Chuyện biết đọc, biết viết đối với nhiều người có thể coi như việc đương nhiên vậy, nên chưa thấy đây là một loại “tài nguyên”. Đối với bà con ở các bản Pu Khả 1, Nậm Càn, Liên Sơn, Na Ngoi 1 (xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) thì đây chính là một “tài nguyên vô tận”. Số là, mấy năm gần đây với sự hoạt động hiệu quả của các đội sản xuất thuộc Đoàn 4 bà con đã được “chuyển giao” nhiều mô hình kinh tế như trồng củ dong riềng, trồng cây chè, làm ruộng nước, nuôi cá thương phẩm, nuôi bò, nuôi lợn… Sản xuất, chăn nuôi theo phương pháp mới năng suất cao hơn hẳn. Đặc biệt, người dân muốn được Đoàn 4 đầu tư xóa đói, giảm nghèo thì phải đáp ứng những tiêu chuẩn về chuồng trại, quy trình chăm sóc, cây con giống. Mà những thứ đó không thể nào cứ theo kinh nghiệm mà làm được. Phải theo sách, phải ghi chép, phải biết chữ, biết đọc, biết viết.

Cô Nguyễn Thị Hiền (thứ ba, bên trái) cùng một số học viên lớp học.

Có người còn ví von một câu rất hay rằng, một trang sách bằng 10 gánh thóc. Câu chuyện này vừa đúng cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Ông Vù Bá Tòng, Bí thư chi bộ bản Pu Khả 1, kể: “Thời trước người dân thích làm theo kinh nghiệm. Mà cách làm ấy lạc hậu lắm rồi. Phải thay đổi thôi. Nhưng thay đổi cách nào. Các anh bộ đội đọc sách rồi hướng dẫn bà con. Các anh hướng dẫn một lần, hai lần, nhiều lần… không nhớ hết. Nên bà con bảo với nhau rằng phải đi học con chữ để ghi lại để tự mình làm. Làm theo sách hạt thóc nhiều lên gấp 10 lần, con bò, con lợn lớn nhanh gấp 10 lần. Ai cũng thích đọc sách”.  Giờ ở bản Pu Khả 1, người biết đọc sách rất nhiều. Biết đọc, biết viết đời sống ấm no là điều mọi người thấy rõ.

Như vậy, chính từ nhu cầu phát triển kinh thế hộ gia đình nên bà con nhận thấy việc cần thiết phải biết chữ. Biết chữ vừa chủ động trong công việc của mình lại còn có thể tự tìm kiếm tài liệu. Có một điều rất thú vị ở những xã vùng biên viễn này là đường truyền internet khá mạnh, nhiều người dân biết dùng điện thoại thông minh và mạng xã hội. Điều đó cũng phần nào khiến người dân mong muốn học chữ để sử dụng công nghệ thông tin.

Cô Hiền cho biết, lớp các cô có 20 học viên phần lớn là phụ nữ, người trẻ nhất cũng bằng tuổi mẹ mình. Đáng nói là “các mẹ” học hành rất chăm chỉ, phần lớn không biết đọc, biết viết là do “tái mù chữ” nên chỉ cần thực hành nhiều là ổn. Chương trình học của các lớp này còn lồng ghép nhiều chuyên đề như bình đẳng nam nữ, chính sách pháp luật, kỹ thuật nông nghiệp… bà con rất thích. Cả Đoàn 4 có 4 lớp như vậy.

Trong quá trình đi công tác tại các Đoàn kinh tế-Quốc phòng 326 ở huyện Sốp Cộp (Sơn La), Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 313 ở huyện Vị Xuyên (Hà Giang), chúng tôi cũng đã từng gặp các lớp học kiểu này. Nhưng lúc đó chưa thấy hết “tài nguyên văn hóa” này lại giúp người dân nhiều đến thế. Đến giờ ngẫm lại mới thấy hết ý nghĩa của công cuộc “cõng chữ lên non”.

Bài và ảnh: LÊ ĐÔNG