Tháng Tư này, kỷ niệm chiến trường và nỗi nhớ đồng đội cứ dạt dào như những đợt sóng xô, trong tôi đan xen bao cảm xúc.
Mới đó mà 54 năm đã trôi qua. Ấy là năm 1971, từ vùng quê chiêm trũng của đất Kinh Bắc, chúng tôi nô nức tòng quân, với mong muốn được đóng góp sức mình vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, để đất nước sớm thống nhất, hòa bình.
Vùng đất Ba Vì (Hà Nội), nơi chúng tôi về huấn luyện để chuẩn bị vào Nam chiến đấu, hiện ra trong mắt những chàng trai đồng bằng thật lạ lẫm với núi thấp, núi cao, với đất đá ong nâu sẫm. Lạ lẫm, háo hức rồi cũng qua nhanh, nhường chỗ cho những ngày căng mình với các bài huấn luyện kỹ, chiến thuật của Bộ đội Đặc công, như cách khắc phục các loại vật cản, tập đánh cứ điểm... Không ai bảo ai, chúng tôi luyện tập vô cùng nghiêm túc với ý thức tổ chức kỷ luật cao, bởi mọi người đều biết: “Chiến tranh đâu phải trò đùa!”.
 |
Ảnh minh họa / TTXVN |
Còn nhớ, sau quãng đường hành quân bộ từ Ba Vì về ga Bạch Hạc (Vĩnh Phúc), chúng tôi lên tàu hỏa về ga Hàng Cỏ, rồi từ đó vào Thanh Hóa, chuyển ô tô hành quân tiếp đến Quảng Bình. Sau một đêm đi bằng đường thủy, chúng tôi lại lên ô tô ròng rã vượt Trường Sơn, băng qua đạn bom ác liệt của kẻ thù để đặt chân tới Chiến trường B2, trở thành lính trinh sát của Đại đội 3, Tiểu đoàn Trinh sát 47, thuộc Phòng Quân báo, Bộ Tham mưu Miền.
Nhớ mãi trận đánh căn cứ truyền tin của ngụy ở núi Bà Đen cuối năm 1974, đầu năm 1975. Để làm chủ được căn cứ đó, sau hơn một tháng chiến đấu giằng co quyết liệt, nhiều cán bộ, chiến sĩ trinh sát của ta đã vĩnh viễn nằm xuống mảnh đất Tây Ninh, trong đó có những đồng đội của tôi ở Đại đội 3. Đó là Hải, Hiền quê ở Bắc Giang; là Tộ quê ở Hải Phòng; là Hải quê ở Nghệ An...
Theo mỗi bước quân hành, ngày toàn thắng thêm gần lại. Thời khắc lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc dinh Độc Lập, từ Củ Chi, những người lính trinh sát chúng tôi vỡ òa sung sướng, hòa bình, thống nhất đã đến thật rồi mà sao vẫn cứ ngỡ như mơ...
Sau ngày Bắc-Nam ca khúc khải hoàn, giang sơn nối liền một dải, đồng đội tôi có người về với hậu phương, gắn bó với đường cày, thửa ruộng; có người vào công tác tại cơ quan nhà nước; cũng có những người tiếp tục gắn bó lâu dài với màu xanh áo lính.
Sau này, mỗi lần gặp lại, chúng tôi ai nấy đều tự hào vì vẫn giữ được “cái chất”, “cái tình” của những người lính từng vượt Trường Sơn, được thử thách qua đạn bom và lằn ranh sinh tử. Rồi thế nào mạch chuyện tâm tình cũng lại đưa chúng tôi “trở về” với những đồng đội đã nằm xuống mảnh đất miền Nam ruột thịt ở cái tuổi mười chín, đôi mươi. Để rồi mỗi người lại thầm hứa với chính mình rằng phải tiếp tục sống sao cho xứng đáng với những đồng đội đã ngã xuống, xứng đáng với những năm tháng đẹp đẽ, tự hào của tuổi trẻ nơi chiến trường ác liệt năm xưa...
PHẠM HUY DỤY
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.