Tại cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, hai bên bày tỏ vui mừng cuộc gặp diễn ra đúng vào dịp Việt Nam và Mỹ kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Marco Rubio đã điểm lại những bước tiến trong quan hệ hai nước, khẳng định quan hệ hai nước đã đạt được những tiến triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực trong 30 năm qua, khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ngày càng thực chất và hiệu quả.
 |
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp Bộ trưởng Ngoại giao Algeria Ahmed Attaf. Ảnh: TTXVN |
Hai Bộ trưởng cũng thảo luận về các biện pháp nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hai nước, trong đó thúc đẩy các chuyến thăm và tiếp xúc ở các cấp, nhất là cấp cao; triển khai các thỏa thuận cấp cao và thực hiện hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương hiện có; nhất trí tích cực phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm 30 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Hai bên cũng trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Mỹ tiếp tục đóng vai trò tích cực, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển tại khu vực. Ngoại trưởng Mỹ khẳng định nước này ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện ASEAN - Mỹ. Hai bên cũng trao đổi về vấn đề Biển Đông và nhất trí về tầm quan trọng của hòa bình, an ninh, ổn định, tự do hàng hải - hàng không ở khu vực này, giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
 |
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp Bộ trưởng Ngoại giao Australia Penny Wong. |
Tại cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Algeria Ahmed Attaf, hai nhà lãnh đạo thống nhất tăng cường hợp tác song phương trong các lĩnh vực truyền thống như dầu khí, thương mại, nông nghiệp, cũng như mở rộng sang các lĩnh vực mới như công nghiệp Halal và dược phẩm.
Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Australia Penny Wong, hai bên đánh giá cao sự phát triển thực chất của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực lao động, giáo dục, năng lượng sạch, chuyển đổi số và xanh.
Gặp Ngoại trưởng Nhật Bản Iwaya Takeshi, hai bên bày tỏ vui mừng trước việc quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước tiếp tục phát triển tích cực, ngày càng thực chất và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, từ đó củng cố tin cậy chính trị, hợp tác thương mại - đầu tư duy trì đà tăng trưởng tốt.
Tại cuộc gặp với Ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassis, hai bên đánh giá cao những tiến triển tích cực trong quan hệ song phương, thể hiện qua trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao thời gian qua, đặc biệt là cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Karin Keller-Sutter bên lề WEF Davos 2025.
*Theo thông cáo chung được ban hành sau khi kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 58 tại Kuala Lumpur, các bộ trưởng mong muốn tầm nhìn này được thực hiện đầy đủ và hiệu quả, đóng vai trò là nền tảng trong việc thúc đẩy các nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Tuyên bố nêu rõ: "Chúng tôi tái khẳng định cam kết duy trì một cấu trúc khu vực lấy ASEAN làm trung tâm, cởi mở, bao trùm, minh bạch và dựa trên luật lệ, tôn trọng luật pháp quốc tế, đồng thời tăng cường sự tham gia và hợp tác cùng có lợi với các đối tác bên ngoài trong 4 lĩnh vực ưu tiên của Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt".
Tuyên bố cũng ghi nhận sự kỳ vọng về kết quả của các Đánh giá cuối kỳ đối với Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC) 2025, Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) 2025, Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) 2025 và Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC) 2025, với mục tiêu lồng ghép các bài học kinh nghiệm vào định hướng tương lai của Cộng đồng ASEAN.
Trong việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực, khối ASEAN tái khẳng định cam kết chung về giải quyết hòa bình các tranh chấp, bao gồm tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế như Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Hội nghị cũng tái khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường năng lực thể chế và sự phối hợp giữa các cơ quan của ASEAN, đồng thời nhắc lại Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN và các khuyến nghị kèm theo về việc tăng cường năng lực và hiệu quả thể chế của ASEAN.
Hội nghị cũng ghi nhận những nỗ lực của các cơ quan chuyên ngành ASEAN, đồng thời hoan nghênh các sáng kiến hỗ trợ tính bền vững và tiến bộ lâu dài của khu vực, hoan nghênh công việc đang được các cơ quan này triển khai để xây dựng và điều chỉnh Kế hoạch công tác nhằm hỗ trợ hiện thực hóa tầm nhìn "ASEAN 2045: Tương lai chung của chúng ta".
Ngoài ra, khối hoan nghênh việc phát triển Sáng kiến Bổ sung 2.0, được xây dựng dựa trên Sáng kiến bổ sung năm 2017, với trọng tâm mới là giải quyết các thách thức phát triển bền vững đang nổi lên theo tinh thần của "ASEAN 2045: Tương lai chung của chúng ta" và Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững.
*Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Datuk Seri Mohamad Hasan khẳng định việc tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58 (AMM-58) và các hội nghị liên quan là biểu hiện rõ nét Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được tôn trọng và tiếp tục nhận được sự tin tưởng của các cường quốc trên thế giới. ASEAN cũng ngày càng được công nhận là một khu vực hòa bình với nền kinh tế mạnh mẽ và đang phát triển.
TTXVN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.