Tôi sinh năm 1933, ở xã Đại Đồng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Tôi vào quân đội từ năm 16 tuổi và vinh dự tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 70 năm. Năm 1992, sau 43 năm quân ngũ, tôi nhận quyết định nghỉ công tác theo chế độ khi đang là Phó trưởng phòng Quân lực, Bộ Tham mưu, Binh chủng Thông tin liên lạc. 

leftcenterrightdel
 Tác giả - Đại tá, cựu chiến binh Nguyễn Thụ. Ảnh: THÁI PHƯƠNG

Về nghỉ hưu nhưng tôi vẫn tích cực tham gia công tác xã hội tại nơi cư trú là phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng. Bằng đóng góp nhỏ bé của mình qua hơn hai nhiệm kỳ làm Bí thư Đảng ủy phường, tôi đã cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân phường Trương Định hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ cấp trên giao, xây dựng địa phương phát triển toàn diện, đạt nhiều thành tích. Một trong những niềm tự hào, vinh dự lớn lao của phường Trương Định chúng tôi là được Bác Hồ đến thăm, chúc Tết, trực tiếp là gia đình ông Phạm Văn Công - một Việt kiều ở Tân Thế Giới mới về nước dịp Tết Quý Mão năm 1963. Tôi từng được những người trong gia đình ông Phạm Văn Công kể lại khá chi tiết chuyến thăm đặc biệt ấy của Người.

leftcenterrightdel
Bác Hồ trò chuyện với ông Phạm Văn Công. Ảnh tư liệu 

Hôm ấy, từ sáng đến khoảng 13 giờ, công việc dọn dẹp chuẩn bị đón Tết vừa cơ bản xong thì đoàn khách đại diện Ban Việt kiều Trung ương và các đồng chí của Ủy ban hành chính khu (nay là Ủy ban nhân dân quận) đến thăm. Sau đó lại có các đồng chí công an của phường, quận, thành phố đến. Riêng đoàn của công an đến thăm nhưng xem xét rất kỹ nhà ở, đường đi lối lại và hỏi han rất tỉ mỉ khiến ông Công nghĩ hẳn có việc quan trọng sắp diễn ra. Tiễn khách ra về mà trong lòng khấp khởi một niềm xúc động nhưng ông không nói với ai về suy nghĩ của mình. Sau bữa cơm chiều, các con của ông xin phép được đi chơi nhân dịp đón Tết đầu tiên ở quê nhà.

Khi đang trang trí trong nhà, bỗng ông Công nghe có tiếng ô tô đỗ ngoài cổng và có tiếng của nhiều người nói lao xao rồi tiếng bước chân đi vào ngõ của nhà mình. Ông bước ra khỏi cửa nhà thì đã thấy Bác Hồ đang tươi cười, nhanh nhẹn bước vào. Ông Phạm Văn Công vui mừng quá không nói được lên lời và cũng không tin vào mắt mình nữa. Ông nghĩ: "Có lẽ nào một vị Chủ tịch nước rất được nhân dân kính trọng và tiếng tăm vang lừng khắp thế giới lại hạ cố đến tận nhà mình". Trong khi đó, vợ ông bình tĩnh hơn thì bật thốt lên: "Ôi trời ơi! Có phải là Bác Hồ không? Bao nhiêu năm chúng con mong mỏi Bác à!".

leftcenterrightdel
Bác Hồ đến thăm và chúc Tết gia đình ông Phạm Văn Công Tết Quý Mão 1963. Ảnh tư liệu 

Bác hiền từ, chậm rãi nói, đại ý nhắc giờ được gặp rồi thì hãy nói chuyện thoải mái. Lúc này ông Phạm Văn Công mới định thần nhìn các vị khách và nhận ra có đồng chí Lê Văn Lương, đồng chí Hồ Chúc....

Như một người thân trong nhà, Bác hỏi gia đình chuẩn bị Tết ra sao, có bánh chưng không. Người còn hỏi chuyện về bà con Việt kiều mới về nước, căn dặn ông Phạm Văn Công công tác và nuôi dạy con cái. Trong khi ông Phạm Văn Công trả lời Bác thì bà vợ rất thật thà bưng ra mấy cặp bánh chưng mời Bác. Người cười thân mật nói: "Bác mới ăn cơm xong".

Không khí buổi gặp mặt thật ấm cúng. Ông Công hiểu rằng vinh dự này không phải của riêng gia đình mình. Tấm lòng của Bác đã dành cho tất cả những người con xa xứ đang sống xa Tổ quốc.

Tết năm ấy bà con khu vực Đại La đi chúc Tết gặp nhau ai cũng nhắc đến phường Trương Định và nhà ông Công có vinh dự lớn được Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và chúc Tết. Sự kiện có một không hai này đã cách đây 61 năm rồi, nhưng cứ đến gần ngày sinh nhật của Bác, những người già của phường Trương Định lại kể cho con cháu nghe về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

Đại tá NGUYỄN THỤ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.