Lương quân đội, công an chưa tương xứng với sự cống hiến

Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về tiền lương đối với LLVT được thể hiện ở Tờ trình của Chính phủ báo cáo trước Quốc hội khóa XI (năm 2004) trong Đề án cải cách tiền lương lúc đó: “Tiền lương và phụ cấp của LLVT phải phản ánh được mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, nhiệm vụ, trách nhiệm, cống hiến của LLVT là “một ngành lao động đặc biệt”, vì vậy có bảng lương riêng và giữ mức ưu đãi so với cán bộ, công chức như hiện nay". Quốc hội lúc bấy giờ nhất trí cao với đề án này và đề án đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều nội dung trong đề án nói trên đã lạc hậu. Tiền lương và thu nhập thực tế của LLVT không tương xứng với “một ngành lao động đặc biệt” nữa.

Theo kết quả giám sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, từ năm 2004 đến nay, CSTL đối với sĩ quan quân đội, công an mặc dù có nhiều sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn bộc lộ không ít hạn chế, bất cập. Mức phụ cấp lãnh đạo thấp, chưa thể hiện rõ sự đãi ngộ tương xứng với mức độ trách nhiệm của sĩ quan lãnh đạo, chỉ huy ở từng cấp. Bất cập lớn nhất trong CSTL đối với quân đội, công an là việc lấy quân hàm làm căn cứ chủ yếu để xác định lương và chế độ, chính sách cho sĩ quan, người hưởng lương. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm cho cơ cấu đội ngũ sĩ quan mất cân đối và mâu thuẫn giữa trách nhiệm và quyền lợi của sĩ quan.

Theo khảo sát của chúng tôi, trong 15 năm qua, tiền lương sĩ quan quân đội, công an được điều chỉnh không tương ứng với mức tăng giá sinh hoạt và mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, kém xa mức tăng tiền lương của người lao động trong các doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với đội ngũ sĩ quan quân đội cấp cơ sở luôn gắn liền với hoạt động của bộ đội phải ăn theo định lượng, nhưng không được hưởng bù chế độ chênh lệch định lượng, mà ăn theo mức nào thì phải nộp đủ tiền ăn theo mức đó. Vì vậy, khi tiền ăn của bộ đội tăng thì tiền ăn sĩ quan phải nộp chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tiền lương, không còn bảo đảm các khoản chi cho nhu cầu khác của bản thân và gia đình.

Sẽ trả lương cán bộ quân đội, công an theo chức vụ

Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách CSTL xác định sẽ xây dựng 3 bảng lương đối với LLVT, gồm: Một bảng lương sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm); một bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an và một bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an (trong đó giữ tương quan tiền lương của LLVT so với công chức hành chính như hiện nay).

Việc thiết kế 3 bảng lương của LLVT là đột phá về CSTL đối với LLVT, về cơ bản sẽ giải quyết được những bất cập trong CSTL hiện nay đối với lực lượng này. Trong đó lương của sĩ quan quân đội và công an chủ yếu trả theo chức vụ, chức danh, vị trí công tác.

 Thực tiễn thực hiện CSTL ở nước ta, việc quy định cơ cấu tiền lương sĩ quan quân đội đã có thời gian dài trả theo chức vụ, cấp bậc chỉ được coi là phụ cấp (quy định tại Nghị định số 229-TTg, ngày 13-6-1958 của Thủ tướng Chính phủ). Pháp luật của một số nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga… hiện cũng quy định cơ cấu lương sĩ quan quân đội gồm lương chức vụ, lương quân hàm và các khoản phụ cấp khác. Trong đó, lương theo chức vụ chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu tiền lương sĩ quan.

Mấy năm trước, khi xây dựng dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng ta cũng đã đưa vào luật nội dung trả lương theo chức vụ đối với sĩ quan quân đội và công an. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2014 quy định: “Bảng lương của sĩ quan được tính theo chức vụ, chức danh đảm nhiệm và cấp bậc quân hàm phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của quân đội là ngành lao động đặc biệt; phụ cấp thâm niên được tính theo mức lương hiện hưởng và thời gian phục vụ tại ngũ. Sĩ quan được hưởng phụ cấp, trợ cấp như đối với cán bộ, công chức có cùng điều kiện làm việc và phụ cấp, trợ cấp có tính chất đặc thù quân sự”. 

Tuy nhiên, trên thực tế, do nhiều nguyên nhân, quy định trên chưa thực hiện được. Dự kiến đến năm 2021, thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, việc trả lương sĩ quan quân đội theo chức vụ mới trở thành hiện thực.

Quân đội và công an vẫn hưởng phụ cấp thâm niên, phụ cấp đặc thù

Một trong những điểm mới quan trọng của chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW đối với cán bộ, công chức, viên chức, LLVT là sẽ sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành, bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương. Tiếp tục áp dụng phụ cấp kiêm nhiệm; phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp khu vực; phụ cấp trách nhiệm công việc; phụ cấp lưu động; phụ cấp phục vụ an ninh, quốc phòng và phụ cấp đặc thù đối với LLVT (quân đội, công an).

Gộp phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp độc hại, nguy hiểm (gọi chung là phụ cấp theo nghề) áp dụng đối với công chức, viên chức của những nghề, công việc có yếu tố điều kiện lao động cao hơn bình thường và có chính sách ưu đãi phù hợp của Nhà nước (giáo dục và đào tạo, y tế, tòa án, kiểm sát, thi hành án dân sự, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, hải quan, kiểm lâm, quản lý thị trường...). Gộp phụ cấp đặc biệt, phụ cấp thu hút và trợ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn thành phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn.

Chế độ tiền lương mới theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW sẽ bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề. Riêng đối với LLVT (quân đội, công an) và lực lượng cơ yếu vẫn duy trì phụ cấp thâm niên để động viên, khuyến khích cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật nghiệp vụ yên tâm công tác, phục vụ lâu dài trong quân đội, công an, ngành cơ yếu.

Nghị quyết số 27-NQ/TW cũng yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị trực tiếp xây dựng và hoàn thiện danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc, xác định cơ cấu công chức, viên chức, cấp bậc hàm sĩ quan; xác định khung năng lực theo từng vị trí việc làm và tinh giản biên chế theo các nghị quyết của Đảng và quy định của Nhà nước đã được ban hành. Trên cơ sở đó, thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và LLVT để thực hiện trả lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo từ năm 2021.

ĐỖ PHÚ THỌ