Trung tướng NGUYỄN HỒNG THÁI, Tư lệnh Quân khu 1:
Dấu ấn đậm nét, tình cảm đặc biệt với căn cứ địa Việt Bắc
Đồng bào và LLVT Quân khu 1 vô cùng tự hào bởi Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nhiều năm tháng gắn bó với núi rừng Việt Bắc. Tại đây, Đại tướng đã có thời gian sống và làm việc cùng lãnh tụ Hồ Chí Minh; cùng tập thể Trung ương Đảng hiện thực tư tưởng của Người vào xây dựng hậu phương, căn cứ địa, xây dựng LLVT, chỉ đạo quân và dân ta tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi.
Tiến trình đó được bắt đầu từ cuối năm 1941, đồng chí Võ Nguyên Giáp về Cao Bằng, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ làm công tác vận động quần chúng, xây dựng các tổ chức cách mạng ở vùng căn cứ địa. Ngày 22-12-1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, đồng chí Võ Nguyên Giáp chủ trì lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Võ Nguyên Giáp, các LLVT cách mạng phát triển nhanh chóng.
    |
 |
Trung tướng NGUYỄN HỒNG THÁI. Ảnh: NHƯ QUỲNH |
Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã tham mưu chọn Tân Trào, Sơn Dương (Tuyên Quang) làm nơi làm việc của cơ quan Trung ương. Tại đây, lãnh tụ Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời vào ngày 2-9-1945. Tuy nhiên, với dã tâm cướp nước ta một lần nữa, thực dân Pháp đã nhanh chóng thỏa hiệp với phát xít Nhật quay trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai.
Với địa thế “tiến có thể đánh, lui có thể giữ” và “địa lợi, nhân hòa” đáp ứng yêu cầu kháng chiến lâu dài, tại An toàn khu Việt Bắc, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã tham mưu với Trung ương Đảng đề ra các chủ trương đúng đắn về xây dựng căn cứ địa, về công tác quân sự; chỉ đạo, chỉ huy quân và dân cả nước mở nhiều chiến dịch lớn góp phần quyết định, thay đổi cục diện chiến tranh. Đặc biệt, từ Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông năm 1947 đến Chiến dịch Biên giới năm 1950, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo quân, dân ta chiến đấu, đánh bại ý đồ đầy tham vọng của thực dân Pháp, bảo vệ an toàn Trung ương Đảng và Chính phủ, bảo toàn và phát triển LLVT, giữ vững căn cứ địa kháng chiến. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, dưới tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sau 56 ngày đêm anh dũng chiến đấu, quân và dân ta đã đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp.
Quá trình hoạt động tại căn cứ địa Việt Bắc (1941-1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những cống hiến to lớn, mang dấu ấn đậm nét, gắn liền với những chiến công hiển hách; để lại những tình cảm đặc biệt sâu đậm, gần gũi, thân thương với quân và dân nơi đây.
----------
Đại tá NGUYỄN BỘI GIONG, nguyên Chuyên viên cao cấp Bộ Tổng Tham mưu về tổng kết chiến tranh:
Tư duy chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Từ năm 1948 đến 1951, tôi là Bí thư quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; năm 1952-1954 là phái viên tác chiến của Bộ Tổng Tham mưu trong các chiến dịch do Bộ Quốc phòng tổ chức nên tôi có điều kiện gần gũi, được chỉ bảo và học tập từ Đại tướng về đạo đức, phương pháp tư duy, tác phong công tác. Qua đó, tôi nhận thấy tư duy chiến lược của Đại tướng có thể khái quát ở những vấn đề lớn như sau:
    |
 |
Đại tá Nguyễn Bội Giong. Ảnh: TUẤN HUY |
Thứ nhất, bất luận trong nghệ thuật chỉ đạo chiến thuật, chiến dịch hay chiến lược, đều phải có mục đích rõ ràng. Mục đích ở đây được hiểu là trước khi bước vào một chiến dịch, một trận đánh phải đặt mục tiêu là gì? Khi tiến hành tác chiến, có thể linh hoạt vận dụng các phương pháp khác nhau nhưng phải đạt được mục đích đề ra.
Thứ hai, phải chủ động bám sát thực tiễn chứ không phải dựa vào cảm nhận của cá nhân. Người cán bộ phải có trình độ nghiên cứu và phân tích sâu về địch, xem xét thật khách quan những chỗ mạnh, chỗ yếu của chúng, từ đó làm cơ sở để tính toán thật cụ thể kế hoạch tấn công tiêu diệt địch. Chủ động nghiên cứu thật kỹ mọi tình huống, kể cả những tình huống có lợi cũng như khó khăn; không chủ quan, không ảo tưởng để không bị bất ngờ trước những biến chuyển đột ngột của tình hình. Đại tướng cho rằng, nếu chỉ dựa theo cảm nhận của riêng mình hay những cái mình đã dự định trước sẽ đi đến những ảo tưởng, mà đã ảo tưởng là thất bại.
Thứ ba, vận dụng phương pháp luận Mác-Lênin để phân tích các vấn đề một cách biện chứng, phải đi vào chi tiết để phân tích, tìm ra sự tác động qua lại. Theo Đại tướng, phải bám sát thực tiễn chiến trường đang phát triển, lấy đó làm căn cứ để đánh giá, xem xét các sự việc, để thấy được phần trước đã diễn ra như thế nào, sắp tới sẽ ra sao... qua đó mới hiểu được quy luật hoặc một phần quy luật. Phải hành động theo quy luật thì mới giành được thắng lợi.
Như vậy, tư duy chỉ đạo chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thể hiện ở tính mục tiêu, mục đích phải rõ; tính thực tiễn phải sâu sắc; phải phân tích, phán đoán, suy nghĩ cho kỹ, sâu trên cơ sở vận dụng nguyên lý của Chủ nghĩa Mác-Lênin.
Thực tiễn cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cho thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng đã không phạm phải sai lầm chiến lược nào. Có thể khẳng định, tư duy chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp hết sức phong phú, để lại những bài học vô cùng quý giá, có thể giúp chúng ta vận dụng vào các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội chứ không chỉ riêng trong lĩnh vực quân sự.
----------
Trung tướng TRẦN VÕ DŨNG, Chính ủy Quân khu 4:
Phấn đấu theo tâm nguyện của Đại tướng
LLVT Quân khu 4 tự hào là địa bàn có quê hương của Bác Hồ kính yêu-vị Cha già dân tộc; quê hương của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp-người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Kể từ khi thành lập đến nay, LLVT Quân khu 4 luôn nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; đoàn kết thủy chung với bạn Lào; chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
    |
 |
Trung tướng Trần Võ Dũng. Ảnh: MINH TÚ |
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 4 hết sức trân trọng, khắc ghi, phấn đấu theo tâm nguyện "tôi sống ngày nào cũng là vì đất nước ngày đó" của Đại tướng. Đó cũng chính là yếu tố góp phần xây dựng LLVT quân khu vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Theo đó, những năm qua, quân khu đã tập trung xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Toàn đảng bộ là một khối đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động, có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành, kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng; đội ngũ cán bộ, đảng viên tiền phong, gương mẫu, là lực lượng nòng cốt xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”; thực hiện tốt công tác dân vận, củng cố mối quan hệ đoàn kết quân-dân; đẩy mạnh quan hệ đối ngoại, hợp tác với các tỉnh và Quân đội nhân dân Lào...
Tâm niệm "tôi sống ngày nào cũng là vì đất nước ngày đó" càng cho chúng ta hiểu sâu sắc hơn tinh thần “dĩ công vi thượng” của người chiến sĩ cộng sản kiên trung Võ Nguyên Giáp-tấm gương sáng để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phấn đấu, noi theo. Khắc ghi tâm niệm của Đại tướng, cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 4 tiếp tục rèn luyện, trau dồi bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong mọi tình huống; đồng thời tích cực chấn chỉnh tổ chức, lực lượng, nâng cao sức mạnh chiến đấu, phù hợp với yêu cầu của nghệ thuật tác chiến hiện nay. Tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ, "thế trận lòng dân" vững chắc. Đẩy mạnh đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình", "phi chính trị hóa" quân đội của các thế lực thù địch và những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; xây dựng LLVT quân khu vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
----------
Thiếu tướng, TS NGUYỄN HOÀNG NHIÊN, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam:
Vị tướng của chiến tranh nhân dân
Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp chỉ huy quân đội “thành lập bắt đầu từ con số 0 đã giành được những chiến công đặc biệt”, chiến thắng những đạo quân viễn chinh từ các nước đế quốc lớn, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Phát huy sức mạnh của chiến tranh nhân dân (CTND) là nguyên nhân quan trọng để chúng ta luôn chiến thắng mọi kẻ thù.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Sức mạnh của CTND trước hết bắt nguồn trong lực lượng hùng hậu của nhân dân được giác ngộ và được tổ chức”. Dưới sự chỉ đạo của Đại tướng, CTND Việt Nam thật sự trở thành nghệ thuật. Đó là nghệ thuật đánh lâu dài để chuyển hóa so sánh lực lượng, theo phương châm “càng đánh càng mạnh”, từ quy mô nhỏ bé ban đầu tới hình thành các quân chủng, binh chủng, binh đoàn chủ lực-những quả đấm thép quyết định thắng lợi trên chiến trường; là nghệ thuật xây dựng, tổ chức và sử dụng kết hợp LLVT ba thứ quân; nghệ thuật phát huy tư tưởng tiến công, luôn chủ động về chiến lược và chiến dịch, phân tích và đánh giá đúng tình hình với tư duy chiến lược sắc sảo, phán đoán đúng, dự báo sớm âm mưu và hành động của đối phương để chủ động về lực lượng, thế trận và cách đánh.
    |
 |
Thiếu tướng, TS NGUYỄN HOÀNG NHIÊN. Ảnh: TUẤN HUY |
Bằng tài thao lược, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phát huy CTND đến đỉnh cao khiến cho: “Nếu kẻ địch tập trung, chúng sẽ mất đất. Nếu kẻ địch phân tán, chúng sẽ mất sức mạnh”, buộc địch phải đánh theo cách đánh của ta, cách đánh của CTND, lấy “đoản binh thắng trường trận”, thắng lợi từng bước để tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn.
Vận dụng linh hoạt, sáng tạo lý luận quân sự, bám sát thực tiễn chiến đấu đã đưa Võ Nguyên Giáp trở thành “bậc thầy chiến lược, chiến thuật và nghệ thuật quân sự; là chuyên gia về CTND”. Đưa ông vào hàng danh tướng của nhân loại với nét nổi bật là tư duy về CTND, được bắt nguồn từ sự kế thừa nghệ thuật quân sự trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc; từ những nét đặc sắc của quân sự thế giới; từ lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin về vai trò của quần chúng nhân dân; từ tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn cách mạng Việt Nam để tiến hành cuộc CTND đánh bại những đội quân xâm lược hùng mạnh.
Quan điểm và những kinh nghiệm chỉ đạo CTND của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là cơ sở quan trọng cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục phát huy, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng LLVT ba thứ quân, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tạo tiền đề để đến năm 2030 xây dựng quân đội hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
----------
Thiếu tướng HOÀNG QUANG THUẬN, Chính ủy Binh chủng Pháo binh:
Linh hoạt cách đánh hiệp đồng và độc lập theo chỉ đạo của Đại tướng
Dưới sự chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bộ đội pháo binh Việt Nam đã phát triển cả về lực lượng và nghệ thuật tác chiến. Nét đặc biệt trong nghệ thuật tác chiến là sự vận dụng linh hoạt cách đánh hiệp đồng và đánh độc lập.
Những thành tích, chiến công của bộ đội pháo binh đã minh chứng cho sự trưởng thành, lớn mạnh và sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo cách đánh hiệp đồng và đánh độc lập dưới sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Chiến dịch Điện Biên Phủ đánh dấu bước phát triển nghệ thuật sử dụng pháo binh chiến dịch, đã linh hoạt các cách đánh, như: Đánh gần kết hợp với đánh xa, đánh bất ngờ, đánh liên tục, dồn dập, kéo dài, gây cho địch nhiều tổn thất... Quá trình chiến dịch đã độc lập tập kích hỏa lực khống chế sân bay Mường Thanh, đồng thời phối hợp chặt chẽ với pháo cao xạ để triệt nguồn tiếp tế đường không, đẩy địch vào thế ngày càng nguy khốn. Với cách đánh độc lập và hiệp đồng linh hoạt, sáng tạo pháo binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã khai thác và phát huy cao độ tính năng, tác dụng của nhiều loại pháo, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
    |
 |
Thiếu tướng Hoàng Quang Thuận. Ảnh: TUẤN HUY |
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dưới sự chỉ đạo của Đại tướng, lực lượng pháo binh Quân giải phóng miền Nam được xây dựng, vừa xây dựng vừa chiến đấu, trưởng thành... Sự phát triển của pháo binh chủ lực và pháo binh địa phương là nhân tố rất quan trọng tạo nên sức mạnh tác chiến. Kết hợp chặt chẽ giữa đánh độc lập và đánh hiệp đồng, bộ đội pháo binh đã lập nên những chiến công xuất sắc. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, phát huy cách đánh độc lập tập kích hỏa lực và chi viện hỏa lực tác chiến hiệp đồng quân binh chủng, bộ đội pháo binh đã chi viện cho 5 cánh quân binh chủng hợp thành, trong đó có một số trận đánh tiêu biểu như: Từ ngày 27 đến rạng sáng 29-4, lực lượng pháo phản lực mang vác ĐKB và pháo 130 ly tập kích hỏa lực làm cho sân bay Tân Sơn Nhất bị tê liệt hoàn toàn; ngày 30-4, sử dụng pháo 130 ly bắn dồn dập, chế áp hoàn toàn sở chỉ huy bộ tổng tham mưu ngụy, qua đó góp phần cùng toàn dân và toàn quân ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Khắc ghi chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong những năm qua, Binh chủng Pháo binh không ngừng phát huy sáng tạo, vận dụng linh hoạt hai cách đánh độc lập và hiệp đồng trong điều kiện mới nhằm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, quyết tâm góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
---------
PGS, TS HOÀNG CHÍ HIẾU, Trường Đại học Sư phạm Huế:
Các tướng lĩnh phương Tây vị nể "huyền thoại" Võ Nguyên Giáp
Trở thành “huyền thoại” ngay khi còn sống, bởi những chiến công đi vào lịch sử của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp không những nhận được sự yêu mến, cảm phục của bạn bè quốc tế mà còn từ chính sự thừa nhận của nhiều tướng lĩnh đối phương. Đó là điều hiếm gặp.
Được giao nhiệm vụ thành lập và chỉ huy đội quân cách mạng, chỉ hơn một năm, từ 34 chiến sĩ đầu tiên, Võ Nguyên Giáp đã phát triển Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân thành một lực lượng to lớn, làm nòng cốt trong Tổng khởi nghĩa giành chính quyền cũng như bảo vệ chế độ mới những ngày đầu thành lập. Đô đốc Hải quân Barjot, tác giả bản “Thông báo nghiên cứu số 46” (mật) của ban tham mưu, Bộ Quốc phòng Pháp (ngày 8-12-1946) đã đánh giá: “Những cố gắng phi thường và cái tài của ông Giáp chỉ trong vòng một năm thôi mà đã thành công trong việc xây dựng một công cụ có khả năng làm chỗ dựa vững vàng cho một chính sách không nhân nhượng chút nào đối với nước Pháp”.
    |
 |
PGS, TS HOÀNG CHÍ HIẾU. Ảnh: DUNG PHAN |
Sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam trong những năm tiếp theo đã giáng cho đối phương những đòn bất ngờ. Sống sót sau trận Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”, Trung tá Marcel Bigeard (sau này là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp) rút ra nguyên nhân thất bại của quân Pháp: “Những con người do tướng Giáp đào luyện thật là những chiến binh tuyệt vời! Những cuộc phản kích của quân Việt chặn đứng pháo binh của chúng tôi, các khẩu súng cối của chúng tôi không thể nhả đạn”.
Tướng De Castries từng bại trận ở Điện Biên Phủ năm 1954, sau này thú nhận: “...Tôi thừa nhận tướng Giáp rất sành sỏi binh nghiệp và khôn ngoan hơn tôi đã đành, mà còn hơn cả tướng Cônhi và tướng Nava. Tôi hân hạnh làm đối thủ của tướng Giáp, được làm kẻ chiến bại trực tiếp của một người tài giỏi như tướng Giáp. Tôi ngưỡng mộ và kính phục ông”.
Dưới góc nhìn của các tướng lĩnh, nhà nghiên cứu quân sự phương Tây, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là một vị tướng hoàn toàn đặc biệt. Tướng Peter Macdonald, nhà sử học Quân đội Hoàng gia Anh đánh giá về Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Ông là vị tướng lĩnh duy nhất đã phát động cuộc chiến chống kẻ thù bắt đầu từ một hoàn cảnh yếu kém trầm trọng: Thiếu vật tư, thiếu thốn nguồn tài chính, bắt đầu từ không có quân đội, vậy mà vẫn có thể đánh thắng liên tiếp từ quân phiệt Nhật đến quân đội Pháp, đế quốc thuộc địa lớn thứ hai (sau nước Anh) và Hoa Kỳ, một trong hai siêu cường của thế giới...”.
---------
PGS, TS BÙI NGUYÊN KHÁNH, Phó giám đốc phụ trách Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam:
Tầm nhìn “cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt”
Ở bất cứ giai đoạn nào, lĩnh vực quân sự hay văn hóa, giáo dục, khoa học-kỹ thuật (KHKT), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều tập trung tinh thần, trí tuệ, nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân giao phó, có nhiều cống hiến đặc biệt xuất sắc.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhiều lần khẳng định “vị trí then chốt” của KHKT đối với sự phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội. Ở Việt Nam, thập niên 1980, công cụ sản xuất vẫn còn lạc hậu, phần lớn là thủ công, thô sơ (chiếm 80-90%), cơ khí hiện đại mới chiếm 10-15%. Để giải quyết khó khăn, Phó thủ tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo các ngành thuộc lĩnh vực KHKT bằng mọi biện pháp chế tạo ra các loại vật liệu, nguyên liệu cần thiết, đáp ứng kịp thời cho nhu cầu sản xuất lớn. Bên cạnh phương pháp kỹ thuật khai thác và sử dụng các nguồn vật liệu tại chỗ, phải nghiên cứu, chế tạo các nguồn vật liệu mới trên cơ sở kế thừa những thành tựu của các ngành khoa học vật lý, hóa học và sinh học.
    |
 |
PGS, TS Bùi Nguyên Khánh. Ảnh: KHÁNH NGỌC |
Sau khi hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước, Đảng ta tiếp tục khẳng định KHKT là then chốt. Làm rõ quan điểm của Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng: “Cách mạng KHKT giữ vị trí then chốt là vì tiến hành cách mạng KHKT cũng tức là để đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa...”. Ngay từ năm 1985, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra vấn đề “KHKT với chiến lược phát triển kinh tế biển”; khẳng định đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược để “từng bước hình thành ở nước ta một nền KHKT về biển, một nền kinh tế biển phát triển ở Đông Nam Á, ở châu Á-Thái Bình Dương, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng kinh tế và củng cố quốc phòng”.
Nhận thức sâu sắc vai trò then chốt của KHKT đối với đời sống xã hội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Cách mạng KHKT tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội, tăng cường và củng cố nền chuyên chính vô sản... tạo nên cơ sở để xây dựng chế độ mới, nền kinh tế mới, nền văn hóa mới và con người mới”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp phần quan trọng vào quá trình hình thành và phát triển KHKT Việt Nam. Đại tướng đã đề xuất và chỉ đạo triển khai thành công nhiều chủ trương lớn, mang tính đột phá trong xây dựng hệ thống các ngành khoa học, đặc biệt là khoa học vũ trụ, khoa học điện tử, khoa học môi trường, khoa học biển và kinh tế biển...
----------
Thiếu tướng, TS, nhà văn NGUYỄN HỒNG THÁI, Phó cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an, Tổng biên tập Tạp chí CAND:
Hình mẫu lý tưởng trong văn học, nghệ thuật
Với tầm vóc, trí tuệ, đức độ, nhân cách của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành hình mẫu lý tưởng, là "một thế giới cho mảnh đất văn học, nghệ thuật đâm chồi, nảy lộc".
Chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” gắn liền với tên tuổi của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Hình ảnh của Đại tướng đã đi vào thơ Tố Hữu: “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/ Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp/ Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp”... Khi đất nước bước sang thời kỳ thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh chống đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đã xuất hiện nhiều tác phẩm văn học khắc họa hình tượng Đại tướng một cách sinh động, phong phú. Nổi bật là những tác phẩm của nhà văn Hữu Mai: “Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ” (1964), “Từ nhân dân mà ra” (1966), “Những năm tháng không thể nào quên” (1970). Sau ngày đất nước thống nhất, nhà văn Hữu Mai còn thể hiện: “Chiến đấu trong vòng vây” (1995), “Đường tới Điện Biên Phủ” (1999)...
    |
 |
Thiếu tướng, TS, nhà văn NGUYỄN HỒNG THÁI. Ảnh: TUẤN HUY |
Về thơ ca, năm 1994, nhà thơ Anh Ngọc đã xúc động viết bài thơ “Vị tướng già”, trong đó thể hiện rõ nét hình ảnh vị Đại tướng trong dòng lịch sử của dân tộc: “Ru giấc mơ của vị tướng già/ Có tiếng khóc xen tiếng cười nức nở/ Một chân ông đã đặt vào lịch sử/ Một chân còn vương vấn với mùa thu”...
Năm 2014, với triển lãm “Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua các tác phẩm nghệ thuật”, công chúng được chiêm ngưỡng những tác phẩm mỹ thuật về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những bức ảnh về Đại tướng do Đại tá, nhà báo Trần Hồng và nhà báo Nguyễn Đình Toán thực hiện. Tranh sơn dầu chân dung khổ lớn của họa sĩ Đặng Xuân Hùng; tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Văn Tuân; tranh cổ động của họa sĩ Hà Huy Lê... Các tác phẩm điêu khắc của nhà điêu khắc Trần Văn Thức.
Năm 2019, kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Nhà xuất bản Hà Nội đã ấn hành sách ảnh “Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lòng dân” (bằng 3 thứ tiếng Việt-Anh-Hàn Quốc) của tác giả Trần Tuấn. Cuốn sách được đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước nhiệt thành đón nhận.
Qua những tác phẩm văn học, nghệ thuật, chúng ta thấy được những đóng góp lớn lao của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đối với cách mạng Việt Nam. Qua đó, đã thể hiện tình cảm tin tưởng, kính trọng, mến phục, yêu thương của các nghệ sĩ đối với Đại tướng, cũng là thể hiện tình cảm của toàn dân ta đối với vị tướng huyền thoại...
HOÀNG HÀ - CHÍ HÒA - TUẤN HUY - MINH TÚ (Thực hiện)