim trong rừng sâu là tôi còn nghi hoặc. Tại sao loài chim ấy ở gần nhau như vậy, tìm nhau suốt đêm mà đến khi trời sáng mới gặp được nhau? Rồi câu chuyện về loài chim cuốc. Từ điển sinh học nói rằng cuốc chỉ kết đôi vào mùa sinh sản, khi hết mùa, chúng chia tay, và đợi đến mùa sau. Mùa sau, chúng có tìm được nhau hay không?

Những cái ao cá ngày xưa bây giờ hóa ra thật nhỏ bé khi tôi trở về. Chẳng còn vạt bèo nở hoa tím ngát nào. Trong ao cá vẫn sôi tăm, và người ta trồng trên bờ rất nhiều cây bưởi. Tháng ba, bưởi ra hoa, hương tỏa nồng nàn. Và cũng chẳng còn ai nhắc đến loài chim cuốc.

Phía xa, gần bờ đê trắng xóa một đàn cò đang bay lượn. Tôi nghe nói, mỗi cặp cò khi kết hôn thường đẻ số trứng chẵn, để khi con non vừa nở ra, chúng đã mặc định có đôi. Loài cò kết hôn cùng huyết thống. Có lẽ đó là hạn chế giống loài của chúng, nhưng lại là lựa chọn rất thông minh để những con cò sinh ra không cô đơn, không phải tìm kiếm “nửa kia” của mình giữa mênh mông trời biển.

Nhưng đôi khi, vì lý do gì đó mà cò mẹ lại đẻ số trứng lẻ. Vì thế, con cò bất hạnh lẻ loi ấy sẽ suốt đời cô đơn. Nó luôn là kẻ lạc loài, cô đơn cho đến chết. Nhiều cò khác cũng cô đơn đến chết, khi bạn đời của chúng bị giết bởi con người, hoặc thiên nhiên khắc nghiệt.

Đàn cò trắng đã thảnh thơi bay về đồi cây ở trọ của chúng. Tôi lắng nghe những âm thanh tắt lặng của chiều tà. Mùa hè của rất nhiều năm trước, có phải cuốc cũng kêu khi trời tắt nắng. Tôi không còn nhớ có phải chúng từng gọi nhau khi chiều muộn, có phải chúng lạc nhau trong những cụm hoa tím ngọt ngào. Mùa hè của rất nhiều năm trước, anh tôi bảo ở những ao này nhiều cuốc sinh sống lắm, vì không ai bắt chúng bao giờ. Không ai bắt chúng, vì chúng là loài chim thiêng, thiêng lắm. Người ta bảo chim cuốc thủy chung nhất, khi lạc mất bạn đời, chúng sẽ kêu khắc thoải, gọi bạn trong nỗi nhớ thương đau khổ tận cùng. Nó cứ lang thang trong nỗi khổ đau thương nhớ cho đến khi nó tự treo ngược thân mình lên một cành cây và chết rũ.

Người ta cũng bảo những con chim cuốc chết khi thân mình treo ngược trên cành cây như thế là những con chim chết bởi chung tình. Người ta lấy xác chim ấy đem về làm một thứ bùa yêu. Ai yêu mà không được yêu thương lại, thì bỏ một đạo bùa…

Tản văn của SONG NGƯ