Đặc biệt, quan điểm “Thế giới sẽ còn đổi thay, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh còn sống mãi” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành “Di sản” quý báu, có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc đối với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay.

Người học trò trung thành, xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Từ một thanh niên yêu nước, một thầy giáo dạy lịch sử, Võ Nguyên Giáp bước vào con đường hoạt động cách mạng, trở thành một trong những người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, học tập ý chí, tư tưởng, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh. Đặc biệt, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần đưa Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân với 34 chiến sĩ trong những ngày đầu thành lập (12-1944), đến năm 1975, Quân đội nhân dân Việt Nam đã trở thành một quân đội hùng mạnh, có đầy đủ các quân chủng binh chủng, trong đó có những quân đoàn cơ động chiến lược, có đủ sức mạnh tác chiến độc lập trên một hướng chiến lược.  

 Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu

Không những vậy, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về “đạo” của người làm tướng, Võ Nguyên Giáp đã hội tụ đầy đủ những phẩm chất, nhân cách và thực hiện xuất sắc nhiệm vụ của người làm tướng. Trong buổi trao sắc phong quân hàm Đại tướng cho Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Bác trao hàm Đại tướng để chú điều khiển binh sĩ, làm tròn sứ mệnh mà Nhân dân phó thác cho”.

Tại Hội nghị quân sự lần thứ V (1948), Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu về phẩm chất, tư cách, nhiệm vụ của người tướng lĩnh với 6 chữ: “Trí - Dũng - Nhân - Tín - Liêm - Trung”. Vì vậy, trong bất luận hoàn cảnh nào, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng luôn quán triệt và làm theo tư tưởng của Hồ Chí Minh, qua đó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân giao phó, xứng đáng là “Anh Cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam, đúng như khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta quen gọi Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là Anh Cả. Cách gọi thân ái ấy rất đúng với tinh thần và lịch sử của Quân đội ta”.

Đặc biệt, trong suốt cuộc đời mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn ghi nhớ và thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Làm cách mạng là phải “Dĩ công vi thượng”, tức là phải đặt lợi ích của Tổ quốc, của Đảng, của nhân dân, đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết. Tại Hội thảo kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (2005), Đại tướng Võ Nguyên Giáp có bài tham luận với tựa đề: “Làm theo lời Bác - Dĩ công vi thượng”. Đại tướng nhấn mạnh: “Hơn 60 năm đã trôi qua, lời dạy ấy vẫn còn văng vẳng bên tai tôi. Bác chỉ nói ngắn gọn trong bốn chữ như vậy mà tôi nhớ mãi và phấn đấu làm theo lời Người suốt đời cho tới hôm nay”.

Có thể nói, tư tưởng Hồ Chí Minh đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp quán triệt và thực hiện trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đưa ông trở thành “Đại tướng của nhân dân”, “Người Anh Cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam. Nói cách khác, được trực tiếp làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở bất cứ nơi đâu và bất luận trong hoàn cảnh nào, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng luôn học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Bởi thế, trọn đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, như ông từng có lần khẳng định: “Tôi sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó”.

Người đi tiên phong trong nghiên cứu và đưa tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành nền tảng tư tưởng của Đảng

Không chỉ noi gương người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam - Hồ Chí Minh, trong quá trình hoạt động cách mạng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất coi trọng tổng kết thực tiễn và chính từ đó Đại tướng hiểu sâu sắc hơn tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đại tướng là một trong những người sớm nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh và có nhiều đóng góp quan trọng trong việc đưa tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với Chủ nghĩa Mác - Lênin trở thành nền tảng tư tưởng của Đảng.

Ngày 14-1-1991, Hội nghị quốc tế về “Hồ Chí Minh - Việt Nam - Hòa bình thế giới” được tổ chức tại Calcutta (Ấn Độ), Đại tướng Võ Nguyên Giáp tham dự và có bài tham luận với chủ đề “Thế giới sẽ còn đổi thay, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh còn sống mãi”, khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh chính là sự vận dụng sáng tạo và thành công những nguyên lý của Chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn đặc thù của xã hội Việt Nam…”. Đại tướng nhấn mạnh: “Đối với nhân dân Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh không những đã đưa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn trải qua một cuộc chiến đấu ròng rã 30 năm, mà ngày nay dưới sự lãnh đạo của Đảng chúng tôi, còn tiếp tục được phát triển để tìm ra con đường đổi mới quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng cuộc sống hòa bình, văn minh và hạnh phúc cho toàn thể nhân dân Việt Nam, cho mỗi người dân Việt Nam”.

Ðại hội lần thứ VIII của Ðảng diễn ra từ ngày 28-6 đến 1-7-1996, tại Hội trường Ba Ðình, Hà Nội. Ảnh: tuyengiao.vn 

Năm 1996, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng được tổ chức. Đây là Đại hội có nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới đất nước. Trong năm này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có hai bài viết quan trọng về tư tưởng Hồ Chí Minh trên Tạp chí Cộng sản. Trong bài “Tư tưởng Hồ Chí Minh - Những luận điểm sáng tạo lớn” (Tạp chí Cộng sản, số 19/1996), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt vấn đề: Tư tưởng Hồ Chí Minh là gì? Gồm những nội dung cơ bản gì? Những tinh hoa tư tưởng Hồ Chí Minh góp phần vào kho tàng tư tưởng chính trị - xã hội - nhân văn của thời đại? Tư tưởng Hồ Chí Minh nằm trong hệ tư tưởng Mác - Lênin - đỉnh cao của tư tưởng nhân loại, nhưng đã phát triển sáng tạo và làm phong phú thêm Chủ nghĩa Mác - Lênin ở những vấn đề nào,v.v…”.

Trên cơ sở đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa ra khái niệm: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng sáng tạo và bước phát triển mới Chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam; là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa, truyền thống văn hóa Việt Nam, tinh hoa văn hóa phương Đông và phương Tây với Chủ nghĩa Mác - Lênin, được khái quát từ thực tiễn đấu tranh cách mạng Việt Nam và thế giới cuối thế kỷ XIX giữa thế kỷ XX”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là linh hồn, là ngọn cờ thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Cùng với Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam hành động của Đảng ta, nhân dân ta”.

Góp phần làm rõ nguồn gốc tư tưởng Hồ Chí Minh

Cũng trong năm 1996, với bài viết “Nguồn gốc tư tưởng Hồ Chí Minh” (Tạp chí Cộng sản, số 23), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp phần làm rõ nguồn gốc góp phần hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Đại tướng cho rằng: “Nên nghiên cứu nguồn gốc tư tưởng Hồ Chí Minh một cách toàn diện: ngoài nguồn gốc về lý luận - tư tưởng, nên chú trọng đến nguồn gốc thực tiễn, đến nhân cách Hồ Chí Minh”.

Về nguồn gốc lý luận - tư tưởng, trước hết phải nói đến chủ nghĩa yêu nước, truyền thống văn hóa, nhân ái Việt Nam; tiếp đó là tinh hoa triết học và văn hóa phương Đông, phương Tây; nguồn gốc lý luận quyết định bản chất của tư tưởng Hồ Chí Minh là Chủ nghĩa Mác - Lênin.

Tuy nhiên, theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngoài nguồn gốc lý luận còn phải đề cập đến cơ sở thực tiễn, tác động của thực tiễn đến sự hình thành và phát triển của tư tưởng Hồ Chí Minh. Bởi vì, chính từ trong hoạt động thực tiễn mà từng bước Hồ Chí Minh đã tìm ra quy luật, khái quát nhận thức thành lý luận. Lý luận ấy lại được Hồ Chí Minh vận dụng và kiểm nghiệm trong thực tiễn. Thực tiễn phong phú của thời đại và của bản thân cuộc sống mà Hồ Chí Minh đã từng trải qua là một nguồn gốc, một cơ sở có ý nghĩa quyết định đối với sự hình thành, phát triển và hoàn thiện tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cho tư tưởng ấy ngày càng nâng cao tính chất vừa cách mạng, vừa khoa học. Cuối cùng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng, nhân cách và phẩm chất cá nhân Hồ Chí Minh có tác động đến sự hình, phát triển tư tưởng của Người.

Đây là nghiên cứu hết sức quan trọng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, góp phần làm rõ hơn nguồn gốc tư tưởng Hồ Chí Minh và đóng góp cơ sở lý luận và thực tiễn cho Đảng.

Bên cạnh những bài viết, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn có nhiều công trình góp phần nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh như: Hồ Chủ tịch - Nhà chiến lược thiên tài, người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, Nxb QĐND, Hà Nội, 1970; Tư tưởng Bác Hồ soi sáng sự nghiệp đổi mới của chúng ta, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1990; Tư tưởng Hồ Chí Minh - Quá trình hình thành và phát triển, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1993; Một số vấn đề về nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb QĐND, Hà Nội, 2004; Nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb CAND, Hà Nội, 2006,v.v… Đặc biệt, cuốn sách “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam” ra đời trên cơ sở thành quả của đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam” thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp Nhà nước. Đây là đề tài có quy mô rộng lớn, nội dung phong phú do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Chủ nhiệm. Trong “Lời tựa” xuất bản lần thứ ba (2003), Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là niềm tin, là ngọn cờ thắng lợi của cách mạng Việt Nam, là di sản tinh thần vô cùng quý báu Người để lại cho Đảng ta, dân tộc ta. Thế giới còn đổi thay, tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi… Chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn nữa, toàn diện hơn nữa về Hồ Chí Minh, cả về tư tưởng và sự nghiệp của Người đối với cách mạng nước ta”.

Bìa cuốn sách "Thế giới còn đổi thay nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp 

Như vậy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là người luôn quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng mà còn là người góp phần to lớn trong nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh và đưa tư tưởng của Người cùng với Chủ nghĩa Mác - Lênin trở thành nền tảng tư tưởng của Đảng. Trên cơ sở đúc kết về mặt lý luận và thực tiễn, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (6/1991), Đảng ta nhấn mạnh: “Nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh”; đồng thời khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả của sự vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện cụ thể của Việt Nam và tư tưởng của Người đã trở thành một tài sản tinh thần quý báu của Đảng và dân tộc ta. Đại hội thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991), trong đó khẳng định: “Đảng lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của dân tộc và nhân loại, nắm vững quy luật khách quan và thực tiễn đất nước để đề ra cương lĩnh chính trị đúng đắn và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân”. Tiếp đó, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Đảng lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động…”.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vừa qua tiếp tục chỉ ra: Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, Cương lĩnh của Đảng tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, ngọn cờ chiến đấu, ngọn cờ quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc phấn đấu vì một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Từ đó, Đảng ta xác định quan điểm chỉ đạo là: Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, cùng với việc tôn vinh những cống hiến xuất sắc của ông đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam, việc làm rõ những đóng góp, cống hiến của Đại tướng trong việc góp phần nghiên cứu và đưa tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành nền tảng tư tưởng của Đảng là đặc biệt quan trọng, điều đó càng quan trọng hơn khi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đẩy mạnh học học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, phấn đấu xây dựng một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ mong đợi lúc sinh thời!

Đại tá, PGS, TS NGUYỄN VĂN SÁU, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam