QĐND - Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng vào những năm đầu Công nguyên (40-43), tuy không xuất phát từ Thái Bình, nhưng đây lại là địa phương có nhiều di tích lịch sử liên quan đến cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Trong số đó, nổi bật là đền Bổng Điền ở xã Tân Đệ, huyện Vũ Thư, thờ bà Đỗ Thị Quế Hoa-một tướng tài trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Theo thần phả của làng thì nữ tướng Quế Hoa là con gái của gia đình họ Đỗ, vốn ngụ tại vùng đất Tổ Phú Thọ ngày nay. Khi nhà Hán đem quân sang xâm lược, gia đình họ Đỗ chuyển về sống tại Bổng Điền trang, vừa lập nghiệp, vừa chiêu mộ hiền tài, góp công đánh giặc. Thuở thiếu thời, bà tầm sư học đạo, giỏi võ. Bà tụ hội nghĩa quân, gia nhập theo ngọn cờ đại nghĩa của Hai Bà Trưng. Nhận lệnh trên ban xuống, bà đưa quân về phối hợp với các tướng Bát Nạn và Lê Chân, đánh giặc bảo vệ quê hương. Hơn 3 năm chiến đấu oanh liệt, đội quân dưới sự chỉ huy của bà đã lập được nhiều chiến công. Bà hy sinh trong một trận chiến không cân sức với quân giặc ngay trên mảnh đất quê hương vào năm 43.
 |
Đền Bổng Điền-nơi thờ nữ tướng Quế Hoa. |
Đền Bổng Điền nằm trong Khu di tích đình đền chùa Bổng Điền đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1989. Đền được nhân dân địa phương góp công xây dựng năm 1848, dưới thời vua Tự Đức. Năm 1915 thời Duy Tân, xây dựng cung giữa; năm 1931 thời Bảo Đại, xây dựng ngôi Tam quan. Đến năm 1990, xây nối tiếp cung giữa với tam quan tạo cung thờ thứ ba, hoàn thiện đền và duy trì kiến trúc tới ngày nay.
Từ lâu, đền Bổng Điền trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân địa phương. Theo truyền thống, hằng năm, người dân mở hội vào ngày 10-3 âm lịch, chính hội là ngày 14 và 15-3 âm lịch. Nghi lễ chính là lễ rước kiệu từ đền Bổng Điền tới lăng mộ nữ tướng Quế Hoa ở làng Hương Đình, xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư, để ghi nhớ công ơn bà. Lễ hội đền Bổng Điền hằng năm có sự tham gia của đông đảo người dân trong làng và thu hút nhiều du khách thập phương. Đến với Lễ hội Bổng Điền, du khách không chỉ ngưỡng vọng đền thờ nữ tướng Quế Hoa, mà còn được hòa mình vào không gian văn hóa tâm linh bao đời của người dân nơi đây, trong quần thể di tích Bổng Điền với đình Bổng Điền thờ Thành Hoàng làng là hai vị tướng công Tĩnh Bộ, Tạp Bộ và ngôi chùa Bổng Điền (hay còn gọi là Sùng Quang tự) cổ kính.
Đình, đền chùa Bổng Điền với kiến trúc từ đời Hậu Lê đến nhà Nguyễn giữ được gần như nguyên vẹn về sắc phong, thần phả và các đồ thờ cổ không bị hư hỏng, mất mát. Chính vì thế, các hãng lữ hành và khách du lịch thường dừng chân tham quan quần thể di tích lịch sử văn hóa tâm linh này trong tua du lịch khám phá tỉnh Thái Bình.
Bài và ảnh: TRẦN HÀ