Có lẽ, những câu chuyện ấy đã hình thành cho anh ước mơ trở thành một sĩ quan quân đội. Thế nên, ngay từ khi là học viên Trường Sĩ quan Công binh, anh đã chăm đến thư viện và tìm đọc các cuốn sách về Đại tướng. Ngày đó sách hiếm và cũng chẳng có điều kiện như bây giờ nên mỗi lần đến thư viện anh đều tận dụng thời gian ít ỏi để ghi lại những điều tâm đắc ra sổ tay. Theo anh, đọc sách không chỉ tăng thêm sự ngưỡng mộ mà còn giúp anh rất nhiều trong củng cố kiến thức về quân sự, đặc biệt là những chỉ dạy của Đại tướng về chiến thuật trong chiến đấu. Một trong những cuốn anh quý nhất là “Chiến đấu trong vòng vây” của nhà văn Hữu Mai. Anh tâm tình: Những kiến thức ấy rất hữu ích cho nhiệm vụ bảo đảm công binh trong các hình thức tác chiến theo tư tưởng chiến tranh nhân dân mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một bậc thầy...

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh thi đấu tại Olympic Tokyo 2020. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Thế rồi, nhờ tài năng nên Hoàng Xuân Vinh đến với bộ môn thể thao bắn súng. Anh kể vắn tắt, từ năm 1998 đến nay, anh từng đến nhiều quốc gia để luyện tập, tập huấn và thi đấu. Thời gian dành cho đọc sách về Đại tướng cũng ít hơn. Anh nhớ lại kỷ niệm thi đấu tại Ấn Độ năm 2019. Chuyện là, khi cùng các vận động viên xuống xe vào nhà thi đấu, một vận động viên nữ trong đoàn thể thao bắn súng Vương quốc Anh rất trẻ đã chào anh theo kiểu nhà binh và hô to “Giáp... Giáp”. Nghe câu đó, thân anh như có luồng điện chạy qua. Anh gật đầu và nói: “Việt Nam, thank you!”. Khi bình tâm, anh đã suy nghĩ trả lời câu hỏi tại sao lại có người nước ngoài trẻ tuổi đọc được điều thầm kín ở anh trong khi họ không hề quen biết?. “Đó chỉ có thể là sự yêu mến, kính trọng Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất nổi tiếng của chúng ta mà thôi. Thế nên, khi nhìn thấy cờ Việt Nam, họ nhớ ngay đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, anh Vinh tâm sự.

Nhân cách, tài năng của Đại tướng đã thắp sáng khát vọng độc lập, tự do, hòa bình và truyền cảm hứng chiến thắng cho bao thế hệ người Việt Nam, không chỉ đối với người lính chiến đấu ngoài mặt trận mà ngay cả những vận động viên như Hoàng Xuân Vinh. Tháng 10-2013, lúc đang tập huấn ở nước ngoài, anh bàng hoàng đọc được tin Đại tướng về cõi vĩnh hằng. Anh thẫn thờ, thương tiếc Đại tướng khôn nguôi suốt cả thời gian dài sau đó. Cuối năm, hết đợt tập huấn, về nước là anh đi Quảng Bình, đến Vũng Chùa-Đảo Yến, nơi Đại tướng yên nghỉ để thắp nén nhang dâng lên Đại tướng.

Ba năm sau, tại Olympic 2016, Hoàng Xuân Vinh xuất sắc giành 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc cho thể thao nước nhà. Tờ Daily Mail (Anh) có bình luận, đại ý: Hoàng Xuân Vinh đã đoạt tấm huy chương vàng cho Việt Nam nhưng anh ăn mừng rất điềm đạm. Sau này, khi xuống sân bay Nội Bài, nhiều phóng viên cũng hỏi anh về sự điềm tĩnh đáng kinh ngạc khi đã làm nên dấu mốc lịch sử cho thể thao Việt Nam, anh chia sẻ: “Đương nhiên tôi rất vui rồi, vui phát khóc ấy chứ. Sau đó, tôi cũng ăn mừng chiến thắng theo cách của riêng tôi. Tôi thể hiện niềm vui từ trong đáy lòng với khán giả xem truyền hình”.

Đại tá Hoàng Xuân Vinh về thăm quê hương Quảng Trị năm 2016. Ảnh do nhân vật cung cấp

Có nhiều nguyên nhân trong việc Hoàng Xuân Vinh không giành được thành tích tốt tại Olympic Tokyo 2020 như kỳ vọng của người hâm mộ. Riêng cá nhân, tôi kính trọng một người lính như anh, đặc biệt là tinh thần “bại không nản” mà anh tâm sự. Hy vọng trong tương lai, với kinh nghiệm của mình, anh sẽ có điều kiện truyền đạt ý chí "quyết chiến, quyết thắng", tinh thần "thắng không kiêu, bại không nản" mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ dạy đến các học trò; góp phần tạo ra những vận động viên bắn súng tài năng và sẽ đạt thành tích cao trên đấu trường thể thao quốc tế.

MẠNH THẮNG