Cách đây hơn 70 năm, ngày 7-5-1954, sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Trong 9 năm kháng chiến, Cà Mau là một trong những căn cứ địa kháng chiến ở Nam Bộ. Khi Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến tranh ở Việt Nam được ký kết, Cà Mau lại vinh dự được nhận thêm trọng trách mới: Khu vực tập kết 200 ngày của lực lượng kháng chiến miền Nam.
 |
Lễ công bố quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh và khánh thành Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam. |
Chắc Băng là một con kênh đào dài hơn 40km nối liền từ ngã ba sông Trẹm đến đầu vàm Chắc Băng ra sông Cái Lớn. Trước ngày bàn giao khu tập kết cho đối phương, ta tổ chức một cuộc mít tinh lớn. Trong những ngày chuyển quân, nhiều sự kiện xúc động đã diễn ra tại đây, tiêu biểu là sự kiện nhân dân gửi tặng Bác Hồ cây vú sữa miền Nam.
Má Lê Thị Sảnh, sinh năm 1903 và chồng là ông Đỗ Văn Tố (Tư Tố), là gia đình nuôi chiến sĩ cách mạng. Má Lê Thị Sảnh, lúc đó là Hội trưởng Phụ nữ Cứu quốc xã Trí Phải. Nghe bộ đội kể về Cụ Hồ bôn ba năm châu bốn biển cứu nước, má vô cùng cảm phục, tôn kính Người. Nghĩ phải gửi tặng Bác thứ gì quý giá của quê hương, má gọi con gái là Đỗ Thị Cư đi xin cây vú sữa từ vườn nhà ông Nguyễn Văn Đương, cao 20cm được mang về ươm trồng trong một cái bình tích bằng sành.
Trong buổi lễ đưa tiễn bộ đội tập kết ra Bắc, má Lê Thị Sảnh bước lên khán đài, tay nâng niu cây vú sữa nói với các đồng chí cán bộ tập kết ước nguyện của mình: “Má muốn gửi các con cây vú sữa nhỏ này ra kính tặng Cụ Hồ và đồng bào miền Bắc, các con chuyển được không?”. Má Tư Sảnh trao tay cây vú sữa cho đồng chí Nguyễn Trung Kiên (Ba Kiên), khi đó là Đại đội trưởng Đại đội Pháo binh, Tiểu đoàn 307, cùng với lời căn dặn: “Ra ngoài đó, các con thưa với Cụ Hồ, thưa với cô bác miền Bắc rằng, bà con trong này luôn hướng về Cụ Hồ, hướng về miền Bắc”.
 |
Học sinh tham quan Di tích Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam. |
Trên con tàu Killinski (Ba Lan) ra Bắc, ba anh thanh niên được giao chăm sóc cây vú sữa cẩn thận. Tuy trên tàu hiếm nước ngọt, các anh vẫn dành dụm từng bát nước để tưới cây vú sữa. Sau mấy ngày vượt biển, sóng gió, nhưng nhờ được thường xuyên tưới bằng nước ngọt nên cây vẫn xanh tươi. Sáng mồng một Tết Nguyên đán năm Ất Mùi 1955 (là Tết Nguyên đán đầu tiên ở Thủ đô Hà Nội sau 9 năm trường kỳ kháng chiến thắng lợi), tàu cập bến Sầm Sơn (Thanh Hóa), một trong ba anh thanh niên mang cây vú sữa theo đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh, Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam lên tàu hỏa ra Thủ đô Hà Nội.
Ngày 26-1-1955 (mồng 3 Tết), đồng chí Lê Đức Thọ, Trưởng ban Thống nhất Trung ương, cùng đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh đã mang cây vú sữa, thay mặt đồng bào miền Nam kính tặng Bác Hồ. Bác vô cùng xúc động khi biết đây là cây vú sữa của đồng bào nơi tận cùng Tổ quốc gửi tặng Người.
Cây vú sữa sau đó được Bác Hồ trồng ngay gần bờ ao, bên cạnh ngôi nhà 1954, nơi Bác ở 4 năm đầu tiên trong khu Phủ Chủ tịch. Cây vú sữa vốn là loài cây ưa khí hậu nóng ở miền Nam và ít chịu được lạnh ở miền Bắc, do vậy những ngày đầu mới trồng, cây còn nhỏ và rất khó chăm sóc. Hằng ngày, mặc dù bận nhiều công việc, nhưng trước giờ làm việc buổi sáng, hay sau giờ làm việc buổi chiều, Bác đều dành thời gian tự tay chăm sóc, vun tưới cho cây vú sữa. Mùa đông giá rét, Bác nhắc các đồng chí phục vụ bện rơm quấn quanh thân cây, lấy mùn tấp vào gốc để chống lạnh cho cây. Mùa mưa bão, Bác nhắc nhở anh em chằng chống cho cây khỏi ngã đổ.
Tháng 5-1958, Bác Hồ chuyển sang sống và làm việc tại ngôi nhà sàn. Cuối năm đó, Bác đã đề nghị chuyển cây vú sữa trồng ở phía sau nhà sàn để Bác chăm sóc được thuận tiện hơn. Hằng ngày, làm việc tại nhà sàn, Bác vẫn nhìn thấy cây vú sữa để hình ảnh miền Nam luôn trong trái tim Người.
 |
Cây vú sữa Bác Hồ được trồng trong Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Trí Phải, huyện Thới Bình, Cà Mau.
|
Cây vú sữa lớn dần, cành lá sum suê và vươn cao, rễ đâm sâu vào lòng đất, đủ sức chống đỡ mưa to gió lớn, Bác căn dặn những người làm vườn rút kinh nghiệm để chăm sóc cây vú sữa ngày càng tốt. Khi cây vú sữa ra hoa, kết quả, những lứa đầu cây ra quả, quả nhỏ và không sai.
Thấy vậy, Bác nói với các đồng chí phục vụ: “Có lẽ mình chưa biết rõ cách chăm bón nên cây ra quả nhỏ và không nhiều”. Các đồng chí phục vụ thưa với Bác là cây vú sữa này do không hợp với khí hậu miền Bắc nên cho quả ít và nhỏ.
Bác suy nghĩ một lát rồi nói: “Các chú có nhớ, khi đi thăm Hồ Tây với Bác, các chú đã thấy cây vú sữa ở đó ra nhiều quả và quả lại to không. Các chú cần tìm các nhà chuyên môn làm vườn để học hỏi thêm kinh nghiệm trồng cây vú sữa”. Anh em phục vụ làm theo ý Bác, từ đó với những phương pháp chăm sóc mới, cây vú sữa cho quả nhiều và to hơn. Thấy vậy, Bác rất vui, có lần đồng chí phục vụ hái quả vú sữa chín cây mời Bác, Người nói: “Chú hãy chờ cho quả chín đều, hái một lần rồi chia cho mọi người”...
Cho đến nay, sự kiện nhân dân gửi tặng Bác Hồ cây vú sữa miền Nam đã có nhiều nghiên cứu. Trước khi mất, Bác Hồ có căn dặn một khi đất nước độc lập mà Bác chưa được vào Nam thì Bảo tàng Việt Nam phải chăm sóc, bảo quản thật tốt cây vú sữa của nhân dân miền Nam tặng Bác, sau đó nhân giống cây vú sữa ấy và gửi tặng lại nhân dân miền Nam.
 |
Quang cảnh hội thảo "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau- Tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử".
|
Thể hiện tấm lòng của quân dân tỉnh Cà Mau đối với Bác Hồ, năm 1990 nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân viên Khu di tích Phủ Chủ tịch đã chiết cành từ cây vú sữa do nhân dân miền Nam gửi tặng Bác. Tỉnh ủy Minh Hải (nay là Cà Mau và Bạc Liêu) giao cho Bảo tàng tỉnh ra Hà Nội nhận cây vú sữa chiết về trồng trong khuôn viên Phủ thờ Bác ở xã Trí Phải, huyện Thới Bình.
Sáng 19-5-1990, lễ bàn giao và đón nhận cây vú sữa mang về trồng trong khuôn viên Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, xã Trí Phải, huyện Thới Bình được tổ chức rất nghiêm trang. Phủ thờ này, do nhân dân ở xã lập khi Bác Hồ từ trần.
Hơn 30 năm vun trồng chăm bón, cây vú sữa nay đã cao lớn, cành lá sum suê, được ươm hạt nhân giống trồng tại khu Phủ thờ Bác thêm nhiều cây. Quả chín thường vào cuối năm, được Ban quản lý chọn những quả ngon, đẹp nhất dâng cúng trên bàn thờ Bác, thể hiện lòng biết ơn vô hạn đối với Bác, lòng tin sắt son, gìn giữ biểu tượng tấm lòng thủy chung của những người con miền Nam; nhân dân Cà Mau luôn gìn giữ cây vú sữa, như thể hiện tình cảm thiêng liêng của đồng bào miền Nam đối với Bác. Và đây cũng là thực hiện theo di nguyện của má Lê Thị Sảnh trước khi mất đã căn dặn con cháu phải cố công chăm sóc, gìn giữ cây vú sữa như một lòng tin sắt son, gìn giữ biểu tượng tấm lòng thủy chung của những người con miền Nam hiếu kính đối với Bác Hồ.
Để nhắc nhớ truyền thống son sắt của người Cà Mau đối với Bác, nhiều hộ dân ở xã Trí Phải, huyện Thới Bình đã ươm trồng, đến nay địa bàn có nhiều cây vú sữa được người dân trồng trong vườn nhà, xem như biểu tượng thiêng liêng của quê hương. Năm 2004, nhân kỷ niệm 50 năm sự kiện tập kết ra Bắc, tại khuôn viên đất gia đình má Lê Thị Sảnh, tỉnh Cà Mau đã xây dựng Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam tại phần đất gia đình má.
Ngày 12-11, tỉnh Cà Mau tổ chức lễ công bố Quyết định xếp hạng Di tích Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam là Di tích lịch sử cấp tỉnh.
QUANG ĐỨC (lược ghi)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Tư liệu Hồ sơ xem các tin, bài liên quan.