Bạn kể lại rằng, những ngày mới khánh thành, không chỉ lãnh đạo huyện, lãnh đạo phòng nông nghiệp, chủ tịch hội nông dân huyện và cán bộ xã đến thăm, động viên mô hình trang trại chăn nuôi lớn nhất nhì huyện của gia đình bạn tôi, mà tháng tám năm ngoái, gia đình bạn còn vinh dự được lãnh đạo cao nhất của tỉnh đến thăm, mục sở thị ngay tại chuồng trại chăn nuôi, rồi ông khen ngợi vợ chồng bạn là một trong những tấm gương nông dân đi đầu trong chuyển đổi mô hình chăn nuôi mới ở địa phương. Có lãnh đạo tỉnh đến thăm, tối đó, truyền hình tỉnh đưa tin; hôm sau, báo tỉnh đưa tin và đăng hình ảnh lãnh đạo tỉnh đang trò chuyện với vợ chồng bạn tôi ngay bên cạnh chuồng trại chăn nuôi. Từ đó, bạn tôi “bỗng dưng” nổi tiếng trong xã vì được thông tin, tuyên truyền nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.

Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang. Cùng chung “số phận” với hàng vạn hộ chăn nuôi lợn theo mô hình trang trại tập trung bị “điêu đứng” trước “cơn bão xuống giá” chưa từng thấy trong lịch sử ngành chăn nuôi lợn, vợ chồng bạn tôi đang ngày đêm nơm nớp nỗi lo bởi hàng trăm con lợn thịt đến thời kỳ xuất chuồng mà không có người mua, hoặc nếu có người hỏi mua thì giá cũng rẻ như bèo. “Lợn bây giờ không chỉ ăn cám đâu, mà ăn hết cả “sổ đỏ” rồi, nhưng vợ chồng mình vẫn đứng trước nguy cơ phá sản rất lớn”, bạn tôi thốt lên một cách xót xa. Rồi bạn tôi lại than thở: “Một phần tự trách mình làm ăn không gặp thời, nhưng phần khác cũng cảm thấy chạnh lòng cho lối hành xử của cơ quan chức năng và những người có trách nhiệm ở địa phương, bạn ạ!”. “Có chuyện gì thế, bạn có thể chia sẻ với tôi được không?”. Bạn tôi bộc bạch: “Lúc mới khánh thành chuồng trại chăn nuôi tập trung, đại diện nhiều quan chức các ban, ngành, đoàn thể xã, huyện, tỉnh đến hỏi thăm, động viên kịp thời. Thế nhưng mấy tháng nay, công việc chăn nuôi lợn của gia đình bỗng lâm vào cảnh bí đầu ra mà chẳng thấy một bóng dáng cán bộ nào đến hỏi han, chia sẻ, hỗ trợ thông tin cho vợ chồng mình. Họ ứng xử như thế, theo bạn có nên không?”.

Tôi chưa biết trả lời thế nào thì bạn tôi đọc câu ca dao: “Khi vui thì vỗ tay vào/ Đến khi sóng cả thì nào thấy ai”, rồi giãi bày trong tâm trạng... ấm ức: “Thói đời vốn hay vỗ về, chúc tụng người ta trong lúc vui vẻ. Nhưng khi người ta chẳng may sa chân lỡ bước, thất bại, thói đời lại ngoảnh mặt làm ngơ, hình như không biết. Cái thói đời ấy là thói đời thực dụng, vô tâm nên rất cần cảnh tỉnh, phê phán, nhất là thói đời ấy vẫn còn tồn tại trong một bộ phận cán bộ, công chức.         

Có thể hơi bức xúc nên bạn nói quá lên như vậy. Nhưng từ câu chuyện này chúng ta cần phải nhắc lại một điều: Nếu cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở, cán bộ đoàn thể mà không sâu sát dân, không biết trăn trở với những khó khăn của dân, không cùng chung tay góp sức gỡ khó cho dân trong những lúc hoạn nạn, thì cán bộ không những không làm tròn trách nhiệm với dân, mà còn dễ bị dân chê bai, oán trách. Đó cũng là nguy cơ làm cho dân suy giảm niềm tin với chính quyền, đoàn thể.

PHÚC NỘI