Đồng bộ, hiệu quả, bao phủ rộng
TP Hồ Chí Minh là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư. Để người dân giảm bớt khó khăn, thành phố đã và đang cố gắng hỗ trợ hết mình cho bà con với chủ trương: Cơ bản, đồng bộ, hiệu quả, mức độ bao phủ rất rộng. Theo đồng chí Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, thành phố đã triển khai nhiều gói hỗ trợ với các đối tượng thụ hưởng khác nhau, quan điểm là phải bao phủ, hỗ trợ hết cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Các thủ tục cũng được đơn giản hóa để người dân có thể tiếp cận các chính sách hỗ trợ kịp thời.
Từ tháng 7-2021, khi nhận định tình hình dịch bệnh sẽ còn kéo dài, TP Hồ Chí Minh đã triển khai ngay đợt hỗ trợ lần 1 theo Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND của HĐND thành phố với tổng kinh phí 886 tỷ đồng. Đến tháng 8-2021, thành phố tiếp tục triển khai đợt hỗ trợ lần 2 với tổng kinh phí hơn 900 tỷ đồng. Hiện nay, địa phương đã cơ bản triển khai xong đợt hỗ trợ lần 3 với kinh phí hơn 7.300 tỷ đồng. Thành phố cũng triển khai hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ cùng nhiều chương trình an sinh xã hội khác.
Tùy tình hình thực tế của mình, các quận, huyện và TP Thủ Đức còn triển khai nhiều mô hình, hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn khác ngoài tiêu chuẩn của các gói hỗ trợ. Trong đó, nhiều mô hình mới mang lại hiệu quả, như: “Túi thuốc điều trị F0 tại nhà”, 3T “Tiếp nhận-Tìm hiểu-Tương trợ”, “Tư vấn tâm lý online-đẩy lùi dịch bệnh”, “Phòng trọ 0 đồng”... Các địa phương còn khởi xướng nhiều chuỗi hoạt động ý nghĩa để chăm lo cho lực lượng tuyến đầu và hộ nghèo, người lao động hoàn cảnh khó khăn đúng với tinh thần “không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc”.
Để hỗ trợ người dân hiệu quả, quận Gò Vấp đã thiết lập hai số điện thoại dường dây nóng: 02839.962.793 - 028.39.962794. Khi người dân gặp khó khăn cung cấp thông tin sẽ được hỗ trợ hàng thiết yếu ngay trong vòng 30 phút. Theo đồng chí Lê Thanh Phong, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Củ Chi, địa phương công khai số điện thoại của lãnh đạo từ cấp huyện trở xuống để người dân có thể phản ánh những vấn đề liên quan đến hỗ trợ an sinh xã hội. Vì vậy, nhiều bà con gặp khó khăn đã được giúp đỡ kịp thời.
Do địa bàn rộng lớn, TP Thủ Đức đã vận hành 70 điểm an sinh xã hội, trong đó có 4 điểm cấp thành phố, 66 điểm cấp phường. Các điểm an sinh xã hội được đặt tại các khu vực có nhiều nhà trọ và người lao động sinh sống. Ở mỗi điểm, thành phố chuẩn bị từ 1.000 đến 3.000 túi quà, sẵn sàng hỗ trợ người dân bất cứ lúc nào. Là địa bàn “vùng đỏ đậm đặc” của TP Hồ Chí Minh, quận Bình Tân cũng thành lập 1.669 tổ an sinh xã hội tại các tổ dân phố, từ đó kịp thời chuyển nhu yếu phẩm đến cho người dân”.
 |
Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh, Trung tâm An sinh thành phố trao phương tiện sinh kế cho hộ dân hoàn cảnh khó khăn. |
Khi người lao động tự phát rời thành phố về quê tránh dịch, các ngành, các cấp và lực lượng vũ trang thành phố đã chủ động tham mưu, phối hợp tổ chức đưa người dân về quê bảo đảm an toàn giao thông, an toàn phòng dịch. Hỗ trợ kịp thời lương thực, thực phẩm, nước uống, nhiên liệu để bà con về quê đỡ vất vả.
Huy động mọi nguồn lực để chăm lo cho dân
Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã huy động, vận động nhiều nguồn lực từ ngân sách, quyên góp từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, sự giúp đỡ của các tỉnh, thành phố bạn... để giúp đỡ người dân gặp khó khăn trong đại dịch. Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh đã phát động Phong trào “Phát huy sức mạnh toàn dân tham gia PCD Covid-19” và ra mắt Trung tâm an sinh thành phố. TP Thủ Đức và các quận, huyện đều thành lập Trung tâm An sinh phục vụ công tác PCD và bảo đảm an sinh xã hội. Từ đó, kịp thời phân phối hàng hóa đến người dân, không để người lao động mất việc làm lâm vào khó khăn cùng cực.
Tính đến ngày 12-10, Trung tâm An sinh thành phố đã chuyển hơn 2,3 triệu túi an sinh đến TP Thủ Đức và các quận, huyện để hỗ trợ người dân khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã kết nối và vận động 198 lượt ủng hộ từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước đăng ký tham gia ủng hộ nhiều loại thuốc men, vật tư, phương tiện, trang thiết bị y tế trị giá hơn 2.664 tỷ đồng.
Đồng chí Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Trung tâm An sinh thành phố tâm đắc: “Thành phố vừa ra mắt Chương trình “Thành phố nghĩa tình-kết nối yêu thương” với chủ đề “Triệu người có, giúp nhiều người khó”. Chương trình này giúp nhà hảo tâm và người cần trợ giúp có thể tương tác trực tiếp trong suốt quá trình trao và nhận dưới sự giám sát và điều phối của Trung tâm An sinh thành phố".
Bên cạnh đó, nhiều địa phương cùng các sở, ban, ngành, đoàn thể của thành phố đã đẩy mạnh thực hiện các chương trình phối hợp trợ giúp, ứng cứu khẩn cấp, thăm hỏi, động viên bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Điển hình như Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh đã triển khai chiến dịch tặng 100.000 phần quà đoàn kết quân-dân, HĐND thành phố có chương trình 10.000 phần quà cho công nhân, người lao động khó khăn, Bộ Thông tin và Truyền thông có Chương trình “Tấm lòng mùa dịch, san sẻ yêu thương” với hơn 530.000 túi hàng hóa... Ngoài ra, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể quận phối hợp thực hiện các chương trình: “Chuyến xe yêu thương”, “Tủ lạnh cộng đồng”, “Đi chợ giúp dân”...
Đồng chí Hồ Văn Dòn, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 7, Phó giám đốc Trung tâm An sinh quận 7 chia sẻ kinh nghiệm: Trong suốt quá trình triển khai an sinh xã hội, quận cử nhiều cán bộ trực tiếp “đến từng con hẻm, gõ cửa từng nhà” để trao quà tận tay cho người dân. Quận thành lập các tổ tự quản an sinh xã hội với 30-50 gia đình hoặc 1 tầng chung cư thành một tổ. Qua thông tin của Tổ tự quản an sinh, địa phương cũng nắm được các trường hợp cần hỗ trợ phát sinh hoặc nhân khẩu trong các hộ để có hướng chăm lo tốt hơn.
Ứng dụng công nghệ để bảo đảm an sinh
Để công tác chăm lo an sinh chu đáo, công khai, minh bạch, TP Hồ Chí Minh triển khai ứng dụng “An sinh”. Qua ứng dụng này, người dân có thể đăng ký nhận và theo dõi tiến độ cấp phát các túi an sinh, gói hỗ trợ của thành phố tại địa chỉ: https://bit.ly/appansinh. Tại huyện Củ Chi cũng ứng dụng công nghệ, sáng tạo trong xây dựng “Bản đồ chăm lo an sinh xã hội” và “Bản đồ tiến độ giải quyết hỗ trợ nhu yếu phẩm trực tuyến”. Quận 7 cũng công khai thông tin hỗ trợ an sinh trên Fanpage “Nam Sài Gòn”, giúp chính quyền và người dân giám sát lẫn nhau trong quá trình triển khai các gói hỗ trợ, đưa lương thực, thực phẩm đến từng hộ dân.
Điểm nổi bật trong công tác hỗ trợ an sinh tại TP Hồ Chí Minh là ở đợt hỗ trợ lần 3, thành phố áp dụng phần mềm quản lý chi trả với kỳ vọng tránh trùng lắp, sót lọt, tiết kiệm thời gian. Theo đó, Công ty TNHH MTV Phát triển công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) giúp thành phố xây dựng ứng dụng “SafeID Delivery” để rà soát xác định nhóm được hỗ trợ và không được hỗ trợ. Sau khi hai bên thống nhất danh sách, QTSC nhập danh sách người dân và bàn giao cho các xã, phường thực hiện chi trả.
Là địa phương chi trả đợt hỗ trợ lần 3 sớm nhất của thành phố, phường 12, quận 3 đã ứng dụng công nghệ thông tin để cập nhật số liệu nhanh chóng, chi trả cho người dân thuận lợi, nhanh chóng hơn. Còn ở phường An Lạc, quận Bình Tân, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, mà hơn 83.000 người đã được hỗ trợ đợt 3 rất kịp thời. Ứng dụng “SafeID Delivery” đang trợ giúp cho địa phương trong khâu rà soát đối tượng đủ hoặc không đủ điều kiện nhận hỗ trợ. Điều này tiết kiệm được rất nhiều công sức cho cán bộ cơ sở, theo dõi tiến độ gói hỗ trợ tốt hơn.
Bài và ảnh: PHI HÙNG - LÊ KHOA - XUÂN CƯỜNG