Đón xuân mới năm nay, người Hà Nội kháo nhau tìm đến địa chỉ “Cà phê báo” ở 62 Trần Quốc Toản, bên tách cà phê Buôn Ma Thuột nóng hổi, cái thú nhâm nhi vị đắng của cà phê là một nhẽ rồi, họ tới đây còn được đọc báo, tạp chí miễn phí! Rất nhiều bài báo hay được tuyển chọn, rồi ép plastic cẩn thận và đục lỗ treo trên dây thép, cứ vậy, đã làm “khoái khẩu” biết bao nhiêu bạn đọc. Có vị khách thốt lên: “Cái bài Bè trầm in trên báo, tôi đã đọc rất tâm đắc, chẳng hiểu bọn trẻ nhà này dọn nhà, xếp vào đâu, tìm mãi không ra. May quá, đến đây là có hết. Hôm nào, tôi phải đặt vấn đề với ông chủ quán, nhờ phô-tô-cóp-py hộ cho”… Bộ sưu tập văn hóa cứ dày thêm mỗi ngày bởi chúng luôn được người ta bổ sung thêm, với hai mảng chính: chiến tranh đã qua và thời kỳ bao cấp. Điều làm cho ai mỗi khi ghé qua đây lại muốn trở lại bởi những tháng năm của thời kỳ kháng chiến và bao cấp làm sao mà quên được! Hơn 3.000 hiện vật, từ tem phiếu, sổ mua gạo, quạt tai voi, chiếc lược làm bằng xác máy bay thứ 900 của giặc Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc, mọi người đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, khi tận mắt được xem bộ sưu tập công phu, tỉ mỉ. Chủ nhân của "Cà phê báo” không ai khác là anh Nguyễn Ngọc Tiến, hiện là phóng viên của tờ Hà Nội mới. Nảy ra ý tưởng trên là một câu chuyện thật tình cờ. Một hôm, cô con gái hỏi bố:
- Cái đèn bão nó thế nào hả bố? Suy nghĩ một lát, anh trả lời con:
- Cái thứ đèn ấy, gió to thổi không tắt và được làm khá kín, có bộ hãm cái bóng đèn ở phần giữa con ạ! Tìm nó bây giờ trong các gia đình là hơi khó, chỉ có các bác tuần đường của ngành đường sắt, là hiện nay vẫn dùng khi đi tuần đường!
Để có “dụng cụ trực quan” cho cô con gái, anh Tiến phải nhờ một người bạn có cái tên là Phương ở mãi đường Giải Phóng tìm giúp (và sau này, ông Phương thành “nhà sưu tầm” hiện vật giúp anh Tiến rất nhiều). Có lần, ông Phương kể:
- Tôi cứ lọ mọ từ Bắc vào Nam, cứ hễ ai mách “có hàng” là tôi lên đường ngay tức khắc, ví như để có cái quạt “tai voi” của Liên Xô (trước đây), một ông bạn tôi phải đạp xe xuống tận Yên Sở tha về, nhiều thứ thuộc về đồ kỷ niệm của cá nhân, gia đình một thời, họ đâu có bán! Trả bao nhiêu tiền cũng không thuận, nhưng có khi ra chợ mua vài món nhậu, xách chai “cuốc lủi” về, chủ khách vui câu chuyện như ngô rang, thế là gãi trúng ý… Họ cho và hẹn: “Khi nào trưng bày cái của tôi nhớ báo cho biết nhé, không khéo bạn bè lại tìm thấy nhau cũng nên, họ sẽ mò về đây cho mà xem”.
Bao hiện vật, với bao con đường khắp nơi cứ như những dòng sông chảy về biển cả mà tìm về “Cà phê báo”. Chuyện tư nhân làm “bảo tàng” xem ra cũng mới quá, việc tự sưu tầm, tự lo, nay khoản tiền bỏ ra để có những hiện vật vô giá đã hơn 100 triệu đồng, nhưng anh Tiến thấy nó vẫn thiêu thiếu thế nào ấy, cũng đúng thôi, phải có bao nhiêu thứ cho đủ? Những vật dụng bình thường trước kia hay bây giờ cũng vậy, khi xong việc hay hư hỏng, người ta vẫn có thói quen là bỏ đi, hay gọi bà đồng nát chuyển giúp. Nếu không có người bỏ công tập hợp lại thì con cháu chúng ta biết về thời bao cấp ra sao, biết về cuộc chiến tranh vĩ đại thế nào? Khi mà cả nước phải thắt lưng buộc bụng cho xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam? Cái thời của “Thanh niên ba sẵn sàng", "Phụ nữ ba đảm đang” và hừng hực khí thế “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”! Bao cấp là gì? Chắc hẳn con trẻ ngày nay khó hình dung ra nổi, khi mà chúng sống trong cảnh no đủ về vật chất, việc giải thích cho thế hệ hậu sinh, đại loại là: Hồi đó hàng hóa khan hiếm, nên chế độ phân phối theo tem phiếu, thường thường cứ phải dậy sớm đi xếp hàng giữ chỗ, đôi lúc phải huy động cả những cục gạch, mê nón… Nhưng khi đến giờ bán hàng, vẫn có người chen ngang, tức chết đi được, nhà nào có đám cỗ, lại phải vay thêm tiêu chuẩn nhà khác để mua, nạn buôn bán tem phiếu xuất hiện ở các cửa hàng nhu yếu phẩm (mà hồi đó xã hội vẫn gọi những ai buôn bán tem phiếu là con phe).
Cái tĩnh lặng của “Cà phê báo” vốn dĩ cũng na ná như người đã khai sinh ra nó: trầm tư, miệt mài, sâu lắng, trí tuệ. Ai đến, xin mời chiêm ngưỡng tự nhiên, quá khứ của một thời biết sao cho đủ, nhưng những hiện vật như biết nói kia đã góp phần vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc.
NGUYỄN VĂN THẾ