Ký ức không quên

Lạch Trường - vùng cửa biển nằm giáp ranh hai huyện Hậu Lộc và Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Án ngữ cửa Lạch Trường là dãy núi Trường Sơn chạy từ Đông sang Tây, có điểm cao 210 m. Sát cửa Lạch Trường có Hòn Bò, Hòn Hài... ra xa khoảng 7km có đảo Hòn Nẹ thuộc huyện Hậu Lộc. Đây là một trong những điểm neo đậu lý tưởng của các tàu, thuyền của nhân dân trong chiến tranh chống Mỹ và cũng là địa danh minh chứng cho nghĩa tình quân dân sâu đậm trong trận đánh ngày 5-8-1964.

14 giờ 15 phút ngày 5-8 năm ấy, khi bà con các xã ven biển của hai huyện Hậu Lộc và Hoằng Hóa đang hăng say lao động trên cánh đồng thì bất ngờ nhiều tốp máy bay địch từ Hạm đội 7 (ngoài Biển Đông) bay vào bắn phá từ khu vực đảo Hòn Nẹ (Hậu Lộc) đến cửa Lạch Trường (Hoằng Hóa).

Sau hồi kẻng báo động, các đơn vị Hải quân cùng Đồn Biên phòng 74, Đại đội ra-đa 19 của Phòng không-không quân, Tự vệ Thủy sản Lạch Trường và dân quân du kích các xã nhanh chóng có mặt tại các vị trí chiến đấu cùng phối hợp đánh địch.

 Dân quân vớt xác máy bay Mỹ bị ta bắn rơi tại Lạch Trường ngày 5-8-1964. Ảnh: Tư liệu

Ngay từ loạt đầu máy bay địch vào đánh phá, cả khu vực đã sôi sục đạn bom. Đại tá Nguyễn Xuân Bột, nguyên Phân đội trưởng Phân đội 3, Tiểu đoàn tàu phóng lôi 135 Hải quân kể: “Khi tốp máy bay lao bổ nhào, tôi hô: Chặt neo! Ngay lập tức đồng chí Luyện vung búa chặt đứt dây neo. Tàu 333 vừa chạy vòng vèo tránh đạn vừa bắn yểm trợ để các tàu cơ động ra biển. Ở loạt đầu, máy bay địch bắn trúng Tàu 130 khiến anh em trên đó bị thương và mất sức chiến đấu. Tàu tôi và Tàu 336 cùng các tàu còn lại tập trung hỏa lực đáp trả các đợt đánh phá của máy bay địch”.

Bà Lê Thị Thoa, ở thôn Liên Minh kể: Trên trời máy bay địch bổ nhào ào ạt dội bom; dưới biển tàu ta bắn lên; cùng với đó hỏa lực của các lực lượng hai bên bờ cũng nhằm máy bay địch mà bắn. Các thuyền đánh cá của dân thấy có chiến đấu cũng chạy về hỗ trợ bộ đội”.

Khoảng 15 giờ 15 phút, trận chiến đấu anh dũng của quân và dân ta kết thúc. Ta hạ được 2 máy bay và bắn bị thương 2 chiếc khác. Đây cũng là lần đầu tiên quân và dân Thanh Hóa đã bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh.

Nhớ lại ký ức xưa, nhiều người dân Lạch Trường vẫn còn xúc động trước những tấm gương chiến đấu kiên cường của bộ đội Hải quân như: Pháo thủ Đặng Đình Lống, Tàu 146 dù bị thương cả hai chân nhưng kiên quyết không rời vị trí mà dùng thắt lưng cột thân mình vào giá súng, tiếp tục bắn máy bay địch đến hơi thở cuối cùng; Thuyền trưởng Tàu 187 Lê Văn Tiếu bị thương ở cánh tay trái mà không còn người thay thế đã nhờ đồng đội cắt bỏ phần dưới cánh tay, ga rô cầm máu để tiếp tục chỉ huy cho đến lúc ngất đi…

Vang mãi nghĩa tình sâu đậm

Chúng tôi được anh Phạm Thanh Nam, Phó chủ tịch xã Hoằng Trường dẫn tới thăm một nhân chứng của trận chiến đấu ngày 5-8-1964. Đó là cụ Trần Văn Lự, nguyên Trung đội trưởng Trung đội dân quân của xã Hoằng Trường năm 1964. Cụ Lự gần tròn 100 tuổi, sức khỏe cũng đã yếu, không thể kể lại chuyện năm xưa.

Anh Nam từng được nghe cụ Lự kể nhiều lần về trận đánh hồi tưởng lại: Trong trận chiến đấu này, quân dân Lạch Trường đã bám trụ trận địa cùng các lực lượng khác trong khu vực quần lộn với địch trong khoảng 1 giờ, vừa chiến đấu vừa phục vụ chiến đấu, tiếp đạn, vận chuyển, cứu chữa thương binh.

Lễ tưởng niệm các liệt sĩ, nhân dân hy sinh trong trận chiến đấu ngày 5-8-1964 tại Lạch Trường (Thanh Hóa).  

Ngay sau trận đánh, Ủy ban xã huy động bà con chèo thuyền ra trận địa để tìm vớt thương binh. Bà Lê Thị Thoa nói: "Lúc ấy tôi mới tròn 20 tuổi, từng học qua lớp y tá. Khi được huy động, tôi lập tức chạy ra đón các bè mảng đưa thương binh từ ngoài biển vào và đưa về Hòa Lộc cứu chữa. Những trường hợp đã hy sinh, chúng tôi tiến hành khâm niệm và an táng. Chính tay tôi đã khâm niệm cho 20 liệt sĩ Hải quân. Mỗi lần nhắc lại, lòng tôi vẫn đau nhói, thương tiếc các anh vô cùng".

Chúng tôi còn được nghe nhiều câu chuyện cảm động về tình quân dân trong trận chiến đấu như: Nữ dân quân Hoàng Thị Khuyên ở xã Hòa Lộc khi vào tình thế nguy cấp đã cởi chiếc áo đang mặc trên người để băng vết thương rất nặng ở bụng cho chiến sĩ Hải quân Trần Đình Huyến; hay Xã đội trưởng dân quân Hòa Lộc Hoàng Văn Mão bơi ra tận khu vực tàu Hải quân bị đắm, lặn xuống biển tìm vớt thi thể quân nhân hy sinh…

Thời điểm đó, dân Hoằng Trường cơm không có để ăn, đến khoai sắn cũng chẳng đủ no nhưng vẫn một lòng cùng bộ đội quyết tâm đánh đuổi giặc Mỹ xâm lược. Trận chiến 5-8-1964 tại Lạch Trường cũng là trận đánh mà quân và dân ta chịu nhiều tổn thất. Theo số liệu từ Phòng Chính sách Hải quân, đã có 68 cán bộ, chiến sĩ Hải quân hy sinh.

Chúng tôi đứng bên Bia di tích đánh thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam và quân dân miền Bắc được xây dựng trong Công viên văn hóa du lịch tâm linh Lạch Trường hướng mắt nhìn ra ngoài biển. Lạch Trường nay đã trở thành một vùng cửa biển tấp nập với những đoàn tàu đánh cá nhộn nhịp ra vào. Chúng tôi tin rằng, các thế hệ hôm nay luôn khắc ghi công ơn của lớp lớp cha anh đi trước đã tô thắm trang sử vàng của quê hương, đất nước bằng những hành động dũng cảm trong chiến đấu, bằng nghĩa tình quân dân thắm đượm cùng quyết tâm bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc.

Bài, ảnh: THANH THỦY

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Tư liệu Hồ sơ xem các tin, bài liên quan.