Tổ mã dịch gồm có: Đại úy Võ Minh Châu (quê Nghệ An), Phó trưởng Ban điện báo; Thượng sĩ Nguyễn Văn Khôi (quê Bắc Ninh); đồng chí Vũ Thị Trọng (quê Thái Bình); đồng chí Nguyễn Thị Muôn (quê Hưng Yên). Sau này, tổ có bổ sung một số đồng chí khác; song những đồng chí kể tên trên làm việc từ ngày đầu cho đến những ngày cuối cùng của chiến dịch.
 |
Các đồng chí trong Tổ mã dịch phục vụ tại Nhà Con Rồng, từ trái qua phải đồng chí Vũ Thị Trọng, Võ Minh Châu, Nguyễn Văn Khôi và Nguyễn Thị Muôn. Ảnh tư liệu |
Tổ mã dịch điện báo được bố trí làm việc tại căn phòng nằm ở phía Tây nhà của Quân ủy Trung ương, đây là phòng làm việc của Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng. Cũng chính tại phòng làm việc này, Tổ mã dịch điện báo đã mã dịch những bức điện lịch sử quan trọng như điện của đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn, đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Lê Trọng Tấn, Hoàng Văn Thái… gửi Bộ Chỉ huy tại các mặt trận và từ mặt trận báo về.
Đồng chí Nguyễn Văn Khôi nhớ lại: “Chúng tôi đang mải ngắm căn phòng thì có tiếng bước chân vọng từ hành lang phòng giữa ngày một gần lại. Tất cả mấy anh chị em đều hồi hộp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất hiện với bộ quân phục màu xanh giản dị. Tiếp nữa là mấy đồng chí khác ở Cục tác chiến và Thiếu tướng Cao Văn Khánh, Phó tổng Tham mưu trưởng. Cả 4 anh em chúng tôi đồng thanh: Chào Thủ trưởng! Đại tướng cười nhẹ nhàng và chào lại chúng tôi, sau đó Đại tướng đưa tay lên khoác vai mấy anh em chúng tôi và hỏi thăm từng người. Đại tướng hỏi: Cô Muôn có gia đình chưa? Dạ báo cáo Thủ trưởng! Em chưa xây dựng gia đình. Sau đó Đại tướng hỏi: Thế cô có người yêu chưa? Cô Muôn trả lời: Dạ thưa Thủ trưởng! Người yêu em đang ở chiến trường. Đại tướng cười và nói: Vậy sao không gọi cậu ấy về mà cưới đi còn gì nữa? Vậy là cả mấy anh em chúng tôi cười phá lên, xua đi cảm giác hồi hộp căng thẳng. Sau đó Đại tướng quay sang hỏi đồng chí Trọng: Còn cô Trọng đã có gia đình chưa? Cô Trọng lúc đó còn ấp úng chưa kịp trả lời thì đồng chí Võ Minh Châu - Tổ trưởng đã nhanh nhẹn trả lời thay: Báo cáo thủ trưởng, Trọng có gia đình rồi ạ. Đại tướng cười vui vẻ. Giây phút hồi hộp khi lần đầu tiên được gặp Đại tướng qua nhanh. Sau khi hỏi thăm mọi người, Đại tướng nói: Các cô các cậu ngồi uống nước, mình về viết điện”.
Đồng chí Muôn tâm sự: “Đó là lần đầu được gặp Đại tướng, không khí lúc đó thân tình lắm như là người một nhà vậy, không hề có khoảng cách giữa Tổng Tư lệnh và chiến sĩ, thấy gần gũi và tình cảm lắm”. Trong hồi ký của mình, đồng chí Nguyễn Văn Khôi viết: “Chất giọng miền Trung ấm áp, những câu hỏi thăm ân tình của một vị tướng gần gũi, thân thiết như người cha, người anh lắng đọng mãi trong chúng tôi, đã khích lệ chúng tôi trong công việc”.
Những ngày cuối tháng 3-1975, Phòng Mã dịch Điện báo, Cục Cơ yếu Bộ Tổng Tham mưu đã đưa gần một nửa quân số vào mặt trận. Lực lượng còn lại của phòng còn chủ yếu là nữ giới, lên tới 26 đồng chí do Thiếu tá Lê Văn Ngoạn, Phó trưởng phòng chỉ huy. Công việc thì tăng lên gấp bội và rất khẩn trương. Đồng chí Muôn nhớ lại: “Tin chiến thắng dồn dập từ mặt trận gửi về nên ai ai cũng hăng hái làm việc, quên cả mệt mỏi, đói khát, mắt ai cũng thâm quầng, làm việc thần tốc, đến ăn uống, ngủ cũng thần tốc, mấy cô mã dịch hét nhau: Sao ăn chậm thế? Thần tốc lên! Làm việc căng thẳng là vậy nhưng lạ thay không ai bị ốm cả. Công việc chiếm phần lớn thời gian trong ngày, chúng tôi thường làm việc 12 giờ/ngày, có ngày làm việc 16 giờ, thậm chí là 24/24 giờ”.
Tốc độ mã dịch không ngừng được tăng lên 7 phút, 6 phút, 5 phút, thậm chí 4 phút rưỡi đã xong một bức điện. Các thành viên trong tổ đều nhận thấy thời gian lúc này là lực lượng, là sức mạnh. Hơn ai hết, các thành viên trong Tổ hiểu tâm trạng của người chỉ huy mong đợi một chỉ thị, chủ trương, một mệnh lệnh… đến chừng nào. Đây là những thông tin rất cần thiết để đưa ra một quyết định, hành động quyết định đến sự thành bại của trận đánh, chiến dịch, thậm chí là vận mệnh của dân tộc trong thời khắc quyết định này.
Trong những ngày diễn ra chiến dịch, nhất là những ngày tháng 4-1975, các đồng chí trong Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đều có mặt ở Nhà Con Rồng. Từ phòng giữa, sau khi lĩnh hội ý kiến của Bộ Chính trị, Đại tướng thường viết điện và gửi trực tiếp cho Cơ yếu, cũng có khi đồng chí Cao Văn Khánh chuyển điện trực tiếp. Có lần, Đại tướng vừa viết điện, được đoạn nào Đại tướng cử người mang sang cho Tổ mã dịch làm ngay. Sau khi mã xong, đồng chí Võ Minh Châu chuyển cho bộ đội thông tin liên lạc phát đi ngay.
Có lần Đại tướng ngồi viết điện ngay tại phòng làm việc của Tổ mã dịch, Đại tướng rất cẩn thận, suy nghĩ thận trọng, cân nhắc từng câu chữ trong khi viết. Khi viết xong điện, Đại tướng đi lại trong phòng suy nghĩ, có lúc chợt dừng lại, Đại tướng nói để mình sửa lại đoạn này, hay bỏ chữ này hoặc thêm chữ kia. Vì là mã dịch viên nên mọi người hiểu được tầm quan trọng của việc mã dịch chính xác từng con chữ, từng ý, thậm chí từng dấu chấm câu, chấm lửng… mặc dù các thành viên trong tổ đều là những người mã dịch cự phách, có kinh nghiệm nhưng vẫn thường nhắc nhau: phải hết sức cẩn thận đấy!
Trong những ngày này, tin thắng trận ở khắp các chiến trường dồn dập gửi về, công việc rất khẩn trương. Đại tướng Tổng Tư lệnh làm việc và ở luôn tại Tổng hành dinh mà không về nhà mặc dù nơi ở của Đại tướng chỉ cách nơi làm việc có vài trăm mét. Các đồng chí công vụ kê một chiếc giường nhỏ trong phòng để Đại tướng nghỉ ngơi sau giờ làm việc.
Đồng chí Nguyễn Văn Khôi kể: “Có hôm mấy anh em trong tổ đến làm việc vẫn thấy màn còn buông rủ trên giường. Cứ nghĩ là đêm qua Đại tướng làm việc khuya nên sáng nay còn ngủ, ai ngờ, vừa đặt túi lên bàn làm việc đã thấy Đại tướng trong bộ quân phục chỉnh tề, Đại tướng hỏi thăm anh em chúng tôi: Đêm qua có ngủ được không? Có mệt không? Chúng tôi trả lời: Thưa Thủ trưởng! Thắng to quá nên quên hết mệt ạ! Đại tướng nói: Đêm qua mình cũng không ngủ, các cô các cậu cố gắng góp phần vào chiến thắng. Ngày 22-4-1975, chúng tôi mã bức điện của Đại tướng viết gửi đồng chí Tuấn, Sáu, Bẩy, Tấn, đoạn cuối có câu “Nắm vững thời cơ lớn chúng ta nhất định giành toàn thắng”. Chúng tôi mã điện xong mà thấy lòng bồi hồi, vừa xúc động, cảm phục và kính trọng những nhà chiến lược tài giỏi, thế hệ cha anh của mình trong những giờ phút trọng đại của lịch sử dân tộc.
Đại tướng rất vui, cái vui khôn tả, khi biết Trung tướng Lê Trọng Tấn chỉ huy cánh quân đầu tiên đã tiến vào Dinh Độc Lập, trong hồi ký của mình, Đại tướng viết: “Tôi viết ngay một bức điện vượt ra ngoài khuôn phép thông thường về quân sự: 18 giờ 30 phút. Anh Tấn ơi! Làm ăn tốt quá! Phấn khởi quá! Chúc các anh rất khỏe và chuyển lời mừng chiến thắng của mình cho các tướng trong đó. Ký tên: Văn”([1]).
Sáng 30-4-1975, các đồng chí trong tổ mã dịch điện báo (Châu, Trọng và Khôi) xách cặp sang nhà Quân ủy làm việc sớm hơn mọi ngày. Chưa kịp vào phòng làm việc, thì đã thấy rất đông các đồng chí trong Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã có mặt (như đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp…). Nhìn thấy các đồng chí mã dịch điện báo, các đồng chí giơ tay chào. Chúng tôi nhận thấy nét mặt ai nấy đều rạng rỡ, vui tươi, tiếng cười nói vui vẻ, không khí tại nhà Quân ủy nhộn nhịp khác thường. Có lẽ vì tin chiến thắng đêm qua đã làm nức lòng mọi người.
Đồng chí Khôi viết trong hồi ký của mình: “Biết được tin chiến thắng, ba anh em chúng tôi chạy ùa ra cửa, hành lang nhà Quân ủy như chật lại. Những tiếng cười, tiếng reo: Đánh tốt quá! Toàn thắng rồi! Đại thắng rồi! Vang lên trong niềm xúc động, vui sướng vô cùng của tất cả mọi người. Mọi người ôm và hôn nhau, quay tròn, mấy anh vệ binh, phục vụ cũng chạy lại cả. Chúng tôi đứng ngây người ra, xúc động, chứng kiến niềm vui chiến thắng của những mái đầu đã bạc và vỗ tay hòa theo lúc nào không biết. Phóng viên ào đến, quay phim chụp ảnh. Chúng tôi nhát quá, nép sang một bên. Sau này tiếc mãi không có một bức ảnh kỷ niệm trong giờ phút lịch sử ấy”.
Khoảng 12 giờ ngày 30-4-1975, theo lời dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng chí Duệ mời Tổ mã dịch điện báo sang phòng giữa, Đại tướng chiêu đãi chúng tôi bia Trúc Bạch, kẹo Hà Nội và thuốc lá Điện Biên. Mọi người nhấm nháp hương vị, quà mừng đại thắng.
Năm 1998, Cục Cơ yếu Bộ Tổng Tham mưu tổ chức một đoàn đại biểu đến thăm Đại tướng, sau khi các đại diện đơn vị hỏi thăm xong, Đại tướng hỏi: Mấy đồng chí trong tổ mã dịch ở Nhà Con Rồng đâu, cô Muôn, cô Trọng đâu? Xin mời ra đây. Sau đó đồng chí Muôn và đồng chí Trọng được mời ngồi bên cạnh Đại tướng. Đã hơn hai mươi năm trôi qua giờ mới gặp lại vậy mà Đại tướng vẫn nhớ tên, khiến những người có mặt lúc đó không khỏi xúc động và cảm phục trí nhớ mẫn tuệ của vị Tổng Tư lệnh.
Kể từ đó cho đến mãi năm 2007, các thành viên của Tổ Cơ yếu làm việc tại Nhà Con Rồng mới được gặp và chúc thọ Đại tướng, sau khi chụp ảnh xong, đồng chí Muôn đã không kìm nén được cảm xúc của mình, ôm lấy Đại tướng và khóc. Đây là lần thứ 3 và đó cũng là lần cuối cùng đồng chí được gặp Đại tướng. Năm tháng qua đi, nhưng những kỷ niệm sâu sắc của các chiến sĩ mã dịch năm xưa với Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và quãng thời gian làm việc tại Nhà Con Rồng mãi mãi không phai mờ. Đó là món quà tinh thần vô giá, là niềm tự hào của những người cán bộ, chiến sĩ được cống hiến và làm việc trong ngành Cơ yếu Việt Nam anh hùng và những đóng góp nhỏ bé của mình vào thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
---------------------
(1) Lê Duẩn, Thư vào Nam, tr.387.
(*) Nhà Con Rồng hay còn gọi nhà D67.
(2) Đại tướng Võ Nguyên Giáp (2006) - Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, Tr.1342.
(3) Đại tướng Võ Nguyên Giáp (2006) - Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, Tr.1339.
NGÔ VĂN ANH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.