Nhiều chị em đã gác việc riêng tất cả vì nhiệm vụ chung tạo thành “lá chắn” vững chắc ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.

21 giờ đêm, sau khi gửi con cho mẹ đẻ, chị Trần Thị Hồng Nhung, Thôn đội trưởng xóm Trường Thanh, xã Đan Trường, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh rời khỏi nhà đến chốt phòng, chống dịch Covid-19 ở cầu Cửa Hội làm nhiệm vụ kiểm soát người, phương tiện qua lại. Những ngày trực chốt, thời tiết nắng mưa thất thường, người dân từ các tỉnh, thành phố phía Nam về quê rất đông nên thực hiện nhiệm vụ liên tục trong đêm là một thử thách lớn đối với chị và đồng đội.

Chị Nhung chia sẻ: “Để bảo vệ thành quả chống dịch của địa phương và sức khỏe của người dân nên dù có khó khăn, vất vả đến mấy, chúng tôi cũng nỗ lực để kiểm soát, đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch, quyết tâm không để dịch xâm nhập và lây lan ra cộng đồng”. Được biết, chị Nhung có chồng là bộ đội, cũng đang thực hiện nhiệm vụ chống dịch ở miền Nam, con còn nhỏ, nhưng từ tháng 5-2021 đến nay chị đã xung phong làm nhiệm vụ trực ở chốt kiểm soát phòng, chống dịch ở cầu Xuân Hải rồi sang cầu Cửa Hội...

leftcenterrightdel
Chị Trần Thị Hồng Nhung, Thôn đội trưởng xóm Trường Thanh, xã Đan Trường, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ người dân khai báo y tế tại chốt kiểm soát dịch. 

Ở thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) những ngày thực hiện Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, hàng chục chốt phòng, chống dịch được thành lập. Trong số gần 400 cán bộ, chiến sĩ dân quân làm nhiệm vụ tại các chốt, có rất nhiều nữ chiến sĩ “sao vuông” ngày đêm bám chốt, làm công tác phục vụ tiếp sức cho các lực lượng chống dịch. Là người có mặt từ khi thành phố có ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên, chị Nguyễn Thị Thu Thủy, chiến sĩ dân quân phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà được ví như một “shipper công nghệ”, hằng ngày tham gia nấu ăn, vận chuyển hơn 500 suất cơm phục vụ các lực lượng chống dịch ở 186 chốt kiểm soát trên địa bàn. Chị Thủy cho biết: “Thấy đồng đội vất vả nên em muốn góp một phần công sức san sẻ những khó khăn. Tham gia chống dịch, em có thêm nhiều bài học quý về công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong các tình huống phức tạp, qua đó giúp em trưởng thành hơn trong cuộc sống”.

Không chỉ tham gia phòng, chống dịch mà khi trên địa bàn xảy ra thiên tai, bão lụt, chị Thủy cũng là người tiên phong đi đầu. Bác Nguyễn Văn Thức, ở phường Đông Lễ, thành phố Đông Hà cho biết: “Chúng tôi rất khâm phục trách nhiệm của cháu Thủy. Không chỉ hướng dẫn, giúp đỡ người dân khai báo y tế, tuyên truyền phòng, chống dịch mà những lúc khó khăn nhất đều được cháu và bộ đội hỗ trợ. Thật sự người dân rất quý mến”.

Chồng mất sớm, một mình nuôi ba con nhỏ nhưng chị Hoàng Thị Huyên, chiến sĩ dân quân thị trấn Nông trường Việt Trung (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) không chỉ nhường ngôi nhà của gia đình đang ở để thành lập bếp ăn dã chiến phục vụ công dân các khu cách ly trên địa bàn, mà chị còn tình nguyện tham gia phục vụ ở bếp ăn. Với chị thì niềm vui lớn nhất là nhìn thấy công dân ở các khu cách ly khỏe mạnh, sớm trở về bên gia đình.

“Hiện nay, huyện Bố Trạch có trên 100 nữ chiến sĩ dân quân, tất cả đều tình nguyện đăng ký tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch. Dù công việc vất vả, phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm Covid-19, nhưng các chị luôn phát huy vai trò xung kích, góp phần cùng các lực lượng thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch trên địa bàn”, Thượng tá Trương Thế Vỹ, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Bố Trạch cho biết.

Có mặt ở các chốt phòng, chống dịch, các khu cách ly, khu vực phong tỏa… trên địa bàn Quân khu chúng tôi mới cảm nhận hết những vất vả của các nữ chiến sĩ “sao vuông” và đồng đội. Giữa những cơn mưa như trút nước hay những lúc nắng nóng, khi mà người dân đang ngon giấc, sum vầy bên gia đình, người thân thì những nữ chiến sĩ “sao vuông” vẫn cùng đồng đội căng mình chống dịch. Gác lại nỗi niềm riêng tư, đối mặt nguy hiểm, vất vả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, song với các chị hạnh phúc lớn nhất là góp sức mình để ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

Bài, ảnh: DUY ĐÔNG