Tư tưởng chỉ đạo tác chiến phòng không là đánh địch bí mật, bất ngờ. Ngày 17-2-1967, thực hiện chỉ thị của cấp trên, Trung đoàn 275 điều Tiểu đoàn 66, Tiểu đoàn 68 cơ động ra vòng ngoài, phục kích ở khu vực Hòa Bình với mục đích phá đội hình tập kích của địch trước khi chúng đánh Hà Nội từ hướng Tây Bắc; Tiểu đoàn 67, Tiểu đoàn 69 cơ động dọc Đường 5 có nhiệm vụ đánh địch bảo vệ TP Hải Phòng. Đối tượng tác chiến của Tiểu đoàn 66, Tiểu đoàn 68 là máy bay của không quân Mỹ xuất phát từ Thái Lan, còn Tiểu đoàn 67 và Tiểu đoàn 69 đánh máy bay của hải quân Mỹ từ biển vào.
Khi nhận lệnh, một số cán bộ phân vân, cho rằng nếu phân tán như vậy thì lực lượng bảo vệ phía Đông Nam Hà Nội sẽ bị giảm sút, đồng thời đơn vị lại không được tham gia vào những trận đánh lớn sắp tới. Thay mặt cán bộ Sư đoàn 361, cấp ủy, chỉ huy Trung đoàn 275 giải thích rằng nhiệm vụ này để bảo vệ Hà Nội từ xa, đồng thời cũng là thời cơ rèn luyện bộ đội trong điều kiện khó khăn, thử thách mới.
 |
Đại tá Nguyễn Hữu Hùng tại nhà riêng (tháng 4-2025). |
Quả thật, trong lúc Tiểu đoàn 67, Tiểu đoàn 69 đang tích cực đánh địch bảo vệ các mục tiêu trọng yếu ở khu vực Hải Phòng thì Tiểu đoàn 66, Tiểu đoàn 68 lại gặp khó khăn trong lần đầu cơ động chiến đấu trên địa bàn rừng núi. Xe kéo khí tài tên lửa cồng kềnh và nặng, lại hành quân trên những đoạn đường dốc cao, cua gấp nên rất nguy hiểm. Cùng với đó, địa hình rừng núi làm cán bộ chỉ huy và sĩ quan tham mưu khó tìm được trận địa tốt và bố trí đội hình chiến đấu theo chiến thuật cơ bản đã được học tập tại Liên Xô.
Song, nhờ kế thừa truyền thống đánh giặc của cha ông ta và nghệ thuật tác chiến phòng không trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, vận dụng sáng tạo kinh nghiệm chiến đấu trên địa bàn rừng núi của các đơn vị bạn, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 66 và Tiểu đoàn 68 đã thể hiện rõ trí thông minh, sáng tạo. Trận địa TLPK được đặt ven đồi, chặn đường bay chủ yếu của địch vào đánh phá Hà Nội. Khắc phục địa hình chật hẹp, hệ thống hỏa lực không thể triển khai cả 6 bệ phóng mà chỉ vận dụng triển khai từ 2 đến 4 bệ phóng. Để che mắt địch, bộ đội cùng nhân dân địa phương dùng các bó tre, nứa xếp xung quanh các ca-bin, vừa để chống bom bi, vừa để ngụy trang cho trận địa. Căn cứ vào đặc điểm tác chiến trên địa bàn rừng núi, chỉ huy Trung đoàn 275 xác định tư tưởng chỉ đạo cách đánh là: Phải hết sức tận dụng yếu tố bí mật, bất ngờ, nhất là khâu phát sóng, chọn thời cơ đánh địch. Sẵn sàng cơ động, di chuyển, linh hoạt tìm nơi phục kích có lợi nhất. Tiêu diệt nhiều địch, đồng thời giữ gìn khí tài của ta an toàn và sử dụng được lâu dài, vì việc bổ sung, thay thế không dễ dàng, nhanh chóng được. Pháo cao xạ phải quyết tâm bảo vệ tên lửa đến cùng, các tiểu đoàn tên lửa phải chi viện cho nhau.
 |
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 275 qua các thời kỳ gặp mặt năm 2015 (Đại tá Nguyễn Hữu Hùng đứng chính giữa, hàng đầu). |
Do chuẩn bị tốt, ngày 12-3-1967, từ trận địa Hòa Bình, Tiểu đoàn 66 do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đình Nghị chỉ huy đã phóng 2 quả tên lửa diệt 1 chiếc F-105 “thần sấm”. Máy bay địch rơi xa, không tìm được xác nên cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 66 chưa cảm thấy thoải mái lắm (sau này mới biết xác máy bay rơi ở huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa). Bên cạnh đó, tin thắng trận ngày 11-3-1967 của Tiểu đoàn 67 bắn rơi tại chỗ 1 máy bay địch, bắt sống giặc lái càng làm cho cán bộ, chiến sĩ 2 tiểu đoàn và các đại đội pháo cao xạ ở Hòa Bình thêm nức lòng, quyết tâm thi đua lập công. Đồng chí Trần Trọng Trị, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 68 đã làm 2 câu thơ:
“Đứng bên bệ phóng ta thề
Chưa bắt giặc lái, chưa về Thủ đô”
Ngày 26-3-1967, đúng vào Ngày kỷ niệm thành lập Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam (nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), đã diễn ra một trận đánh hay của Tiểu đoàn 68: Lúc 15 giờ, trận địa tên lửa của Tiểu đoàn 68 gần Đường 6 phát hiện máy bay địch liền bắn 1 quả đạn nhưng đạn tự hủy. Sau đó, 2 tốp máy bay F-4C “con ma” lởn vởn ở phía Bắc Hòa Bình tức tốc lao vào, chia thành nhiều nhóm yểm trợ cho nhau, tìm cách đánh vào trận địa. Khoảng 15 phút sau, Tiểu đoàn 68 phóng 2 quả đạn vào nhóm thứ nhất; địch cơ động xuống thấp, tên lửa vượt mục tiêu tự hủy. Tiểu đoàn trưởng Cao Biền ra lệnh tiếp tục theo dõi nhóm này. Khi chúng ra khỏi sóng địa vật, đài điều khiển phát hiện ở cự ly 18km. Tên lửa lại được phóng lên và gặp mục tiêu, đạn nổ. 2 cánh chiếc máy bay F-4C đỏ rực lửa, lảo đảo rơi xuống cánh rừng rậm cách trận địa 30km. Dân quân địa phương nhanh chóng bắt sống giặc lái. Một nhóm máy bay F4-C khác lao xuống tấn công trận địa, bị pháo cao xạ của ta bắn “rát” nên chúng đánh trượt mục tiêu.
Để chi viện cho Tiểu đoàn 68, Tiểu đoàn 66 ở trận địa xã Tây Phong (Cao Phong, Hòa Bình) đã phóng 5 quả đạn, bắn cháy 1 chiếc F4-C, khiến nó phải “lết” vòng về phía huyện Mộc Châu (Sơn La). Đợt công kích của địch thất bại, phải chấm dứt vào khoảng 17 giờ cùng ngày.
Những trận đánh thắng liên tiếp trên địa bàn rừng núi Hòa Bình đã thể hiện chủ trương đưa các tiểu đoàn TLPK cơ động, phục kích đánh địch là đúng đắn. Sau thời gian chiến đấu ở Hòa Bình, Trung đoàn 275 được lệnh trở lại đội hình bảo vệ Hà Nội. Với những kinh nghiệm có được, Trung đoàn 275 đã cùng các đơn vị bạn hoàn thành tốt nhiệm vụ đánh bại các đợt không kích vào Hà Nội của không lực Hoa Kỳ.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Trung đoàn 275 đã cơ động hàng vạn ki-lô-mét, đánh 280 trận, bắn rơi 84 máy bay các loại (trong đó có 3 chiếc B-52, 3 chiếc AC-130), 26 chiếc rơi tại chỗ, bắt sống 9 giặc lái...
|
LÊ HIẾU (ghi theo lời kể của Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, nguyên Chính ủy Trung đoàn 275)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Tư liệu Hồ sơ xem các tin, bài liên quan.