Qua đó, nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ toàn quân được nâng lên, hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ chống “giặc covid-19”.
Bài 1: Quán triệt sâu sắc, chỉ đạo sát sao
Khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, ngay từ rất sớm, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã xác định đây là một loại “kẻ thù vô hình” và tập trung sức lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quán triệt sâu sắc đến cán bộ, chiến sĩ tinh thần “chống dịch như chống giặc”; coi đây là nhiệm vụ chiến đấu của quân đội trong thời bình.
Trên cơ sở đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo xác định rõ vai trò đặc biệt quan trọng của công tác tư tưởng và hiệu quả hoạt động CTĐ, CTCT trong thực hiện PCD Covid-19. Nói như vậy để thấy, ngay lần đầu đối mặt với Covid-19-đại dịch chưa từng có trong lịch sử nhân loại, Quân đội ta nói chung, hoạt động CTĐ, CTCT trong quân đội nói riêng đã chủ động đề ra các chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, ứng phó kịp thời, hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch.
 |
Lữ đoàn 434 (Quân đoàn 4) xuất quân hỗ trợ địa phương chống dịch. Ảnh: QUANG VINH
|
Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết CTĐ, CTCT trong PCD Covid-19 toàn quân (tháng 3-2021), Thượng tướng Đỗ Căn, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cho rằng, để có được kết quả đó, Tổng cục Chính trị đã sớm tham mưu với Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng ban hành các chỉ thị, kết luận về việc tăng cường công tác PCD Covid-19 trong quân đội. Kịp thời xây dựng, triển khai các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn CTĐ, CTCT trong PCD, nhất là trong diễn tập PCD và ở từng giai đoạn diễn biến của dịch. Trên cơ sở đó, chất lượng hoạt động CTĐ, CTCT được khẳng định bằng hiệu quả thực hiện nhiệm vụ PCD tại đơn vị và tham gia hỗ trợ các địa phương; kịp thời định hướng, dẫn dắt các lực lượng xung kích thực hiện nhiệm vụ nơi tuyến đầu, sẵn sàng đối diện với vất vả, hy sinh, nguy cơ nhiễm bệnh bằng bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí kiên cường và tuyệt đối không có các biểu hiện hoang mang, dao động.
Khảo sát tại một số đơn vị trực thuộc Quân khu 2, Quân khu 7, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Tổng cục Hậu cần, Bộ đội Biên phòng, Quân đoàn 2, Quân đoàn 4... cho thấy: 100% cấp ủy, tổ chức đảng đều xây dựng, ban hành nghị quyết chuyên đề lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ PCD. Căn cứ vào diễn biến dịch, các tổ chức đảng thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát, đúng, hiệu quả. Các cấp ủy phân công cấp ủy viên, đảng viên phụ trách đúng năng lực, sở trường đối với từng lĩnh vực, phần việc cụ thể; lãnh đạo tổ chức triển khai cụ thể, kết hợp với kiểm tra, giám sát chặt chẽ, nghiêm túc cả về tiến độ và chất lượng thực hiện. Hệ thống cơ quan chính trị các cấp, đội ngũ cán bộ chính trị đề cao trách nhiệm, bám sát thực tiễn, chủ động nghiên cứu, kịp thời tham mưu, đề xuất xây dựng kế hoạch CTĐ, CTCT và chỉ đạo, hướng dẫn tiến hành CTĐ, CTCT trong PCD với nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, sát thực tiễn cơ sở. Đại tá Lê Anh Tuấn, Phó tư lệnh Quân đoàn 4 cho biết: “Quân đoàn 4 đã khẩn trương kiện toàn ban chỉ đạo PCD; xác định rõ mục tiêu, nội dung, triển khai toàn diện, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp hoạt động CTĐ, CTCT trong PCD; kịp thời nắm bắt, giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; nhất là ở các đơn vị đóng quân trên địa bàn tâm dịch, góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCD".
Trên địa bàn Quân khu 7, nhất là TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... dịch bệnh diễn biến phức tạp, cán bộ, chiến sĩ quân đội đã thể hiện rõ vai trò nòng cốt trên tuyến đầu PCD Covid-19. Cán bộ, chiến sĩ toàn quân khu xác định rõ quyết tâm PCD là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng trước yêu cầu mới. Thiếu tướng Đỗ Văn Bảnh, Phó chính ủy Quân khu 7 cho rằng: Khi tiến hành CTĐ, CTCT trong nhiệm vụ đặc thù này là đã phát huy cao độ sự vào cuộc của cả hệ thống lãnh đạo, chỉ huy và mọi tổ chức đoàn thể; cả cán bộ chủ trì, chủ chốt và đảng viên, quần chúng; cả cán bộ chính trị, quân sự, hậu cần, kỹ thuật... Ngành nào, lĩnh vực gì cũng coi trọng tiến hành các mặt, phần việc lĩnh vực của hoạt động CTĐ, CTCT; từng cá nhân cũng biết cách làm công tác tư tưởng cho mình, động viên đồng chí, đồng đội khắc phục khó khăn, can trường “tiến công” dịch và tuyên truyền, vận động nhân dân. “Có nghĩa là không có bất kỳ cán bộ, chiến sĩ nào đứng ngoài cuộc, mà chung sức, đồng lòng hiện thực hóa kế hoạch CTĐ, CTCT ở mỗi cấp một cách hiệu quả nhất”, Thiếu tướng Đỗ Văn Bảnh, khẳng định.
 |
Bộ CHQS tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xuất quân giúp địa phương chống dịch. Ảnh: KIM LOAN |
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo không chỉ xuyên suốt, bao trùm toàn bộ hoạt động CTĐ, CTCT trong PCD, mà còn thể hiện rõ ở việc định hướng, hướng dẫn cụ thể đối với từng nhiệm vụ, ví như: Làm công tác tư tưởng như thế nào, tổ chức phong trào thi đua, việc khen-chê ra sao; phương pháp mở các chiến dịch cao điểm giúp dân vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19; kinh nghiệm và các bước tiến hành công tác vận động quần chúng; thực hiện công tác chính sách, hậu phương quân đội và các mặt công tác khác. Hay nói cách khác là những quan điểm, chỉ đạo về hoạt động CTĐ, CTCT của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị thực sự bắt kịp, thậm chí "đi trước, đón đầu" so với diễn biến mau lẹ của tình hình dịch, kịp thời chỉ đạo, vận hành với tinh thần chủ động, trong đó, nhiều quan điểm, chủ trương thể hiện rõ tầm nhìn và tính dự báo chiến lược, dẫn lối cho mọi hoạt động PCD của cán bộ, chiến sĩ... Chính nhờ đó mà chất lượng hoạt động CTĐ, CTCT trong thực hiện từng nhiệm vụ, từng thời điểm PCD Covid-19 được khẳng định và thể hiện rõ trong việc gắn kết chặt chẽ tất cả các khâu, các bước, các lĩnh vực của hoạt động quân sự và thực hiện nhiệm vụ PCD; kịp thời định hướng chính trị, nhận thức và dẫn dắt các lực lượng xung kích thực hiện nhiệm vụ nơi tuyến đầu; phát huy mạnh mẽ tinh thần cống hiến, hy sinh vì nước, vì dân của Bộ đội Cụ Hồ.
“Huy động sức mạnh của toàn bộ lực lượng vũ trang, bao gồm: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên làm nòng cốt, đi đầu trong PCD. Lực lượng Bộ đội Biên phòng phối hợp với các cơ quan chức năng, làm tốt nhiệm vụ kiểm soát xuất nhập cảnh, kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở...; ngăn chặn kịp thời dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam” (Trích Chỉ thị số 260-CT/QUTW, ngày 19-3-2020 của Thường vụ Quân ủy Trung ương). |
(còn nữa)
Nhóm PV Báo QĐND