Cậu bé nhà nghèo hiếu học, ham viết báo

Theo Lịch sử quân sự Việt Nam, Thiếu tướng Bùi Cát Vũ (tên thật là Bùi Văn Bê) sinh ra tại xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh trong một gia đình nông dân nghèo, đông con. Tuy vậy, Bùi Cát Vũ rất hiếu học, ông thi tiểu học đỗ đầu tỉnh và được học bổng.

Khi thi vào trường trung học Mỹ Tho lại được học bổng toàn phần. Nhưng do nhà quá nghèo nên ông phải bỏ lên Sài Gòn để tìm phương kế sinh nhai phụ giúp mẹ, nuôi em...

Cuối năm 1938, ở tuổi 14, ông được nhận vào giữ chân chạy việc cho Báo Dân Chúng. Lúc đầu, ông vác báo từ nhà in về xếp lại, rồi mang đi giao cho các mối bán lẻ. Dần dần thấy ông chăm chỉ, nhanh lẹ, tháo vát và chữ nghĩa cũng kha khá, lãnh đạo cơ quan báo giao cho công việc “thầy cò” (sửa chính tả bản in).

Thấy mấy chú, mấy anh làm báo cực mà vui, ông thử viết về chính cuộc sống lang thang của mình và đám bạn bè cùng cảnh ngộ trước đây. Không ngờ chính từ thiên phóng sự “Sau ánh đèn điện Sài Gòn” ấy, ông gắn cuộc đời mình vào nghiệp báo chí, văn chương.

Càng không ngờ, từ thiên phóng sự ấy, ông chính thức trở thành người hoạt động cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng (Dân Chúng là cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Đông Dương lúc đó, là tờ báo thứ 3 của Đảng ta ra được nhiều số nhất ở thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945).

Phó tư lệnh Quân đoàn 4 Bùi Cát Vũ bên bờ sông La Ngà trước khi bước vào trận đánh Xuân Lộc tháng 4-1975. Ảnh tư liệu

Tháng 9-1939, Thế chiến thứ II nổ ra, thực dân Pháp đặt cộng sản và các hoạt động yêu nước ra ngoài vòng pháp luật. Tờ Dân Chúng ngưng xuất bản, rút vào hoạt động bí mật. Một số cây bút tiêu biểu của Dân Chúng bị thực dân Pháp bắt, ra tòa.

Lúc sinh thời, Thiếu tướng Bùi Cát Vũ cho biết, dù chỉ tham gia làm báo một thời gian ngắn nhưng đó là thời gian rất quan trọng đối với cuộc đời mình: “Tôi được sống và viết lách chung với những bậc thầy như Nguyễn Văn Nguyễn, Trần Thanh Mại. Tôi học được ở các vị ấy rất nhiều, từ cách lấy tin tức, đến viết phóng sự, truyện ngắn...

Rồi khi tờ báo Dân Chúng bị đóng cửa, vào tù, tôi được tiếp xúc với nhiều bậc trí thức lớn nữa như: Nguyễn An Ninh, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo, Tạ Thu Thâu... Mặc dù có những quan điểm khác nhau, nhưng đó là những trí thức yêu nước chân chính, biết được nỗi nhục mất nước và tìm kiếm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc".

Trong kháng chiến chống Pháp, ông còn là người sáng lập và là ngòi bút chủ lực của các tờ báo “Tiếng Rừng”, “Sứ Mệnh” của Khu 7. Đây là những tờ báo có mặt ngay tại chiến trường, gắn liền với hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ, với từng trận đánh, địa danh, những mốc lớn của lịch sử dân tộc mà ông cùng đồng đội đã đi qua; kịp thời vận động, biểu dương quân dân, góp phần vào chiến thắng chung của “miền Đông gian lao mà anh dũng”.

Rồi ông trở thành Tư lệnh Binh chủng Pháo binh, Tham mưu phó Bộ tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam, Phó tư lệnh Quân đoàn 4 cùng với Thiếu tướng Hoàng Cầm, Tư lệnh Quân đoàn 4 chỉ huy trận quyết chiến Xuân Lộc, mở toang “cánh cửa thép” cho đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn vào tháng 4-1975.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông còn tham gia chỉ huy Quân đoàn 4 sang giúp nước bạn thoát khỏi ách diệt chủng của tập đoàn diệt chủng Pol Pot, rồi trở về nước nhận nhiệm vụ Phó tư lệnh Quân khu 7 những năm 1980-1981, nhưng vẫn cần cù “cày xới” trên những trang văn đầy hơi thở của cuộc sống.

Vừa chỉ huy tiến quân, vừa ghi chép và viết ký sự

Đáng chú ý là vào thời gian đầu năm 1979, ngay sau khi chỉ huy Bộ tư lệnh tiền phương Quân đoàn 4 đánh tan quân Khmer Đỏ, Thiếu tướng, Phó tư lệnh Quân đoàn 4 Bùi Cát Vũ đã tranh thủ lúc rảnh rỗi viết ngay thiên ký sự “Đường vào Phnôm Pênh”, gửi về đăng nhiều kỳ trên Báo Sài Gòn Giải Phóng. Nhiều tư liệu quý từ cuộc chiến này đã được cây bút tài hoa của ông ghi lại, chia sẻ một cách trung thực, khách quan và đầy cảm xúc. 

Trong đó, tác phẩm "Đường vào Phnôm Pênh" đã giúp người đọc kịp thời hiểu sâu hơn tình hình bi thương của xứ sở Ăngkor, cũng như hành trình vượt qua thử thách ác liệt, tinh thần chiến đấu quả cảm và nhân văn của chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam vì nghĩa vụ quốc tế cao cả.

 Thiếu tướng, nhà văn Bùi Cát Vũ với các kỷ vật. Ảnh tư liệu

Trong tác phẩm của mình, ông đã cho biết một cách giản dị mà sâu sắc về cách ứng xử văn hóa của quân tình nguyện Việt Nam trước các công trình nghệ thuật, cơ sở vật chất của đất nước bạn như chính của Tổ quốc mình: “Hồi trưa này tôi nghe đồng chí trợ lý tác chiến về báo cáo lại một trường hợp tương tự như thế của một đại đội thuộc Trung đoàn 12, vây bắt địch mà không dùng B40, ĐKZ bắn vào Đài Độc Lập. Chiến sĩ ta đã không tiếc máu mình để bảo vệ những công trình lao động nghệ thuật, những phố phường trống hoang cho nhân dân bạn đỡ phần vất vả sau này”.

Trong phần cuối của tác phẩm mang hơi thở chiến trường này, ông còn khẳng định: “Mỗi một bước đi trên đất nước bạn, chúng tôi càng khẳng định tính chất chính nghĩa của công việc mình làm. Đến đây tôi lại nhớ lời quyết tâm của chiến sĩ Binh đoàn trước ngày khởi đầu chiến dịch phản công chiến lược ngày 23-12-1978: “Nếu phải đổi lấy việc ta làm hôm nay bằng mười kiếp sống, chúng tôi cũng xin sẵn sàng!”.

“Trùm đại bác Đông Dương”

Trong cuốn “Phỏng vấn tướng lĩnh Việt Nam”, Thiếu tướng Bùi Cát Vũ cho biết, sở dĩ ông có biệt danh là “Võ Tòng chiến khu Đ” hay còn được gọi là “Trùm đại bác Đông Dương” vì ông từng chỉ huy chế tạo bom mìn đánh Pháp và diệt một con cọp hung dữ; sang thời chống Mỹ lại chỉ huy pháo binh vượt Trường Sơn sang biên giới Lào - Campuchia phối hợp với bạn tác chiến.

Từng tham gia chỉ huy hàng trăm trận đánh trên chiến trường, nhưng tên tuổi của Thiếu tướng Bùi Cát Vũ thường được nhắc tới gắn liền với hai trận đánh lịch sử La Ngà và Xuân Lộc ở miền Đông Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến. 

Trong trận La Ngà, ông cùng đồng đội đã diệt 59 xe, bắt sống gần 300 tên, diệt hàng trăm địch. Trận La Ngà đánh dấu sự trưởng thành trong tác chiến của bộ đội Nam Bộ; có ảnh hưởng chính trị và quân sự vang dội ở Đông Dương và Pháp. Chính sách nhân đạo đối với tù binh, hàng binh của bộ đội Việt Nam sau trận La Ngà đã góp phần quan trọng cảm hóa nhiều nhân vật trong chính giới Pháp và dư luận báo chí Pháp.

Sau trận La Ngà, trên địa bàn Chiến khu Đ xuất hiện một con cọp ba móng, tinh quái và liều lĩnh. Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, nó đã ăn thịt mất hơn 100 cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong vùng khiến dư luận quân dân Chiến khu Đ khi đó rất hoang mang. Trước tình hình đó, Bùi Cát Vũ được Tư lệnh Trần Văn Lung giao cho trừ khử con cọp. Từ đó, ông mang biệt hiệu “Võ Tòng chiến khu Đ’’.

Sau hiệp định Geneve, năm 1954, ông tập kết ra Bắc. Khi đi bộ đội ông mới là học sinh trường Bách Nghệ (hết cấp 2), những năm hòa bình đầu tiên trên miền Bắc, ông tự học tiếng Trung Quốc, tiếng Nga, học hết cấp 3, rồi Đại học Tổng hợp Toán.

Để chuẩn bị cho sự nghiệp chống Mỹ giải phóng miền Nam, ông được cử sang Liên Xô học tập và ông đã bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ (bây giờ là Tiến sĩ) chuyên ngành Khoa học quân sự pháo binh. Nhiều bài viết, nhiều công trình nghiên cứu của ông đã được các tạp chí khoa học quân sự của các nước đăng tải và đánh giá cao.

Sau giải phóng, Bùi Cát Vũ được phong hàm Thiếu tướng, giữ nhiệm vụ Phó tư lệnh Quân khu 7, trực tiếp phụ trách Mặt trận 479 và 779 khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra. Ông là một trong những tướng lĩnh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam có mặt tại Phnom Penh ngay ngày 7-1-1979.

Ký sự “Đường tới thành phố” của Bùi Cát Vũ hoàn thành năm 1975, được trao giải cao nhất của Hội Nhà văn Việt Nam năm đó, qua hơn 30 năm vẫn còn tươi nguyên giá trị dưới góc nhìn của người trong cuộc về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Ký sự “Đường vào Phnom Penh”, Bùi Cát Vũ hoàn thành vào năm 1979, đã tạo sự xúc động mạnh mẽ nơi người đọc về tội ác diệt chủng của bọn Khmer Đỏ và sự hồi sinh mãnh liệt của nhân dân Campuchia, dưới sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam.

Năm 1988, ông hoàn thành tập ký sự “Buổi đầu chập chững”, ghi lại bức tranh toàn cảnh Chiến khu Đ những năm đầu kháng chiến chống Pháp...

Những ký sự ấy đã đưa tên tuổi Bùi Cát Vũ vào hàng ngũ không nhiều những nhà văn Việt Nam thành công với mảng đề tài chiến tranh cách mạng.

PHƯƠNG HẰNG (tổng hợp)

-----------------------

Nguồn trích dẫn thông tin: Lịch sử Quân sự Việt Nam; Báo Đồng Nai; Phỏng vấn tướng lĩnh (Phan Hoàng).