Ngày 16-3-1975, trong khi Chiến dịch Tây Nguyên đang diễn ra với các thắng lợi làm nức lòng quân dân cả nước, Bộ tư lệnh Quân đoàn 1 lệnh cho các đơn vị chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Ngày 1-4, toàn Quân đoàn 1 (trừ Sư đoàn 308 ở lại bảo vệ miền Bắc) được lệnh hành quân gấp rút vào Đồng Xoài (Đông Nam Bộ) cùng các đơn vị tham gia Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định.

Ngay ngày hôm sau, Trung đoàn 165 chúng tôi cùng các đơn vị trong sư đoàn bắt đầu hành quân cơ giới ra mặt trận. Kể từ ngày thành lập, trải qua nhiều chiến dịch trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đây là cuộc hành quân thần tốc nhất của quân đội ta nói chung, của Quân đoàn 1 và Sư đoàn 312 nói riêng.

Để tranh thủ thời gian, Sư đoàn tổ chức hành quân theo từng cung chặng. Khi có lệnh dừng, từng tiểu đội tranh thủ ôn luyện các khoa mục trong chiến đấu. Bộ tư lệnh sư đoàn chủ trương bồi dưỡng một số kiến thức cơ bản về quân sự cho bộ đội ngay trên đường hành quân. Khẩu hiệu “Thùng xe là giảng đường, thao trường là mâm pháo” được thực hiện ở tất cả các đơn vị. Trên đường hành quân, mệnh lệnh của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng” càng thúc giục chúng tôi với khí thế chưa từng có, xốc tới chiến trường.

Ngày 16-4, Sư đoàn 312 đã đến vị trí tập kết đầy đủ, đúng thời gian, bí mật, an toàn. Cuộc hành quân đường dài 1.700km trong 14 ngày đêm là một chiến công xuất sắc của Quân đoàn 1, Sư đoàn 312 nói chung, của Trung đoàn 165 nói riêng đã được ghi rõ trong lịch sử của đơn vị.

Ban chỉ huy Trung đoàn 165 lúc này gồm các anh: Trần Măng - Trung đoàn trưởng, La Văn Tý - Chính ủy, Nguyễn Thế Thao - Phó trung đoàn phó và tôi là Phó chính ủy. Nhiệm vụ trên giao cho Trung đoàn 165 là bao vây và tiến công cụm căn cứ Phú Lợi, sau đó phát triển phối hợp với LLVT và nhân dân địa phương giải phóng tỉnh Thủ Dầu Một.

Đồng chí Nguyễn Đức Sơn (ngoài cùng, bên trái) cùng chỉ huy Sư đoàn 312 và Ban chỉ huy Trung đoàn 165 hội ý ngay sau chiến thắng Phú Lợi chiều 30-4-1975. Ảnh do tác giả cung cấp 

Trong hệ thống các cứ điểm của địch ở phía Bắc Sài Gòn, Phú Lợi là căn cứ vững chắc nhất. Tại đây, chúng chia thành 7 khu, xung quanh có vật chướng ngại, nhiều tầng, nhiều lớp với các bãi mìn, hào chống tăng, chống bộ binh và hàng chục lớp rào dây thép gai.

Đêm 29, rạng sáng 30-4, trung đoàn được lệnh tiến công Phú Lợi. Trên hướng đột phá chủ yếu trận đánh diễn ra thuận lợi. Bộ binh và xe tăng ta được pháo binh chiến dịch chi viện kịp thời, chính xác, đã phát triển tiến công mãnh liệt, đè bẹp sự phản kháng của địch. Quá trình tác chiến, chúng tôi nhận được sự phối hợp rất chặt chẽ của các đơn vị địa phương. Đến 10 giờ 30 phút ngày 30-4, bộ đội ta đã làm chủ căn cứ Phú Lợi. Phát huy thắng lợi, các đơn vị phát triển tiến công, giải phóng thị xã Thủ Dầu Một, bắt toàn bộ ngụy quyền, trong đó có Đại tá Nguyễn Văn Của, tỉnh trưởng Thủ Dầu Một.

Quá trình tham gia chỉ huy tác chiến của trung đoàn, tôi thấy có một số bất ngờ trong và sau chiến đấu. Trước hết là bất ngờ vì chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh và chiến thắng hoàn toàn của cuộc kháng chiến đến quá nhanh, nhanh hơn nhiều so với dự kiến. Trước chiến dịch, chúng tôi nghĩ là phải khoảng một tháng mới giành được thắng lợi. Không ngờ lúc tác chiến lại rất thuận lợi, ta thắng như chẻ tre. Trong khi địch đang ở bước đường cùng, hoang mang, rệu rã cực độ. Số quân địch bỏ đội ngũ, buông súng đầu hàng ngày càng nhiều. Tù binh cũng quá đông, đến mức không biết quản lý như thế nào, giao cho ai. Sau khi bàn bạc, đơn vị đã thống nhất giao cho địa phương, nhưng số lượng quá nhiều nên địa phương cũng kiểm tra rồi cho phóng thích.

Ngoài ra, chiến lợi phẩm thu được ở căn cứ địch cũng nhiều ngoài dự kiến. Không chỉ là vũ khí trang bị, lương thực thực phẩm mà còn hàng trăm phương tiện cơ giới, nhất là ô tô, xe máy… 

Trung tướng Nguyễn Đức Sơn (thứ ba, từ phải sang) và các đồng đội từng công tác, chiến đấu trong đội hình Quân đoàn 1. Ảnh: TUẤN TÚ

Sau khi chiếm được căn cứ Phú Lợi, nhất là khi nghe tin Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng thì không khí của toàn bộ khu vực không có chút nào là chiến trường nữa. Người ta đổ ra đường vì hiếu kỳ, muốn xem, muốn gặp bộ đội miền Bắc… Nhưng nhìn tổng quát rõ ràng nhân dân rất phấn chấn, luôn bày tỏ sự quan tâm, chăm sóc chu đáo với một tình cảm chân tình với quân giải phóng. Lòng dân ngay tại hậu phương, sào huyệt của chế độ cũ vẫn hướng về và gắn bó với cách mạng cũng là điều khiến tôi xúc động. Tôi nhớ lại trước đó, khi bí mật tiếp cận căn cứ Phú Lợi, đã từng được đồng bào ở Bến Cát, Thủ Dầu Một cưu mang. Khi tác chiến, các đơn vị địa phương đã phối hợp chặt chẽ. Các mũi thọc sâu của chúng tôi đều có lực du kích giao liên địa phương dẫn đường. 

Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch có giá trị, ý nghĩa to lớn không chỉ của dân tộc mà còn của thời đại. Tuy nhiên ở góc độ, phạm vi cho phép, tôi thấy rằng, cần hiểu đúng bản chất, tránh xuyên tạc, suy diễn về diễn biến của chiến dịch. Không có thắng lợi nào là dễ dàng, “từ trên trời rơi xuống”. Thực tế khi tiến công vào căn cứ Phú Lợi, địch vẫn chống trả quyết liệt, quân ta có mũi thuận lợi nhưng có mũi cũng có khó khăn, tổn thất. Trong trận chiến này, 12 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 165 chúng tôi hy sinh. Tổn thất này so với nhiều trận đánh mặc dù không nhiều nhưng đau xót và nhiều tiếc nuối vì ngay trước ngưỡng cửa hòa bình, thống nhất vẫn có đồng đội hy sinh.  

Trung tướng NGUYỄN ĐỨC SƠN 

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Tướng lĩnh Việt Nam xem các tin, bài liên quan.