Khi tôi hỏi chuyện, cu cậu tỏ ra bình thản: “Có gì to tát đâu chú. Bọn cháu cũng chỉ là like và chia sẻ dạo thôi. Với lại cháu mà không cập nhật những thông tin mới từ mạng xã hội, không “hóng biến” thì kiểu gì đến lớp cũng bị các bạn coi là lạc hậu”.
Đành rằng việc thường xuyên cập nhật tin tức trên mạng xã hội để trang bị kiến thức là điều tốt. Trong thời đại công nghệ số, chỉ cần một cú click chuột hoặc một chiếc điện thoại thông minh là học sinh có thể dễ dàng tra cứu thông tin, tài liệu tham khảo phục vụ cho việc học và theo dõi những tin tức mới của xã hội, đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh các thông tin bổ ích mang tính giáo dục thì còn có vô số những thông tin, hình ảnh có nội dung xấu, độc hại mà chúng ta khó kiểm soát hết. Do đó, nhiều kẻ xấu đã lợi dụng mạng xã hội để đưa thông tin sai trái, độc hại, lừa đảo trên mạng, đánh cắp thông tin, mật khẩu, phát tán virus hoặc đơn giản để câu like, câu view thỏa mãn mục đích cá nhân. Thậm chí nguy hại hơn đó là chúng đưa những thông tin sai trái, xuyên tạc, chống phá đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Theo các chuyên gia tâm lý học, thanh thiếu niên là lứa tuổi đang phát triển về thể chất và tinh thần nên dễ nhạy cảm với hành vi khác lạ trong xã hội. Nếu không nhận thức đầy đủ và được định hướng từ người lớn thì các em rất dễ bị đầu độc bởi các thông tin xấu, bịa đặt từ mạng xã hội dễ gây kích động cho những hành vi bồng bột, trong đó đáng lo ngại là tình trạng bạo lực học đường. Chúng ta vẫn thường nói cần phải trang bị năng lực, khả năng miễn nhiễm trước các thông tin xấu độc cho học sinh. Tuy nhiên, ai là những người làm việc này? Tất nhiên ngoài cha mẹ thì thầy, cô giáo luôn phải là những người trong cuộc, chủ động và trực tiếp để giúp các em.
Muốn làm được điều đó thì đội ngũ giáo viên cũng phải không ngừng tự học, tự cập nhật thông tin, hướng dẫn giúp đỡ nhau về cách thức lựa chọn tài liệu, thông tin, chia sẻ về kinh nghiệm sử dụng internet, mạng xã hội. Các thầy, cô cần phải liên hệ với gia đình để kịp thời phát hiện, uốn nắn những biểu hiện sai trái, quá đà của học sinh. Trong thời đại công nghệ số, giáo viên không chỉ có giảng dạy, truyền đạt kiến thức trên lớp là hoàn thành nhiệm vụ, các thầy, cô còn cần phải đồng hành với học sinh ở nhiều khía cạnh trong cuộc sống, từ đó có biện pháp giáo dục, định hướng để các em tránh xa những thông tin độc hại, tránh phát triển lệch lạc.
Đề cập vấn đề này với một số giáo viên, tôi nhận được sự đồng thuận cao. Tuy nhiên, vài ý kiến cũng cho rằng, trách nhiệm của giáo viên trong vấn đề này đến mức nào, giới hạn đến đâu? Nên chăng cần có một quy định cụ thể của lãnh đạo ngành giáo dục về việc quản lý, định hướng học sinh trên mạng xã hội? Bởi thêm trách nhiệm là điều nhiều giáo viên không ngại, nhưng trách nhiệm mà chỉ chung chung thì không thể ra việc.
HỮU TRƯỞNG