Những “trận chiến” bên ngoài trang giáo án
Ngay từ những ngày đầu đặt chân đến Thành phố mang tên Bác, chứng kiến tác động lớn của dịch Covid-19 đối với cuộc sống, sức khỏe của người dân, lực lượng của Học viện Quân y đã bắt tay ngay vào công việc. Cấp cứu, thăm khám người mắc Covid-19 (F0) điều trị tại nhà, tham gia xét nghiệm sàng lọc khu dân cư, tiêm vaccine phòng Covid-19, tư vấn, chăm sóc người bệnh…, mặt trận nào cũng có sự tham gia của người chiến sĩ quân y. Cùng với các bác sĩ, giảng viên, trong đội hình tình nguyện ấy còn có nhiều học viên ngành bác sĩ đa khoa đang học năm thứ 4, thứ 5 và năm cuối của các khóa học, đã “xếp bút nghiên” xung phong vào tâm dịch hỗ trợ nhân dân, điều trị F0.
 |
Tổ quân y cơ động tại Trạm Y tế lưu động số 1, phường 6, quận Tân Bình chuẩn bị thuốc để đến phát cho F0 điều trị tại nhà. |
Từng viết đơn tình nguyện đi chống dịch tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Thượng sĩ Nguyễn Tuấn Thành (học viên năm thứ 5, Học viện Quân y), công tác tại Trạm Y tế lưu động phường 7, quận Gò Vấp, tâm sự: “Ngay từ khi TP Hồ Chí Minh bùng phát mạnh dịch Covid-19 đợt thứ tư, tôi đăng ký tình nguyện lên đường vào Nam chống dịch. Chuyện học tập rất quan trọng nhưng thời điểm này, người dân rất cần lực lượng y tế để được chăm sóc nên tôi quyết định tạm gác lại, cùng đồng đội xung phong lên tuyến đầu chống dịch. Những bài học không có trong sách vở, giáo án sẽ giúp tôi trưởng thành hơn với nghề nghiệp sau này”.
Từ ngày có mặt tại Trạm Y tế lưu động số 9A, phường 9, quận 8, Đại úy, bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng gần như có mặt trên mọi mặt trận y tế ở cơ sở. Bác sĩ Tùng chia sẻ: “Công việc dẫu áp lực về cường độ, thời gian liên tục nhưng chúng tôi rất quyết tâm thực hiện vì mục tiêu cao nhất là sự an toàn, sức khỏe cho người dân. Mỗi lần cấp cứu một bệnh nhân, nhất là bệnh nhân không liên quan Covid-19 mới thấy được sự trợ giúp kịp thời về y tế rất đáng quý”.
 |
Lực lượng quân y tham gia lấy mẫu xét nghiệm tại khu dân cư trên địa bàn phường 9, quận 8. |
Anh Tùng nhớ lại một trường hợp cấp cứu nam bệnh nhân hơn 60 tuổi sống một mình trên địa bàn phường do người nhà nhiễm Covid-19 đã đi cách ly tập trung. Khi đó, bệnh nhân bị nôn ra máu trong đêm nhưng không ai phát hiện, đến sáng thì người dân xung quanh mới báo tin đến trạm. “Tôi lập tức đến nhà bệnh nhân, làm xét nghiệm cho kết quả âm tính, đo huyết áp chỉ được 80/40mmHg nên liên hệ chuyển đi bệnh viện. Trong quá trình đợi xe cấp cứu đến, chúng tôi lau sạch máu ở mặt và toàn thân cho bệnh nhân bởi người bệnh đang rất yếu, không thể tự chăm sóc bản thân. Những trường hợp như thế này nếu không cấp cứu kịp thời, sẽ ảnh hưởng đến tính mạng” – bác sĩ Tùng cho biết thêm.
Liên quan đến điều trị F0 tại nhà, theo Thiếu tá, bác sĩ Vũ Tiến Vũ, phụ trách Trạm Y tế lưu động số 1, phường 6, quận Tân Bình, trong giai đoạn F0 điều trị tại nhà, vấn đề tâm lý là rất quan trọng, vì vậy khi các bác sĩ đến nhà F0 sẽ tư vấn sức khỏe, kèm theo đó tư vấn về tâm lý, biện pháp tạo sức đề kháng để người bệnh an tâm. Bản thân anh Vũ đang cố gắng thăm khám được tất cả F0 trên địa bàn phường để người bệnh an tâm hơn trong quá trình điều trị.
Đội hình tăng cường của Học viện Quân y chủ yếu được bố trí về trạm y tế lưu động của các xã, phường, thị trấn trên địa bàn để nâng cao chất lượng tuyến y tế cơ sở, bảo đảm người dân, F0 được chăm sóc, thăm khám kịp thời. Các trạm y tế lưu động đã trở thành địa chỉ tin cậy của người dân thành phố. Những bữa cơm, giấc ngủ của các chiến sĩ quân y thường xuyên bị xáo trộn bởi luôn ưu tiên hàng đầu cho cấp cứu, thăm khám và tư vấn hỗ trợ bệnh nhân. Không nề hà xa gần, đêm hay ngày, khi có nhiệm vụ, tổ quân y đều nhanh chóng lên đường. Các trạm y tế lưu động có lực lượng quân y tăng cường cũng vì thế mà thường xuyên sáng đèn bởi gần như làm việc liên tục.
 |
Bác sĩ quân y thăm khám cho F0 điều trị tại nhà. |
Chứng kiến hiệu quả làm việc của các bác sĩ quân y, bác sĩ Nguyễn Ngọc Thoa, Trạm trưởng Trạm y tế phường 9, quận 8 chia sẻ: “Kể từ đầu mùa dịch, chúng tôi phải gánh trên vai rất nhiều áp lực nhưng từ khi có lực lượng quân y tăng cường, công việc của trạm được san sẻ và triển khai hiệu quả hơn”. Còn điều dưỡng Đoàn Thị Huệ, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh giám sát hoạt động các trạm y tế lưu động trên địa bàn quận 10, nhận xét rằng: “Sự có mặt của các bác sĩ quân y là rất cấp thiết cho tuyến y tế cơ sở, thực hiện hiệu quả hơn những biện pháp phòng, chống dịch. Hiệu quả làm việc của các y bác sĩ quân y mang lại sự tin tưởng lớn cho chúng tôi, chắc chắn sẽ tạo sự đột phá trong phòng, chống dịch từ ngay cơ sở”.
Thành phố trong trái tim người chiến sĩ quân y
Những ngày được đi cùng các cán bộ, giảng viên, học viên Học viện Quân y đi thăm khám F0 điều trị tại nhà hay đi lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc, chúng tôi được nghe nhiều tình cảm của những người chiến sĩ quân y dành cho mảnh đất TP Hồ Chí Minh. Trong suy nghĩ của họ đây là khu vực đô thị nhộn nhịp nhưng giờ đây là những đường phố vắng bóng người, nhiều nơi bị giăng dây phong tỏa mới cảm nhận được sự tác động nặng nề của dịch bệnh. Hình ảnh đáng buồn đó càng thôi thúc những người thầy thuốc quân đội quyết tâm hơn nữa, làm hết sức mình vì người bệnh, để cuộc sống bình thường sớm trở lại. Nhiều học viên Học viện Quân y rất xúc động khi đi xuống địa bàn dân cư được người dân gọi bằng “bác sĩ quân y”. Và những lần đi thăm khám ở nhà dân, nhiều người bệnh đã bày tỏ sự quan tâm bằng lời hỏi thăm: “Hôm nay bác sĩ đi khám nhiều không?”, “Bác sĩ vào miền Nam ăn uống có quen không”, “Mong dịch qua nhanh để các bác sĩ quân đội được về với gia đình”…
 |
Trong những tình huống cấp cứu, tổ quân y cơ động sẽ mang bình oxy đến nhà người bệnh. |
Trong câu chuyện với chúng tôi, Thượng sĩ Nguyễn Văn Thành, Trạm Y tế lưu động số 2 phường 7, quận Gò Vấp xúc động: “Chúng tôi rất tự hào khi được người dân tin tưởng, gọi bằng “bác sĩ quân y”. Chúng tôi động viên nhau phải luôn nỗ lực nâng cao về chuyên môn, chất lượng thăm khám, điều trị. Với tôi, đi là chuyến đi thực tế “vô giá” với những bài học không có trong sách vở và cảm nhận sâu sắc hơn tình quân dân. Đây sẽ là hành trang quý cho tôi trong chặng đường học tập, cũng như cương vị người thầy thuốc quân đội sau này”.
Còn với cô gái có vóc dáng nhỏ nhắn Thượng sĩ Đỗ Thu Nga, Trạm Y tế lưu động số 2, phường 6, quận Tân Bình, ấn tượng lớn nhất là khi vào tâm dịch, đối mặt nguy hiểm nhưng luôn giữ vững tâm thế, bản lĩnh bởi có tình cảm nồng ấm của cấp ủy, chính quyền và người dân nơi tổ quân y làm nhiệm vụ. Thu Nga nhớ lại: “Nhiều buổi đi khám và phát thuốc về trạm, chúng tôi thấy có các cô chú đứng ở cổng vẫy tay, tưởng có việc nhờ tư vấn y tế hóa ra cô chú gửi tặng cho chè, trái cây… để bác sĩ bộ đội nạp năng lượng. Chúng tôi thật sự xúc động trước sự quan tâm của người dân và quên hết mọi mệt nhọc, quyết tâm cố gắng hơn trong công việc”.
Cùng trạm với Thu Nga, Thượng sĩ Nguyễn Văn Tú bày tỏ: “Tôi nhớ những ngày đi xét nghiệm cách ly cho những người bệnh F0, lúc có kết quả âm tính, người bệnh nhảy lên vui mừng khiến bản thân tôi cũng thấy vui mừng theo. Người bệnh khỏe lại và hồi phục càng làm ý nghĩa hơn cho cuộc hành trình vào Nam của chúng tôi. Dịch bệnh đã khiến cuộc sống của người dân ở đô thị này bị đảo lộn quá nhiều. Tôi muốn đóng góp phần nhỏ bé để cùng thành phố sớm quay lại nhịp sống vốn có”.
 |
Thiếu tướng Nghiêm Đức Thuận, Phó chính ủy Học viện Quân y thăm, động viện tổ quân y cơ động tại trạm y tế lưu động số 5, quận 10. |
Là người con của TP Hồ Chí Minh, Trung úy, bác sĩ Lê Hoài Vĩnh, Trạm Y tế lưu động số 1 xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh nhấn mạnh: “Đối với bộ đội, đi đâu cũng là nhà. Khi được tình nguyện trở lại TP Hồ Chí Minh tham gia phòng chống dịch, được nghe, thấy, tiếp xúc trực tiếp ở địa bàn cơ sở mới thấy được sự vất vả của lực lượng y tế và đội ngũ tuyến đầu. Chúng tôi luôn động viên nhau đoàn kết, lấy người bệnh, sức khỏe, sự an toàn của người dân làm trung tâm trong mọi hoạt động để bảo đảm người dân được hỗ trợ y tế kịp thời”.
TP Hồ Chí Minh đang bước vào những ngày quyết định của công tác phòng, chống dịch Covid-19. Hình ảnh những chiến sĩ quân y ngày đêm thăm khám, động viên người bệnh, trao tặng các túi thuốc, hướng dẫn tận tình các F0 điều trị đúng cách tại nhà… đã để lại ấn tượng tốt đẹp, sâu sắc với cấp ủy, chính quyền, nhân dân. Mệnh lệnh chung từ trái tim của người thầy thuốc Học viện Quân y là cùng địa phương sớm kiểm soát được dịch.
Bài, ảnh: HÙNG KHOA - XUÂN CƯỜNG