Đó là Thượng tá, bác sĩ chuyên khoa II Hoàng Đức Hậu (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, điều trị kỹ thuật cao, Viện Y sinh nhiệt đới) và Thạc sĩ, bác sĩ nội trú Dương Văn Nghĩa (Phòng Độc học).
Do yêu cầu nhiệm vụ, ngay khi vào TP Hồ Chí Minh, chúng tôi phải đến TTNĐ Việt-Nga để xét nghiệm SAR-CoV-2. Một bác sĩ nam trực tiếp lấy mẫu và một bác sĩ trả kết quả cho chúng tôi. Sau khi nhận giấy chứng nhận xét nghiệm, chúng tôi được lãnh đạo TTNĐ Việt-Nga ở phía Nam giới thiệu đó là Thượng tá, bác sĩ Hoàng Đức Hậu và bác sĩ Dương Văn Nghĩa. Hai anh đều mới hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ PCD ở Bắc Giang, nay lại tiếp tục xung phong vào phía Nam để “chia lửa” cùng đồng đội, mặc dù họ mới kết thúc đợt cách ly tập trung chỉ vài ngày.
Thượng tá Hoàng Đức Hậu vào trước khảo sát và làm công tác chuẩn bị để có thể triển khai xe labo xét nghiệm được ngay. Còn bác sĩ Nghĩa chưa ấm hơi bên người vợ trẻ và đứa con thơ đã lại lên đường ngay sau đó. Vợ Nghĩa là bác sĩ quân y nên cũng thấu hiểu công việc của chồng và luôn động viên chia sẻ để anh yên tâm công tác, sớm về với gia đình khi dịch bệnh được đẩy lùi.
 |
Thượng tá, bác sĩ Hoàng Đức Hậu (bên trái) và bác sĩ Dương Văn Nghĩa trao đổi công việc hằng ngày.
|
Trò chuyện với các anh, chúng tôi được biết, mặc dù đã có kinh nghiệm khi làm việc tại Bắc Giang, song khi công tác ở TP Hồ Chí Minh, đã cho thấy sự khác biệt giữa hai địa bàn. Đó là quy trình nhận mẫu xét nghiệm trên hệ thống điện tử diễn ra rất sớm, xong thực tế chuyển về trung tâm có thể bất cứ lúc nào trong ngày, vì phụ thuộc vào việc phân phối mẫu của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hồ Chí Minh. Địa bàn phức tạp, các bác sĩ chịu nhiều áp lực lớn, trung bình mỗi ngày phải mặc đồ bảo hộ từ tầm 8-12 giờ. Do vậy, đòi hỏi chỉ huy phải phân công các kíp trực làm việc rất khoa học mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Theo bác sĩ Dương Văn Nghĩa, do tính chất nhiệm vụ đòi hỏi phải nhanh nhạy, chính xác, làm việc ở cường độ cao, nên Thượng tá Hoàng Đức Hậu thường xuyên hướng dẫn, nhắc nhở, động viên chúng tôi phải tập trung cao độ cho công việc. Bên cạnh đó, cán bộ, kỹ thuật viên làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao đều phải bảo đảm 100% quy định về phòng, chống dịch.
Còn Thượng tá Hoàng Đức Hậu chia sẻ: “Công việc hàng ngày của chúng tôi diễn ra từ 6 giờ sáng hôm trước cho đến 4 giờ sáng ngày hôm sau, chia làm hai kíp trực ngày và đêm. Thông thường kíp trực ban ngày sẽ hỗ trợ thêm cho kíp trực ban đêm nhằm bảo đảm tiến độ và sức khỏe cho anh, chị em. Các quy trình nhận mẫu, xử lý mẫu, tách triết, chuẩn bị sinh phẩm, phân tích PCR được thực hiện rất nghiêm ngặt, trung bình mất từ 3 đến 4 giờ sẽ có kết quả, thời gian phần lớn phụ thuộc vào khâu nhận và kiểm tra mẫu. Các mẫu dương tính sẽ được báo cáo ngay để kịp thời xử lý".
Quá trình làm việc cùng đồng đội, Trung tá, Tiến sĩ Lương Thị Mơ, Trưởng phòng nghiên cứu y sinh nhiệt đới, cho biết: “Bác sĩ Hậu thì có nhiều năm công tác nên rất giỏi chuyên môn và có kinh nghiệm. Còn Nghĩa là bác sĩ trẻ nhanh nhẹn, phong cách làm việc chặt chẽ, khoa học. Hai đồng chí thực sự là một cặp đôi rất hoàn hảo, hỗ trợ nhau trong công tác”.
Mặc dù, phải làm việc với cường độ cao, thời gian dài, song với sự nỗ lực hết mình, cùng tinh thần nhiệt huyết như Thượng tá, bác sĩ Hoàng Đức Hậu, bác sĩ Dương Văn Nghĩa, tập thể cán bộ, bác sĩ, kỹ thuật viên TTNĐ Việt-Nga quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần cùng địa phương đẩy lùi dịch bệnh.
Bài và ảnh: ĐĂNG DUY