Tại buổi đánh giá, thay mặt nhóm nghiên cứu, Trung tá Trần Trung Kiên đã trình bày ý tưởng, tính cấp thiết, mục tiêu, giải pháp của đề tài. Theo đó, trước bối cảnh tình hình dịch Covid-19 lây lan nhanh trên toàn thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, việc vận chuyển các thiết bị y tế, nhu yếu phẩm cho bệnh nhân và bác sĩ trong khu chữa trị và cách ly hiện được thực hiện thủ công do con người đẩy xe hoặc mang, xách trực tiếp từ nơi cấp phát đến các buồng bệnh dẫn đến nguy cơ lây nhiễm từ việc tiếp xúc gần là rất cao. Đây lại việc đi ngược lại với yêu cầu phòng, chống dịch bệnh. Do vậy, mục tiêu của đề tài đặt ra là thiết kế, chế tạo Robot tự hành vận chuyển trang bị y tế và nhu yếu phẩm di chuyển tự động trong hành lang bệnh viện từ điểm cấp phát đến các cửa phòng bệnh và tự động di chuyển về điểm xuất phát ban đầu, với thông số kỹ thuật và tính năng cơ bản như: Tải trọng mang từ 300 đến 350kg, tốc độ di chuyển 40m/phút; thời gian làm việc liên tục 5 giờ; robot tự dừng lại khi gặp vật cản phía trước, tự động đi tiếp khi hết vật cản; cài đặt được các điểm dừng theo địa chỉ phòng bệnh,... Đề tài nghiên cứu thành công sẽ góp phần quan trọng trong việc làm chủ công nghệ thiết kế chế tạo robot tự hành, giảm giá thành, giảm phụ thuộc vào thiết bị nhập của nước ngoài, dễ dàng cải tiến, bổ sung tính năng phù hợp với yêu cầu thực tế tại Việt Nam.
 |
Nhóm nghiên cứu của đề tài.
|
 |
Robot vận chuyển vật tư, thiết bị y tế.
|
Đây là robot tự hành thiết kế có tính mở, đa dụng, có thể liên kết với các xe mang dạng kéo các xe con (các toa) phía sau hoặc gắn trực tiếp giá mang trên robot. Hệ thống điều khiển thiết kế mở, sẵn sàng kết nối với các hệ thống dẫn đường bằng xử lý ảnh, hệ dẫn đường bằng laser (LiDar), định vị vệ tinh (GPS), hệ dẫn đường quán tính (IMU/INS). Dự kiến robot sẽ được đưa vào sử dụng vận chuyển vật tư, thiết bị y tế cho các đơn vị bệnh viện đang điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 hoặc các đơn vị thực hiện cách ly tập trung.
Đánh giá kết quả của đề tài, Thượng tá, TS Trần Ngọc Bình, Viện trưởng Viện Tự động hóa kỹ thuật quân sự đã ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng và tính tích cực, chủ động của nhóm nghiên cứu. Khẳng định đây là đề tài có ý nghĩa khoa học và thực tiễn sâu sắc, tính ứng dụng cao, đặc biệt trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay, đồng thời mở ra hướng nghiên cứu mới, ứng dụng trực tiếp, hiệu quả vào thực tiễn.
Được biết, Viện Tự động hóa kỹ thuật quân sự là đơn vị trực thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật quân sự có chức năng, nhiệm vụ là cơ sở nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu KHCN trong lĩnh vực tự động hóa phục vụ quốc phòng an ninh và phát triển kinh tế xã hội. Trong những năm qua, Viện đã nghiên cứu, thực hiện thành công nhiều đề tài, dự án quan trọng; nhiều sản phẩm tiêu biểu trên lĩnh vực tự động hóa đã được đưa vào trang bị, phục vụ tốt yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của quân đội và phục vụ dân sinh.
Bài và ảnh: QUANG TRUNG