Nhằm giúp học sinh và phụ huynh có thêm thông tin để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Hà Nội về những điểm mới của kỳ thi năm nay.

Ông Phạm Văn Đại. Ảnh: UYÊN NHI. 


Phóng viên (PV): 
Phương thức tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội năm học 2021-2022 có thay đổi gì so với năm học trước, thưa ông?

Ông Phạm Văn Đại: Năm học 2021-2022, Hà Nội dự kiến tổ chức một kỳ thi chung vào lớp 10 THPT công lập không chuyên vào các ngày 29 và 30-5-2021, ngay sau khi kết thúc năm học như các năm học trước. Căn cứ tình hình dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay, xét thấy các nhà trường và học sinh hiện vẫn có thể duy trì việc dạy học, ôn tập đúng tiến độ, Sở GD&ĐT TP Hà Nội đã đề xuất giữ nguyên phương thức thi tuyển, tổ chức kỳ thi với 4 môn, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và bài thi thứ tư được chọn ngẫu nhiên thuộc một trong các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Môn thi thứ tư sẽ được công bố vào tháng 3-2021. Việc tổ chức thi tuyển 4 môn nhằm bảo đảm học sinh được giáo dục toàn diện, có chất lượng. 

Một điểm điều chỉnh về mặt kỹ thuật của kế hoạch tuyển sinh lần này là mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển tối đa vào 3 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3. Trong đó, nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 phải thuộc khu vực tuyển sinh mà học sinh có hộ khẩu thường trú; nguyện vọng 3 có thể thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ. Học sinh không được thay đổi nguyện vọng dự tuyển sau khi đã đăng ký.

Học sinh cần nhớ nguyên tắc xét tuyển như sau: Học sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 thì không được xét tuyển nguyện vọng 2, nguyện vọng 3. Học sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 được xét tuyển nguyện vọng 2 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng 1 của trường ít nhất 1,0 điểm. Học sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 thì được xét tuyển nguyện vọng 3, nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng 1 của trường ít nhất 2,0 điểm. Khi hạ điểm chuẩn, Sở GD&ĐT TP Hà Nội cho phép các trường tiếp nhận học sinh có nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 đủ điều kiện trúng tuyển.

 Giám thị coi thi phổ biến quy chế thi tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2020-2021 của Hà Nội. Ảnh: UYÊN NHI.


PV: 
Thưa ông, một số phụ huynh chưa hiểu rõ về quy định khu vực tuyển sinh theo hộ khẩu thường trú?

Ông Phạm Văn Đại: Quy định khu vực tuyển sinh theo hộ khẩu thường trú nhằm bảo đảm việc thực hiện phổ cập giáo dục trên địa bàn, bảo đảm quy hoạch mạng lưới trường học của thành phố, giảm bớt áp lực, đồng thời tránh những xáo trộn không cần thiết trong công tác tuyển sinh. Quy định này được xây dựng trên căn cứ thực tế khảo sát ở kỳ tuyển sinh của các năm học trước. Thực tế, trên địa bàn TP Hà Nội có hiện tượng học sinh đăng ký hộ khẩu một nơi nhưng cư trú thực tế tại nơi khác, số lượng học sinh xin đổi khu vực tuyển sinh ở những năm học trước là không nhiều.

Năm học 2021-2022, đối với các trường THPT công lập, TP Hà Nội vẫn phân chia thành 12 khu vực tuyển sinh như các năm học trước. Học sinh xác định khu vực tuyển sinh dựa vào hộ khẩu thường trú của học sinh (hoặc của bố, mẹ học sinh). Với một số trường hợp cụ thể, Sở GD&ĐT TP Hà Nội sẽ xem xét tạo điều kiện để các em được đổi khu vực tuyển sinh. Nếu học sinh có hộ khẩu ở địa bàn này nhưng cư trú thực tế tại nơi khác thì gia đình học sinh làm đơn, có xác nhận của chính quyền địa phương, Sở GD&ĐT TP Hà Nội sẽ xem xét, cho phép học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển ở khu vực tuyển sinh theo nơi cư trú thực tế. 

Thực tế, nếu có học lực tốt, học sinh còn rất nhiều lựa chọn khác, không hạn chế về khu vực tuyển sinh, như đăng ký dự tuyển vào lớp 10 của các trường chuyên, trường THPT có lớp chuyên thuộc Sở GD&ĐT TP Hà Nội gồm: Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Trường THPT Chu Văn An, Trường THPT Sơn Tây; hoặc các trường THPT công lập tự chủ tài chính; trường THPT chất lượng cao; trường THPT ngoài công lập... Sở sẽ có hướng dẫn chi tiết về việc thực hiện đăng ký nguyện vọng dự tuyển đối với học sinh nhằm bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho các em, đồng thời không gây khó khăn trong quá trình học tập, di chuyển.

PV: Theo kế hoạch đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt, năm học 2021-2022, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập chiếm 62% tổng số học sinh đăng ký dự tuyển. Tỷ lệ này có đáp ứng được nguyện vọng của học sinh và phụ huynh không, thưa ông?

Ông Phạm Văn Đại: Tỷ lệ học sinh được tuyển vào lớp 10 của các trường THPT công lập năm học 2021-2022 tương đương năm học 2020-2021. Tuy nhiên, tỷ lệ này không giống nhau tại các khu vực tuyển sinh. Với các khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, tỷ lệ chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường THPT công lập cao hơn.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT TP Hà Nội, năm học 2020-2021, toàn thành phố có 110.759 học sinh dự xét tốt nghiệp THCS, tăng 6.220 học sinh so với năm học 2019-2020. Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội có đủ các loại hình trường, đáp ứng tốt nhu cầu học tập đa dạng của học sinh. Thành phố bảo đảm 100% học sinh tốt nghiệp THCS đều được tuyển vào lớp 10 của các trường THPT công lập, ngoài công lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên, học nghề... Căn cứ vào năng lực, điều kiện thực tế và nhu cầu học tập, học sinh có thể lựa chọn, quyết định đăng ký dự tuyển vào các loại hình trường phù hợp. 

PV: Sở GD&ĐT TP Hà Nội có phương án nào để hỗ trợ học sinh trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19?

Ông Phạm Văn Đại: Sở GD&ĐT TP Hà Nội đã tính toán thời điểm dự kiến tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2021-2022 bảo đảm để các nhà trường hoàn thành 35 tuần thực học theo đúng kế hoạch thời gian năm học của Bộ GD&ĐT quy định. Thời gian này đủ để học sinh học tập, ôn luyện tốt. Tuy nhiên, Sở GD&ĐT TP Hà Nội đã có dự trù phương án ứng phó. Trong trường hợp dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, Sở GD&ĐT TP Hà Nội sẽ báo cáo, xin ý kiến UBND TP Hà Nội có thể điều chỉnh thời gian tổ chức kỳ thi.

Các em học sinh yên tâm học tập tốt, bởi trong bất kỳ tình huống nào, sở cũng sẽ có phương án tổ chức thi thuận lợi, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho các em. Các em lưu ý trong quá trình học và ôn tập cần bám sát nội dung theo chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình THCS hiện hành của Bộ GD&ĐT, các hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ GD&ĐT ban hành tại Công văn số 3280/BGDĐT-GDTrH và của Sở GD&ĐT TP Hà Nội ban hành tại Công văn số 2786/SGDĐT-GDPT. Bên cạnh đó, các em học sinh cần chú ý giữ gìn sức khỏe, nghiêm túc thực hiện quy định phòng, chống dịch, lập kế hoạch học và ôn tập một cách chi tiết, khoa học để đạt kết quả cao nhất.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

NGUYỄN HOÀI (thực hiện)