Khi công việc tồn đọng quá lớn ở Birmingham đã được giải quyết, Tiểu đoàn 6.888 lên đường đến Pháp vào ngày 9-6-1945, chỉ 3 ngày sau sự kiện D-Day. Họ đến cảng Le Havre và bị sốc khi phát hiện một thành phố đổ nát bị Đức quốc xã bỏ lại. Sau đó, họ đi tàu hỏa đến Rouen và được mời tham gia cuộc diễu hành chiến thắng đi ngang qua nơi nữ anh hùng dân tộc Jeanne d’Arc bị hành quyết.
Các nữ quân bưu Tiểu đoàn 6.888 được người dân Pháp cổ vũ và kính trọng. Đơn vị đóng quân tại Caserne Tallandier-một doanh trại cũ của Pháp trong khu nhà có tường bao quanh. Sự xuất hiện của một số lượng đáng kể phụ nữ Mỹ gốc Phi đã thu hút sự chú ý của cả quân nhân Mỹ da trắng và da đen.
Tại đây, các nữ quân bưu làm việc với người Pháp và tù binh Đức. Họ phải xử lý một lượng thư tồn đọng trong 2-3 năm trước và phải mất khoảng 6 tháng để xử lý.
    |
 |
Các nữ quân bưu của Tiểu đoàn 6.888 trong giờ nghỉ ngơi. Ảnh: slate.fr
|
Không như ở Anh, các thành viên của Tiểu đoàn 6.888 có thể tham gia các hoạt động giải trí như chơi quần vợt, bóng bàn và bóng rổ, đôi khi thi đấu với các Quân đoàn Phụ nữ da trắng. Một số đội của Tiểu đoàn 6.888 đã đến các vùng khác của Pháp hoặc châu Âu để tham gia các giải đấu. Đội bóng rổ của Tiểu đoàn 6.888 đã giành chiến thắng trong một giải đấu ở Stuttgart, Đức. Trước đó, để đến được Stuttgart, đội bóng rổ của Tiểu đoàn 6.888 bị từ chối được lên tàu hỏa. Ngay lập tức, họ gọi điện cho Trung tướng John C.H. Lee, Phó chỉ huy mặt trận tác chiến Mỹ ở châu Âu. Tướng Lee đã trì hoãn chuyến tàu khởi hành để gắn toa hạng nhất của mình cho các nữ bưu tá Tiểu đoàn 6.888.
Sau khi giải quyết thư tồn đọng ở Rouen rất hiệu quả, Tiểu đoàn 6.888 chuyển đến thủ đô Paris vào tháng 10-1945. Tại đây, các nữ quân bưu được bố trí ở tại Khách sạn Mỹ, còn sĩ quan chỉ huy được bố trí tại Khách sạn Bohy-Lafayette. Họ được hưởng mức sống cao hơn ở Rouen và Birmingham, có người giúp việc và ăn đồ do đầu bếp nấu.
Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, lực lượng của Tiểu đoàn 6.888 giảm gần 300 nhân viên và có hơn 200 người đủ điều kiện xuất ngũ vào tháng 1-1946. Tình hình thế giới thay đổi khiến tinh thần của các thành viên Tiểu đoàn 6.888 bị ảnh hưởng và ít người muốn làm công việc này.
Tại Paris, Tiểu đoàn 6.888 cũng phải đối mặt với thách thức mới: Các gói hàng nhỏ bị đánh cắp và một số mặt hàng gửi bị hỏng trong quá trình vận chuyển. Họ phải thiết lập quan hệ với người dân địa phương tìm kiếm những món đồ bị đánh cắp.
Tháng 2-1946, lực lượng còn lại của Tiểu đoàn 6.888 trở về Mỹ. Đơn vị giải tán tại Fort Dix, bang New Jersey. Không có nghi lễ vinh danh hay sự ghi nhận công lao của họ, ngoài việc Thiếu tá Adams được thăng cấp Trung tá.
Trong một nghiên cứu về Tiểu đoàn 6.888 do Quân đoàn Phụ nữ ban hành vào tháng 12-1945: “Chương trình an ninh quốc gia là trách nhiệm chung của tất cả người Mỹ không phân biệt màu da hay giới tính” và “việc tiếp tục sử dụng người da màu, cùng với người da trắng, phụ nữ vào quân đội tương xứng với sự phân bổ dân số tương đối giữa các chủng tộc da màu và da trắng".
    |
 |
Nụ cười của các nữ quân bưu sau giờ làm việc. Ảnh: womenofthe6888th |
Nghiên cứu trên cũng chỉ ra rằng, ngoại trừ các đơn vị y tá người Mỹ gốc Phi có quy mô nhỏ từng phục vụ ở châu Phi, Australia và Anh, Tiểu đoàn 6.888 là đơn vị phụ nữ Mỹ gốc Phi duy nhất phục vụ ở nước ngoài trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Do đó, đơn vị đã nhận được nhiều sự chú ý hơn trong những năm sau đó.
Năm 1979, các thành viên của Tiểu đoàn 6.888 đã tham dự cuộc hội ngộ ở Cincinnati, bang Ohio cũng như tham dự một số cuộc hội ngộ do Quân đoàn Phụ nữ người Mỹ gốc Phi tổ chức.
Năm 1981, một số cựu chiến binh của Tiểu đoàn 6.888 trở lại Birmingham. Tại đây, họ được vinh danh trong buổi tiệc chiêu đãi của thị trưởng thành phố. Họ cũng đến thăm London và được chào đón nồng nhiệt.
Hiện nay, lịch sử của Tiểu đoàn 6.888 được ghi trong các văn bản, trở thành chủ đề của các phim tài liệu, triển lãm, bảo tàng cũng như trong các buổi lễ lớn. Năm 1989, cựu chỉ huy đơn vị, Trung tá Adams đã xuất bản cuốn hồi ký về trải nghiệm thời chiến của bà.
Tháng 6-1994, GS, TS Brenda L.Moore trường Đại học Buffalo (thuộc Đại học New York) công bố nghiên cứu với tiêu đề “Phụ nữ Mỹ gốc Phi phục vụ ở nước ngoài trong Chiến tranh thế giới thứ hai: Hướng tới phân tích diễn biến cuộc sống”. Năm 1996, GS, TS Brenda L.Moore tiếp tục xuất bản cuốn sách có tựa đề “Phục vụ đất nước của tôi, phục vụ chủng tộc của tôi: Câu chuyện về Tiểu đoàn phụ nữ người Mỹ gốc Phi duy nhất đóng quân ở nước ngoài trong Chiến tranh thế giới thứ hai” (Nhà xuất bản Đại học New York), dựa trên hồi ký và các cuộc phỏng vấn với những phụ nữ từng phục vụ trong Tiểu đoàn 6.888.
Ngoài ra, Tiểu đoàn 6.888 cũng được đưa vào trong cuốn lịch sử “Phụ nữ và người Mỹ gốc Phi phục vụ trong Chiến tranh thế giới thứ hai nói riêng và trong quân đội Mỹ nói chung”. Ba thành viên của Tiểu đoàn 6.888 gồm: Trung tá Adams, Mary Ragland và Alyce Dixon, được phỏng vấn trong phim tài liệu “Những chiến binh vô hình: Phụ nữ Mỹ gốc Phi trong Chiến tranh thế giới thứ hai” của Gregory S. Cooke.
Năm 1996, Bảo tàng Bưu chính Quốc gia ở Washington tổ chức chương trình vinh danh Tổ chức từ thiện mang tên “Adams Earley”, cựu chỉ huy Tiểu đoàn 6.888. Tiểu đoàn 6.888 cũng là chủ đề các triển lãm và chương trình giáo dục của Bảo tàng Phụ nữ Quân đội Mỹ ở Fort Lee, bang Virginia. Lịch sử của Tiểu đoàn 6.888 hiện được lưu giữ trong hồ sơ của Cơ quan Lưu trữ Quốc gia về lịch sử phụ nữ da đen ở Washington và Thư viện Quốc hội-nơi lưu giữ các bài báo của Tổ chức từ thiện Adams Earley. Năm 2005, một trường công lập có tên Charity Adams Earley Girls Academy được thành lập ở Dayton, Ohio-nơi bà Adams sống từ năm 1949 cho đến khi qua đời vào ngày 13-1-2002.
    |
 |
Bà Alyce Dixon, cựu thành viên của Tiểu đoàn 6.888 hồi tháng 2-2012. Ảnh: Quân đội Mỹ |
Một trong những sự kiện nổi bật vinh danh Tiểu đoàn 6.888 đã diễn ra vào ngày 25-2-2009 tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington. Ba thành viên của đơn vị còn sống có mặt tại buổi lễ hôm đó gồm: Alyce Dixon, Mary Ragland và Gladys Shuster Carter, đã có mặt trong buổi lễ kéo dài 90 phút do Quân đội Mỹ tổ chức. Các cựu chiến binh Tiểu đoàn 6.888 được nhận giấy chứng nhận, thư khen ngợi có chữ ký của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.... Sự kiện này đã được đưa tin trên báo chí, trong đó có The Washington Post và CNN. Trong số ba người có mặt ngày hôm đó, Alyce Dixon đã mất năm 2016, thọ 109 tuổi, còn bà Gladys Shuster Carter mất ngày 30-6-2009.
Với sự ủng hộ của Carlton Philpot, cựu Chỉ huy Hải quân Mỹ và là Chủ tịch Ủy ban Lịch sử và Giáo dục người lính Buffalo, tháng 11-2018, Tượng đài vinh danh Tiểu đoàn 6.888 đã được khánh thành tại Fort Leavenworth, bang Kansas. Năm 2021, Thượng viện Mỹ đã đề xuất trao Huân chương Vàng của Quốc hội tặng Tiểu đoàn 6.888. Đề xuất này đã được Tổng thống Joe Biden chấp thuận vào năm 2022.
Cho đến nay, chỉ có 7 người của Tiểu đoàn 6.888 được biết vẫn còn sống. Hiện các nghiên cứu vẫn đang tiếp tục tìm kiếm để xác định các thành viên Tiểu đoàn 6.888 còn sống.
PHƯƠNG LINH (theo Slate.fr, womenofthe6888th)