Sau thắng lợi của Chiến dịch Biên giới cuối năm 1950, cuộc kháng chiến chống Pháp bước sang giai đoạn mới, đòi hỏi phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về mọi mặt để nhanh chóng đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Sau Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ II, Ban Chấp hành Trung ương đã họp Hội nghị lần thứ ba bàn về nhiệm vụ xây dựng quân đội, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới, đồng thời nhấn mạnh phải xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị để quân đội ta trở nên “một quân đội cách mạng của nhân dân, một quân đội vô địch”.
Trước tình hình đó, Tổng Quân uỷ chủ trương mở một trường học chính trị tương đối quy mô để tập trung huấn luyện về chính trị cho số đông cán bộ chủ trì từ cấp tiểu đoàn trở lên. Trên cơ sở những kết quả của các lớp bồi dưỡng chính trị ngắn ngày, tháng 7-1951, Tổng Quân uỷ đã quyết định thành lập Trường Chính trị trung cấp Quân đội nhân dân Việt Nam - tiền thân của Học viện Chính trị ngày nay. Tổng Quân ủy cử Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Giám đốc nhà trường.
Với cương vị là giám đốc đầu tiên của Học viện, trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã góp công lớn vào việc đặt cơ sở lý luận, phương hướng, mục tiêu, nội dung, chương trình giáo dục, đào tạo cán bộ chính trị.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đặt nền móng xây dựng mục tiêu, chương trình đào tạo cán bộ chính trị, chính ủy, chính trị viên tại Học viện Chính trị
Ngày 25-10-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Trường Chính trị trung cấp Quân đội nhân dân Việt Nam. Người căn dặn: “Riêng với các chú, chính trị biểu hiện ra trong lúc đánh giặc”. Thực hiện lời dạy của Người, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã xác định đúng mục tiêu, chương trình đào tạo cán bộ chính trị để công tác Đảng, công tác Chính trị thực sự là linh hồn, mạch sống của Quân đội. Đại tướng xác định: Nhà trường phải đào tạo, bồi dưỡng được đội ngũ cán bộ chính trị vững mạnh, có phẩm chất đạo đức trong sáng, tiêu biểu cho cán bộ của Đảng trong Quân đội, là tấm gương cho cán bộ cấp dưới và chiến sĩ noi theo; đồng thời phải có trình độ, kiến thức lý luận chính trị, có tác phong và phương pháp công tác đúng đắn; thông qua mối quan hệ quân dân và các hoạt động công tác chính trị - xã hội của bộ đội để giáo dục và tổ chức, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng cho bộ đội, phát huy vai trò tích cực của người cán bộ đối với việc xây dựng nhân cách con người mới xã hội chủ nghĩa trong đơn vị.
Theo Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị là phải toàn diện, cả chính trị, quân sự, văn hoá, khoa học kỹ thuật… đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu và xây dựng của quân đội, nhưng học tập chính trị, quân sự là cơ bản. Vì, nếu không học tập chính trị thì không thể trở thành người cán bộ cách mạng, không học tập quân sự thì không trở thành người cán bộ lãnh đạo, quản lý, chỉ huy. Ngày 28-8-1951, trong buổi khai mạc khoá học đầu tiên của Trường Chính trị trung cấp Quân đội nhân dân, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã yêu cầu về nội dung học tập: “Phải học tập đường lối cách mạng Việt Nam, học chính cương của Đảng và học về quân đội nhân dân; phải lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin làm cơ sở để nhận thức và soi sáng cho rèn luyện tư tưởng. Trong học tập chính trị, trọng tâm là nâng cao trình độ và cải cách tư tưởng. Dù đó là cán bộ quân sự, chính trị hay cán bộ chuyên môn, kỹ thuật cũng đều phải ra sức học tập để nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối chính sách của Đảng”. Cũng trong ngày khai giảng khóa 2 của Trường Chính trị trung, cao cấp của quân đội (ngày 4-4-1958), Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khẳng định sự cần thiết của học tập chủ nghĩa Mác-Lênin đối với đội ngũ cán bộ quân đội. Đại tướng cho biết, “Đó là đòi hỏi cấp bách của nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ của Quân đội và đặc biệt xuất phát từ thực tế trình độ lý luận chính trị của cán bộ ta”. Đại tướng Đại tướng chỉ rõ: “Trung ương Đảng và Bác Hồ đã đặt vấn đề giáo dục chính trị, học tập lý luận của cán bộ, đảng viên thành một vấn đề trọng yếu”. Theo Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: Không nắm vững vấn đề này, tức là, sẽ làm giảm sút, mất hẳn bản chất nhân dân của quân đội. Tuy nhiên, Đại tướng cũng nhấn mạnh: Cùng với học tập chính trị, quân sự phải học kiến thức về hậu cần, văn hoá, khoa học kỹ thuật, rèn luyện sức khỏe. Vì nếu không có tri thức về hậu cần, văn hoá, khoa học kỹ thuật cần thiết và rèn luyện thể lực không tốt thì cán bộ không đủ điều kiện để giáo dục, quản lý, chỉ huy bộ đội.
Trải qua 70 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Học viện Chính đã đào tạo được hàng vạn cán bộ chính trị, chính ủy, chính trị viên, giảng viên khoa học xã hội nhân văn cho Quân đội. Trong số học viên được Học viện Chính trị đào tạo, có trên 500 đồng chí được phong quân hàm cấp tướng, nhiều đồng chí đã trở thành những cán bộ cao cấp giữ những cương vị, trọng trách cao của Đảng, Nhà nước và Quân đội, có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng, hoạch định và tổ chức thực hiện thắng lợi các chủ trương, chiến lược quốc phòng an ninh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
 |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (phải) trao đổi tình hình chiến sự
chiến trường miền Nam ngày 5-7-1967. Ảnh tư liệu
|
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đặt nền móng cho phương pháp dạy và học ở Học viện Chính trị
Ngay trong ngày khai giảng khóa học đầu tiên, ngày 28-8-1951, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chỉ rõ: trong học tập phải học cả lý luận và thực hành, học kinh nghiệm cũ còn thích hợp và kinh nghiệm mới phát triển, kinh nghiệm thành công và kinh nghiệm chưa thành công, học kinh nghiệm của ta và học kinh nghiệm của bạn một cách có chọn lọc, sáng tạo, đồng thời qua đánh địch và nghiên cứu về địch mà có kinh nghiệm hiểu biết và đánh giá địch đúng hơn, tìm ra cách đánh địch tốt hơn.
Về phương pháp dạy học các môn lý luận Mác - Lênin, theo Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, “Chủ nghĩa Mác - Lênin là chân lý tung ra bốn biển đều đúng cả, nhưng nó phải liên hệ với thực tế thì mới có sức mạnh”. Vì thế, học chủ nghĩa Mác - Lênin là phải chống tác phong ba hoa, sáo rỗng, “cái lối ba hoa sáo rỗng, làm ăn hình thức chủ nghĩa và giáo điều chủ nghĩa đều là những chứng bệnh rởm, bệnh lười của những anh chàng cách mạng tiểu tư sản”. Đại tướng Đại tướng nhấn mạnh “tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin là tinh thần chiến đấu cách mạng, liên tiếp sáng tạo, liên tiếp phát triển, không một phút tách rời thực tiễn, làm gì, nói gì, bao giờ cũng nhằm một mục đích cụ thể, thiết thực, bắn tên có đích”. Cho nên, dạy và học lý luận phải nhằm vận dụng lý luận vào những vấn đề hiện thực trước mắt mà thực tiễn cách mạng đề ra, tránh tình trạng chung chung. Để giảng dạy và học có kết quả, phải làm sao cho nhà trường gắn liền với xã hội nói chung và với “xã hội” bộ đội nói riêng. Cần phải làm cho nhà trường không tách rời cuộc sống bên ngoài xã hội và trong Quân đội.
Trong quá trình dạy và học các môn lý luận Mác-Lênin, cần bám sát và liên hệ chặt chẽ với thực tế, phải kết hợp, phải liên hệ với lập trường, tư tưởng của bản thân. Đối với cá nhân mình thì lý luận phải là ánh sáng để phát hiện mâu thuẫn trong nhận thức, tư tưởng. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khẳng định: Vận dụng, liên hệ lý luận với thực tế tư tưởng để cải tạo bản thân là một điều trọng yếu trong học tập. Đại tướng rất coi trọng việc thông qua thực tiễn giảng dạy để bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên của nhà trường. Với tinh thần “một vốn bốn lời”, “ếch cõng nhái” mà Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã nêu ra, nhà trường đã tuyển chọn những học viên có học lực khá và một số cán bộ để gửi đi học ở Liên Xô, Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp, Bộ Quốc phòng đã điều động số cán bộ này về trường làm nòng cốt để vừa xây dựng các khoa, vừa giảng dạy, thực hiện phương châm: xây dựng đến đâu huấn luyện đến đó.
Theo Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, quá trình đào tạo phải gắn chặt với nghiên cứu khoa học. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cho rằng, muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ, mỗi cán bộ cần phải nắm vững, hiểu rõ tình hình, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quân đội. Vì vậy, phải tăng cường áp dụng lối làm việc có điều tra, nghiên cứu. Trước mỗi vấn đề, chúng ta cần chịu khó đọc sách, báo, tài liệu lý luận, nghiên cứu thấu đáo đường lối, chính sách…Làm được như thế, nhất định chất lượng công tác của chúng ta sẽ khá lên. Đồng chí chỉ rõ: Chúng ta biết rằng, cùng một thứ mâu thuẫn nhưng ở nơi này và nơi khác, lúc này và lúc khác, không bao giờ giống nhau như hai giọt nước. Ở đâu có mâu thuẫn chưa giải quyết, tức là ở đấy có vấn đề. Chỉ có tăng cường quan điểm thực tiễn, khéo đi sâu điều tra, nghiên cứu, phân tích và giải quyết mâu thuẫn trong cuộc sống, thì công tác chính trị của chúng ta mới có sức mạnh. Thái độ đối với học tập, nghiên cứu lý luận Mác - Lênin chính là một vấn đề thuộc về tính đảng, một vấn đề có liên quan đến sinh mạng
của Đảng.
Theo Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, cán bộ chính trị phải kết hợp chặt chẽ giữa học tập tại trường và tại đơn vị. Trong bài nói tại buổi khai giảng khóa học đầu tiên Trường Chính trị trung cấp quân đội, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chỉ rõ: “Về phương pháp học tập, phải luôn luôn chú ý liên hệ bài giảng với thực tế để trị bệnh giáo điều, lý thuyết suông; để hiểu mọi sự việc sâu sắc hơn, thấu đáo hơn”[1]. Trong bài nói tại Trường Chính trị trung - cao quân đội (nay là Học viện Chính trị) ngày 4-4-1958, Đại tướng nêu phương châm, phương pháp dạy học lý luận Mác-Lênin: “Lý luận thống nhất với thực tiễn là một đặc điểm trọng yếu của chủ nghĩa Mác-Lênin, là hòn đá tảng của nó. Bất cứ một nguyên lý lý luận nào của chủ nghĩa Mác-Lênin cũng đều đẻ ra từ một điều kiện lịch sử cụ thể và đối lập với lý luận phi mác-xít. Cho nên, nếu không liên hệ lý luận với thực tế thì chỉ nắm được cái “xác ve” của lý luận chứ không hiểu được “hồn sống” của nó và làm mất ý nghĩa tác dụng của nó, mất tính đảng của nó”[2]. Đồng chí xác định “chúng ta vừa cần phải có lý luận vừa cần phải có thực tế, hai cái đó tuy hai mà một, phải nhuyễn vào nhau chứ không thể tách rời”[3].
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đặt nền móng xây dựng đội ngũ cán bộ giảng viên giảng dạy lý luận, chính trị của Học viện Chính trị
Ở thời điểm Trường Chính trị trung cấp Quân đội nhân dân Việt Nam mới được thành lập, bắt đầu triển khai nhiệm vụ bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ trung, cao cấp của quân đội, “đội ngũ cán bộ, giáo viên Nhà trường còn rất ít ỏi”, thậm chí “yếu ớt”, bộ máy của Trường Chính trị trung cấp Quân đội được tổ chức gọn nhẹ, chưa có giáo viên, mới có Ban lãnh đạo, Hiệu uỷ, bên dưới là hai Ban chức năng (Ban Giáo dục, Ban tổ chức) và một số bộ phận. Trong suốt 4 năm vừa xây dựng đội ngũ, vừa tổ chức huấn luyện 6 khóa, trường đã xây dựng được bộ máy cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan quản lý giáo dục có khả năng đảm đương nhiệm vụ quản lý quá trình huấn luyện, tổng kết thực tiễn đúc kết thành lý luận, biên soạn tài liệu dạy học. Cuốn “Quan điểm và phương pháp dạy học” gồm 2 tập do Nhà trường biên soạn đã được Tổng cục Chính trị xuất bản vào năm 1952. Sự trưởng thành đó gắn liền vai trò của Ban lãnh đạo nhà trường mà Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là Giám đốc.
Công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên lý luận và giáo viên chính trị được nhà trường hết sức quan tâm. Từ tháng 10-1952 trở đi, thông qua các hoạt động bồi dưỡng tại chỗ, đội ngũ giáo viên của Nhà trường do cán bộ của Nhà trường kiêm nhiệm dần dần trưởng thành, từ chỗ chỉ đảm đương giảng dạy ở một số nội dung (các nội dung chủ yếu vẫn do các đồng chí lãnh đạo của Đảng, quân đội trực tiếp giảng), tiến lên thay thế dần công việc đó. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy được tiến hành khẩn trương, mạnh mẽ và có bài bản hơn, nhất là từ khi chuyển sang xây dựng quân đội trong giai đoạn mới.
Đầu năm 1956, “Trường Lý luận Chính trị quân đội” ra đời trên cơ sở “Trường Chính trị trung cấp quân đội” và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trên cương vị Giám đốc, đã cùng với Hiệu uỷ có những chủ trương tạo ra bước chuyển căn bản, mang tính đột phá trong xây dựng mới đội ngũ giáo viên và các khoa giảng dạy “một cách bài bản” theo con đường tự mở lớp đào tạo, kết hợp gửi cán bộ của trường đi đào tạo giảng viên lý luận ở nước ngoài.
Ngày 15-6-1956, lớp đào tạo “giảng viên lý luận” đầu tiên cho 95 học viên được khai giảng do lãnh đạo Nhà trường - các giảng viên kiêm nhiệm cùng với các chuyên gia Trung Quốc trực tiếp giảng dạy. Kết quả lớp học cho thấy hướng chỉ đạo xây dựng đội ngũ giáo viên của trường là hoàn toàn đúng đắn. Nhờ cách làm đó, đội ngũ giáo viên của Nhà trường đã tăng dần cả số lượng và chất lượng. Các khoa lý luận và Khoa công tác đảng, công tác chính trị cũng lần lượt ra đời trong thời kỳ này. Thực tế cho thấy, trên 1/3 số học viên tốt nghiệp được giữ lại làm giảng viên của nhà trường đã thực sự là lực lượng nòng cốt của đội ngũ giảng viên lý luận của Học viện Chính trị.
Ngày nay, đội ngũ cán bộ, giảng viên đang công tác tại Học viện đã có bước phát triển toàn diện, có một Giáo sư, 44 Phó giáo sư, 78 Tiến sĩ, 243 Thạc sĩ. Riêng giảng viên quân sự, giảng viên ngoại ngữ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đạt 75,1%. Đó chính là kết quả sự kiên trì phấn đấu, học tập noi theo tấm gương nhà giáo, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh của các thế hệ cán bộ, giảng viên Học viện Chính trị. Đó là nhân tố có ý nghĩa quyết định đến việc nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và các mặt công tác khác của Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhà giáo mẫu mực, tấm gương sáng cho các thế hệ giảng viên của Học viện Chính trị học tập, noi theo.
Không chỉ thuần túy chỉ đạo hoạt động quản lý giáo dục, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh còn trực tiếp làm giảng viên giảng dạy 2 trong 6 khoá học khai giảng trong thời kỳ từ năm 1951 đến tháng 10-1953. Trong giảng dạy lý luận cho cán bộ chính trị quân đội, với tư cách là một nhà giáo dục, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã khéo léo vận dụng nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về “đạo làm tướng” để giáo dục cái “trí” cho đội ngũ cán bộ quân đội; với tư cách là những người được giáo dục, họ đã lĩnh hội ở ông những tri thức khoa học (thể hiện sinh động ở những nguyên lý lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin), những quan điểm của Đảng ta (thể hiện trong đường lối cách mạng Việt Nam) và những kinh nghiệm thực tiễn phong phú, tạo điều kiện phát triển lâu dài khi ra trường.
Bản thân Đại tướng vừa công tác trên cơ quan Tổng cục Chính trị, vừa trực tiếp tham gia giảng dạy một số bài quan trọng cho các khoá đào tạo. Cố Giáo sư Trần Xuân Trường, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị đã khẳng định: “Tại khoá Luân huấn 1, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đến giảng 3 lần, để giảng một bài, đồng chí đã nghiên cứu, chuẩn bị rất công phu và làm đúng các thao tác khoa học và sư phạm mà người giáo viên chính trị phải làm. Bài giảng thể hiện tính lý luận và thực tiễn sâu sắc, trong đó lý luận và chính trị gắn bó khăng khít với nhau, chứng minh một cách hết sức thuyết phục bằng thực tiễn sinh động được khái quát hoá cao về mặt lý luận. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một giáo viên mẫu mực, tài năng, điển hình cho người giáo viên chính trị mà tất cả các thế hệ giáo viên của Học viện ta phải tu dưỡng và rèn luyện để giảng dạy và nghiên cứu khoa học tốt”.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã có những cống hiến, đóng góp rất lớn đối với sự nghiệp “trồng người” - đào luyện nên những chính ủy, chính trị viên tại Học viện Chính trị. Trên nền tảng vững chắc mà Đại tướng đã xây dựng, các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ của Học viện Chính trị đã không ngừng phấn đấu, viết tiếp truyền thống “Kiên định và phát triển, đoàn kết và kỷ luật, chủ động, sáng tạo khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ” xứng đáng là trung tâm giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn quân sự hàng đầu của Quân đội và quốc gia. Học viện Chính trị đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, hai Huân chương Hồ Chí Minh, hai lần được tặng Danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác. Những thành tích vẻ vang đó đã ghi đậm dấu ấn quan trọng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Người giám đốc đầu tiên của Học viên Chính trị anh hùng.
Đại tá, TS, BÙI THANH CAO, Trưởng ban Nghiên cứu Văn hóa học quân sự, Viện Khoa học Xã hội nhân văn quân sự, Học viên Chính trị
[1] Lịch sử Học viện Chính trị quân sự 1951- 2001, tr. 22.
[2] Lịch sử Học viện Chính trị quân sự, tr. 59.
[3] Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tr. 156.