Đầu những năm 2000, vào đúng giai đoạn “lao đao” của tranh lụa, Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm “Tác phẩm Trần Đông Lương”. Nhìn dòng người xếp hàng kín hè phố Ngô Quyền đợi vào thưởng tranh mà ngỡ tranh lụa sắp trở lại thời “hoàng kim”. Kỳ thực, đó là bởi hiếm khi người ta được ngắm các sáng tác của Trần Đông Lương. Vốn khiêm nhường, kín tiếng, lúc sinh thời, ông chưa từng “mở” triển lãm cá nhân. Sau khi bị liệt tay phải thì càng hạn chế giao tiếp, chỉ làm việc tại nhà và chủ yếu vẽ chân dung. Ngày đó, Trần Đông Lương là một trong những họa sĩ được người nước ngoài sống tại Hà Nội hết sức mến mộ. Không ít vị đại sứ tìm đến “đặt” ông vẽ chân dung tặng vợ. Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến kể rằng, đơn hàng nhiều đến độ họa sĩ vẽ không xuể. Trần Đông Lương rất kỹ tính. Có những tác phẩm bên đặt hàng ưng ý lắm rồi mà ông vẫn muốn sửa đi sửa lại cho thật hoàn hảo. Hầu hết những bức tranh vẽ bằng tay trái ấy đã theo khách hàng đi khắp nơi, sang cả nước ngoài. Giờ, nếu muốn chiêm ngưỡng sáng tác của ông, chỉ có cách vào Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nơi lưu giữ hai tác phẩm nổi tiếng, đại diện cho thời kỳ vẽ bằng tay phải của Trần Đông Lương: Anh hùng lao động - Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và Tổ thêu.

Bác sĩ – Anh hùng hùng Phạm Ngọc Thạch (Lụa, 1958). Ảnh tư liệu. 
Không ít người đánh giá, hai tác phẩm ra đời cuối những năm năm mươi - Anh hùng lao động – Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và Tổ thêu là hai sáng tác “để đời”  của Trần Đông Lương, cho thấy khả năng bố cục và sự xuất sắc về hình họa của họa sĩ. Đây là giai đoạn Trần Đông Lương yêu thích tranh bố cục, tranh đề tài, có nhiều nhân vật và như phân tích của nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến, nếu không bị liệt tay phải thì với ý thức tạo dựng bản sắc riêng mạnh mẽ, họa sĩ có lẽ vẫn đi tiếp con đường này. Như hầu hết các họa sĩ vẽ tranh lụa ở Việt Nam, Trần Đông Lương phần nào chịu ảnh hưởng của danh họa Nguyễn Phan Chánh, người đã sáng tạo nguyên tắc rửa lụa khiến mặt tranh trở nên thanh sạch, đồng thời, lược bỏ chi tiết, dùng mảng lớn, đem lại nét độc đáo cho tranh lụa Việt Nam so với tranh lụa Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản vốn dày đặc chi tiết.

Theo nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo, một trong những thử thách lớn đối người vẽ lụa là phải “nuôi” được cảm hứng qua cả quá trình nhuộm màu, rửa màu, đợi khô, rồi lại nhuộm, lại rửa…. Nếu không giữ được mạch cảm xúc, tác phẩm sau cùng sẽ “khô khan”. Ông đánh giá, Anh hùng lao động – Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch “mềm mại và đầy động rung”. Tuy học tập phương pháp vẽ tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh nhưng Trần Đông Lương vẫn thể hiện được phong cách riêng qua lối vẽ vờn khối và bảng màu rất “thành thị”, êm dịu, tao nhã. Nhờ thế, ông không phải “rửa lụa” và nhuộm màu nhiều lần như Nguyễn Phan Chánh. Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến nhận xét: “Bảng màu hội họa Trần Đông Lương thăng bằng trong không gian cổ điển. Màu sắc vừa vặn trong khuôn hình mềm mại. Những đường lượn hiện lên trong tranh mịn màng, nõn nà, gợi cảm”. Theo bà, tài năng của Trần Đông Lương còn thể hiện trong nét vẽ rất nhẹ nhàng, khoan thai. Họa sĩ không “giậm bút” nhiều lần và vẽ chỉ một đường lượn. Nhưng điều đặc biệt hơn cả là về khả năng lay động lòng người, tranh của Trần Đông Lương trước và sau khi ông bị liệt tay phải không hề khác biệt.

Hơn 10 năm đã qua nhưng với người viết, cảm xúc về triển lãm “Tác phẩm Trần Đông Lương” vẫn còn đó. Hầu hết là chân dung phụ nữ, được vẽ theo lối vô cùng thanh thoát, dịu dàng như thể họa sĩ không dụng sức. Nhớ lại những bức tranh ấy, hãy còn rung động về những mảng mầu óng mượt, trong trẻo, êm nhẹ; những dáng nét thanh tân mềm mại, tràn trề nhựa sống, đẹp mơ màng. Thật khó tin, những tác phẩm này lại thành hình từ tay nghịch. Ngày 15-6-1986, Trần Đông Lương bị tai biến, liệt nửa người và phải nằm một chỗ. Sau thời gian dài chữa trị, ông ngồi dậy được nhưng cánh tay tài hoa thì không thể phục hồi. Thế rồi, họa sĩ kiên trì tập vẽ bằng trái, cánh tay chưa từng cầm cọ trước đó. Câu chuyện được hai nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo và Nguyễn Hải Yến kể lại ngắn gọn vậy. Trần Đông Lương vốn là người kiệm lời, trầm tính, không bao giờ than thở về hoàn cảnh. Chẳng ai rõ ông đã vượt qua biến cố lớn trong đời thế nào, để rồi bốn năm sau, trở lại với hội họa theo cách mà giới trẻ ngày nay hay nói vui là: Lợi hại hơn xưa!

Trong số hàng trăm chân dung phụ nữ của Trần Đông Lương, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo nhớ mãi bức tranh thiếu nữ Hà Nội trong tà áo dài đen bởi “hiệu quả thẩm mỹ rất đặc biệt, tỷ lệ rất đẹp, nét vờn bóng bẩy”. Điều thú vị là rõ ràng họa sĩ dùng trên hai màu, nhưng thoáng nhìn, bức tranh dường như chỉ có hai sắc đen và trắng. Ở một tác phẩm khác, Trần Đông Lương còn “kiệm màu” tới độ, trên nền toan trắng, ông vẽ một thiếu nữ trong tà áo dài cũng màu trắng. Nhưng bức tranh không hề đơn điệu mà toát lên vẻ  trong lành, ấm áp, khiến người xem có cảm giác thật thư thái, bình yên. Các nhân vật trong tranh lụa Trần Đông Lương dù khuôn mặt, vóc dáng khác nhau, nhưng có điểm chung: ít nhiều mang thần thái của người phụ nữ Hà Nội, vừa nghiêm ngắn, thanh lịch, vừa tươi tắn lại thoáng chút mộng mơ. Như lời kể của nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến, khi vẽ, ông quan sát người mẫu rất kỹ, rồi “phác” lại chỉ bằng vài nét gợi. Càng về sau này, Trần Đông Lương càng tiết giảm mầu sắc,  vàng cũng chỉ phơn phớt vàng, xanh cũng chỉ phơn phớt xanh, khiến tác phẩm gần như là đơn sắc. Ông cũng tối giản chi tiết, chỉ dùng các mảng mầu lớn, khiến tranh lụa vốn có tính mềm mịn, thanh nhã, nay “qua tay” họa sĩ, lại càng thêm phần huyền ảo, mơ màng.

Bà Nguyễn Hải Yến nhận xét, đây là sáng tạo rất thông minh. Khi vẽ bằng tay trái, họa sĩ ít nhiều gặp khó khăn, chẳng hạn, không thể trộn màu và sử dụng những kỹ thuật như khi vẽ bằng tay phải. Bởi thế, ông chuyển sang một lối vẽ, một bảng màu không những phù hợp với thể trạng mà còn đem lại những sắc thái riêng có cho tranh lụa Trần Đông Lương. Bà cũng cho rằng, rất may, ngay từ đầu, Trần Đông Lương đã chọn lụa, chất liệu vô cùng mềm mại, thanh khiết, đặc biệt hợp với những họa sĩ có “tạng chất” hiền lành, nho nhã. Có thể ví việc ông tìm thấy lụa mang ý nghĩa như một nhà thơ tìm ra thi tứ của đời mình. Chính nhờ hiểu tường tận “đời sống” của lụa nên dù vẽ bằng tay trái hay tay phải, vẽ tranh bố cục, đề tài hay chân dung, nét bút của Trần Đông Lương vẫn luôn tinh tế, mượt mà, thanh nhã, đem lại rung cảm sâu lắng và cả sự nhẹ nhõm, sảng khoái cho người thưởng tranh. Điều đáng nể nhất ở Trần Đông Lương không chỉ là việc ông đã khôi phục được tài năng hội họa sau tai biến mà cả tinh thần tươi sáng, con người hiền hòa, an nhiên. Cho dù vì bệnh tật, ông gần như chỉ quanh quẩn ở nhà nhưng sự trong trẻo, an lành trong tâm hồn họa sĩ thì luôn lan tỏa trên mặt toan.

Tiếc là, sau này, những tư liệu về Trần Đông Lương còn lại quá ít và ngay người trong giới cũng đã lãng quên ông. Mãi đến khi người viết gặp được hai nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo và Nguyễn Hải Yến, sự tò mò về con người, cuộc đời và sự nghiệp của Trần Đông Lương mới phần nào giải tỏa. Người viết có lần tìm đến địa chỉ 65 Nguyễn Thái Học – “Ngôi nhà di sản”, nơi hàng chục năm trước, Trần Đông Lương và rất nhiều văn nghệ sĩ đã sống và sáng tác trong suốt giai đoạn sung sức nhất của tuổi nghề. Nay, nhiều gia đình chuyển đi nơi khác nhưng một người con của họa sĩ vẫn ở lại. Tuy nhiên, người nhà không muốn gặp cũng như chia sẻ bất cứ thông tin nào về ông. Đành ra về với nỗi băn khoăn: Lẽ nào, một con người tài hoa, đam mê nghệ thuật và có nghị lực phi thường như Trần Đông Lương lại mãi là một tài năng “ẩn dật” của tranh lụa Việt Nam…  

HƯƠNG LAN