“Đường không, người trong nhà”

Trên đường đến xã Quang Châu, chúng tôi thấy các trục đường hầu như không có người qua lại. Những “chốt cứng”, “chốt mềm” được dựng lên bằng nhiều loại phương tiện, vật liệu; dây rào cảnh báo nguy hiểm giăng dọc hai bên đường. Tại các chốt vào làng, vào ngõ đều có lực lượng trực 24/24 giờ. Đồng chí Nguyễn Kỳ Thỏa, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Quang Châu, cho biết: “Cả xã như đang trong thời chiến. Phương châm “vườn không, nhà trống” trong kháng chiến giờ chuyển thành “đường không, người trong nhà”. Tuy dịch Covid-19 đã giảm nhiều nhưng tinh thần cảnh giác chống dịch vẫn rất cao”.

Mô hình “mỗi làng xã là một pháo đài” trong các cuộc kháng chiến năm xưa đã được vận dụng ở xã Quang Châu để "chiến đấu với giặc Covid-19" trên cơ sở phương châm "4 tại chỗ” (nhân lực tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; nhiệm vụ tại chỗ; hậu cần tại chỗ). Từng người dân trong xã và công nhân thuê trọ phải tự cách ly trong nhà mình, trong phòng trọ để tránh lây nhiễm, phát tán virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, biện pháp này đã phát sinh một số khó khăn trong bảo đảm lương thực, thực phẩm, thu hoạch rau, lúa và hoa màu, cũng như truy vết, lấy mẫu xét nghiệm... Quang Châu đã giải bài toán khó này bằng việc phát huy cao độ nhân lực, vật lực, phương tiện tại chỗ.

 Đoàn thanh niên xã Quang Châu làm thủ tục đưa các gia đình công nhân tạm rời nơi ở trọ, trở về địa phương. 

Trên đoạn đường liên xã qua thôn Tam Tầng, có 28 gia đình thì 26 hộ có người nhiễm Covid-19. Những tổ Covid-19 cộng đồng đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để lấy thông tin, chuyển thực phẩm, thậm chí còn giúp các gia đình thu hoạch lúa, hoa màu... Thành viên trong những tổ Covid-19 cộng đồng chính là người dân địa phương, do cán bộ, đảng viên, hội viên phụ nữ, đoàn thanh niên trong thôn làm nòng cốt. Bà Nguyễn Thị Lại, Bí thư Chi bộ thôn Tam Tầng kể: "Tổ Covid-19 cộng đồng lĩnh nhu yếu phẩm, thực phẩm do các nhà hảo tâm hỗ trợ và mang tới tận cửa từng gia đình, từng nhà trọ công nhân trong thôn. Mọi thông tin cần thiết được thông báo trên loa truyền thanh hoặc được các thành viên tổ này in, viết ra giấy để ở cổng từng nhà. Trong điều kiện thực hiện cách ly theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, việc thu hoạch lúa mùa được các tổ Covid-19 cộng đồng giám sát, lên lịch máy gặt và thông báo cho các hộ dân đến lấy thóc về phơi tại nhà theo thứ tự nên rất thuận lợi, bảo đảm phòng dịch...".

Ông Đỗ Ngọc Mong, Bí thư Đảng ủy xã Quang Châu cho hay, hiện nay, xã có 8 thôn, mỗi thôn là một “làng chiến đấu”. Khi dịch Covid-19 bùng phát, với phương châm “4 tại chỗ”, các thôn đã tự bảo đảm duy trì sản xuất, sinh hoạt trong khoảng cách được kiểm soát an toàn...

Đầu tàu gương mẫu

Nhà Bí thư Đảng ủy Đỗ Ngọc Mong cách trụ sở UBND xã Quang Châu chỉ hơn 6km, nhưng 33 ngày qua, ông bám trụ địa bàn, không về nhà. Ông không về một phần là phòng dịch cho gia đình, nhưng nguyên do chính là phải bám nắm địa bàn, tập trung chỉ đạo công tác dập dịch. 80% cán bộ, nhân viên xã Quang Châu cũng ở lại trụ sở để làm nhiệm vụ. Trên cương vị “tổng chỉ huy” các “làng chiến đấu”, Bí thư Mong cùng các đồng chí lãnh đạo xã trực tiếp điều hành các tổ, các ban, các bộ phận xử lý công việc. Những cuộc họp lúc nửa đêm, thần tốc di chuyển hàng nghìn công nhân, giải quyết những bức xúc trong nhân dân... Bí thư Mong là người đi đầu tiên. Cách đây hơn hai tuần, tại thôn Núi Hiểu có cụ ông 83 tuổi từ trần do tuổi cao sức yếu, Bí thư Mong trực tiếp xuống thăm hỏi, phúng viếng, hỗ trợ, động viên gia đình không tổ chức tang lễ theo phong tục truyền thống mà tiến hành hỏa táng, không tập trung đông người để phòng dịch.

63 tuổi đời, gần 40 năm tuổi Đảng, trên cương vị bí thư chi bộ, bà Nguyễn Thị Lại cùng cấp ủy bàn bạc, đưa ra nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo được nhân dân đồng tình ủng hộ. Trong cuốn sổ công tác, Bí thư chi bộ Nguyễn Thị Lại ghi chép đầy đủ kết quả vận động các gia đình miễn, giảm tiền thuê phòng trọ cho công nhân. Nhận được các mặt hàng nhu yếu phẩm, bà hướng dẫn và cùng các tổ Covid-19 cộng đồng mang tới từng phòng trọ và những gia đình có hoàn cảnh neo đơn.

Rồi anh Nguyễn Văn Công, Bí thư Đoàn thanh niên xã Quang Châu, luôn xung kích đi đầu trong các nhiệm vụ. Anh đứng ra kêu gọi và thành lập các đội tình nguyện ngay tại các thôn. Hằng ngày, theo sự điều phối của anh Công qua nhóm zalo, các thôn sẽ xoay vòng nhận hàng nhu yếu phẩm tại chốt kiểm soát, nhà văn hóa thôn hoặc trụ sở UBND xã tùy theo tình hình, sau đó rà soát, phân loại, đưa đi hỗ trợ các gia đình và các công nhân ở trọ. Không kể ngày đêm, gần hai vạn công nhân thuê trọ trên địa bàn đều được bảo đảm nhu yếu phẩm thiết yếu. Anh Công còn đưa ra sáng kiến thành lập các tổ tuyên truyền lưu động ở các thôn, sử dụng xe máy chở theo loa để tuyên truyền phòng, chống dịch đến từng hộ dân. Anh cũng tham gia bàn giao các trường hợp F1 đi cách ly tập trung; hỗ trợ các đoàn y, bác sĩ lấy mẫu xét nghiệm; tổ chức bàn giao công nhân về các địa phương. Bí thư đoàn Nguyễn Văn Công có vợ và hai con nhỏ nhưng suốt 33 ngày qua anh chưa về thăm gia đình, dù nhà chỉ cách trụ sở ủy ban chừng 2km.

“Làng chiến đấu chống giặc Covid-19” ở xã Quang Châu bước đầu cho thấy đã phát huy hiệu quả và giữ vai trò rất quan trọng của những “làng chiến đấu” ấy là người đứng đầu, cán bộ, đảng viên luôn tiên phong gương mẫu.

Bài và ảnh: CHÍ HÒA - MẠNH THẮNG - HUY HIẾU