Đề án thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho HSSV trong thời gian học tập; tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ các em hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, tạo việc làm sau khi tốt nghiệp.
Đa dạng hóa hình thức hỗ trợ khởi nghiệp
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) được giao là cơ quan thường trực đề án. Trên cơ sở đó, bộ đã yêu cầu các học viện, trường đại học, cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm tập trung triển khai đề án. Các trường đã xây dựng chuyên đề khởi nghiệp đưa vào chương trình đào tạo; thành lập bộ phận hoặc trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp; thiết lập kênh thông tin cung cấp tài liệu về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, các nguồn học liệu cho HSSV; tổ chức truyền thông về các hoạt động hỗ trợ HSSV khởi nghiệp, khuyến khích các em đề xuất dự án, ý tưởng khởi nghiệp...
Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các trường phối hợp với doanh nghiệp, mời chuyên gia tổ chức các khóa đào tạo, buổi nói chuyện chuyên đề, diễn đàn nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho HSSV; tổ chức lựa chọn những dự án, ý tưởng có tính khả thi để hỗ trợ ươm tạo tại trường, hoặc kết nối đến các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đánh giá: Sau một thời gian khởi động, đề án đã tạo chuyển biến cả về nhận thức và hành động của HSSV trong việc học tập và ứng dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tế. Hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp tại các nhà trường có sự chuyển biến tích cực, minh chứng là hàng nghìn sản phẩm, dự án khởi nghiệp của HSSV đã ra đời, trong đó, nhiều dự án khả thi được giới thiệu tại ngày hội khởi nghiệp quốc gia của HSSV.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), cơ quan được Thủ tướng giao chủ trì xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện đề án theo từng giai đoạn. Bộ đã phê duyệt kế hoạch triển khai Đề án 1665 năm 2019 nhằm tuyên truyền, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và tự tạo việc làm của HSSV; đồng thời đặt mục tiêu từ nay tới năm 2025 có 100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai đẩy mạnh hỗ trợ khởi nghiệp cho HSSV, phấn đấu 12 triệu lượt HSSV các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được nâng cao nhận thức về khởi nghiệp và tự tạo việc làm.
Để cụ thể hóa việc triển khai đề án, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) vừa tổ chức ký kết hợp tác với các đối tác, như: Tập đoàn Vingroup, Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên, Công ty Cổ phần BPO Mắt Bão… trong việc hỗ trợ thực hiện đề án. Tại lễ ký kết, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Nguyễn Hồng Minh khẳng định: "Việc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gắn kết với doanh nghiệp sẽ tạo môi trường nuôi dưỡng hoạt động khởi nghiệp của HSSV, thúc đẩy sự phát triển và sáng tạo ngay trong từng doanh nghiệp...".
 |
Học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) nhận giải nhất khối THPT tại Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp-SWIS 2018” . Ảnh: TTXVN.
|
Hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp
Tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của HSSV năm 2018, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Nhiệm vụ đầu tiên của sinh viên là học tập thật tốt, tu dưỡng trở thành con người tốt, có ý tưởng, hoài bão sáng tạo, khởi nghiệp để lan tỏa ý tưởng đó ra xã hội. Chúng ta không chỉ đặt kỳ vọng vào Đề án 1665 mà quan trọng là khơi dậy ở các em tinh thần khởi nghiệp, có khát vọng khởi nghiệp".
Với sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên, tinh thần khởi nghiệp trong HSSV được khơi dậy, nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp được hiện thực hóa. Điều đó được minh chứng qua Cuộc thi “HSSV với ý tưởng khởi nghiệp-SWIS 2018” với sự tham gia của hơn 200 trường đại học, cao đẳng, trung cấp, THPT. Đã có những dự án thể hiện rõ tính ứng dụng, được một số doanh nghiệp xem xét hỗ trợ triển khai, như: Dự án Inut Platfom-hệ sinh thái kết nối vạn vật của nhóm sinh viên Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; dự án VADI-trợ lý ảo dành cho lái xe của nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; dự án Finbox-cố vấn đầu tư 4.0 của nhóm sinh viên Trường Đại học Ngoại thương...
Đáng chú ý, trong làn sóng khởi nghiệp có sự góp mặt của học sinh các trường THPT, như: Dự án Nano Rutin của học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội); dự án sản xuất cao điều trị bỏng của học sinh Trường THPT Phúc Trạch (Hà Tĩnh); dự án robot hỗ trợ vận chuyển và chăm sóc khách hàng của Trường THPT Thống Nhất A (Đồng Nai); dự án đồ lưu niệm từ đá núi lửa, rơm rạ, thổ cẩm của Trường THPT Krông Nô (Đắc Nông)…
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với HSSV trong quá trình khởi nghiệp là kinh phí hỗ trợ. Theo bà Nguyễn Thị Nhâm Huyền, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội), nếu không có phương án đầu tư thiết thực, các dự án, ý tưởng của học sinh chỉ dừng lại trên giấy, khó có cơ hội đưa vào cuộc sống.
Nguyễn Hoàng Kỳ (sinh viên ngành công nghệ phần mềm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), thành viên nhóm tác giả dự án VADI-trợ lý ảo dành cho lái xe vừa đoạt giải nhì Cuộc thi quốc gia “HSSV với ý tưởng khởi nghiệp-SWIS 2018” chia sẻ: "Nhờ sự hỗ trợ của nhà trường, thầy cô và sự nỗ lực của từng thành viên trong nhóm, chúng tôi đã hiện thực hóa được ý tưởng khởi nghiệp của mình. Hiện nay, ứng dụng đã được thử nghiệm và nhận sự phản hồi tích cực từ khách hàng. Chúng tôi mong muốn các nhà đầu tư quan tâm, hỗ trợ để ứng dựng hoàn thiện thêm các tính năng, sớm đưa vào triển khai trong thực tiễn”.
Hy vọng, với sự quan tâm, vào cuộc của các ban, bộ, ngành ở Trung ương, địa phương, các tổ chức hỗ trợ ươm tạo khởi nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế, doanh nhân, nhà đầu tư, Đề án 1665 tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả, qua đó tạo điều kiện tốt nhất cho HSSV được học tập, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp để phát huy tối đa tài năng, năng lực của bản thân, tạo ra những doanh nghiệp khởi nghiệp có giá trị cho cộng đồng và xã hội.
MINH NGUYỆT