Bài 1: Khắc phục những bất cập về tiền lương
Chính sách tiền lương (CSTL) là một trong những chính sách quan trọng của tất cả các quốc gia. Trong lịch sử hình thành và xây dựng Nhà nước Việt Nam hiện đại, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến lĩnh vực này và đã nhiều lần cải cách CSTL. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà CSTL của chúng ta vẫn nảy sinh những vấn đề bất cập.
Nhiều lần cải cách tiền lương
Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, từ sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (năm 1945) đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 lần cải cách CSTL. Lần đầu tiên vào năm 1960, sau khi hoàn thành cải tạo kinh tế xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Đến năm 1985, thực hiện cải cách tiền lương lần thứ hai-“cải cách giá-lương-tiền”, mở đầu cho thời kỳ đổi mới. Năm 1993 là lần thứ ba thực hiện cải cách tiền lương, đặt nền móng cho sự hình thành tiền lương theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện cho sự phát triển thị trường lao động; tách chế độ tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước với tiền lương của NLĐ trong các doanh nghiệp; tách dần CSTL với chính sách bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công.
 |
Ảnh minh họa/baochinhphu.vn. |
Năm 2003, tiền lương được cải cách lần thứ tư theo tinh thần của Hội nghị Trung ương 8, khóa IX về cải cách CSTL, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công. Theo đó, tiền lương của cán bộ, công chức, cán bộ trong LLVT được tính theo mức lương tối thiểu (sau này gọi là mức lương cơ sở). Mức lương cơ sở này được xem xét tăng khi có biến động về giá cả và điều kiện kinh tế của đất nước. Trong khu vực doanh nghiệp, CSTL được xây dựng theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Nhà nước quy định mức lương tối thiểu theo vùng.
Tính từ tháng 12-1993 đến nay, mức lương cơ sở đã điều chỉnh 15 lần, từ 120.000 đồng lên 1,39 triệu đồng/tháng, tăng 11,58 lần. Trong khi đó, lương tối thiểu vùng đối với khu vực doanh nghiệp cũng được điều chỉnh tăng; từ ngày 1-1-2018, mức lương tối thiểu từ 2,76 đến 3,98 triệu đồng/tháng tùy theo địa bàn.
Những bất cập trong chính sách tiền lương hiện hành
Tuy đã nhiều lần cải cách, nhưng CSTL hiện hành của chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Nghị quyết số 27-NQ/TW chỉ rõ: “Chính sách tiền lương trong khu vực công còn phức tạp, thiết kế hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; còn mang nặng tính bình quân, không bảo đảm được cuộc sống, chưa phát huy được nhân tài, chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động. Quy định mức lương cơ sở nhân với hệ số không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương. Có quá nhiều loại phụ cấp, nhiều khoản thu nhập ngoài lương do nhiều cơ quan, nhiều cấp quyết định bằng các văn bản quy định khác nhau làm phát sinh những bất hợp lý, không thể hiện rõ thứ bậc hành chính trong hoạt động công vụ. Chưa phát huy được quyền, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc đánh giá và trả lương, thưởng, gắn với năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả công tác của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động”.
Trước những hạn chế, bất cập về CSTL, để có cơ sở xây dựng Đề án cải cách CSTL trình Hội nghị Trung ương 7, ngay từ tháng 1-2017, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách CSTL, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công (BCĐ) do Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm Trưởng BCĐ. Trong hơn một năm, BCĐ đã tổ chức nhiều cuộc họp, tập trung đi khảo sát việc thực hiện CSTL tại nhiều cơ quan, như: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, làm việc với một số địa phương, đồng thời chỉ đạo một số bộ, ngành tham khảo kinh nghiệm quốc tế về CSTL của một số quốc gia trên thế giới để xây dựng Đề án cải cách CSTL, trình Hội nghị Trung ương 7 thảo luận, quyết định.
Xây dựng hệ thống tiền lương mới
Tại Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã xem xét kỹ lưỡng Đề án cải cách CSTL và nhất trí ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW, trong đó xác định rõ nội dung cải cách CSTL theo hai khu vực là khu vực công và khu vực doanh nghiệp.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức và LLVT (khu vực công) sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay. Xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới, việc thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp). Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng. Mức lương chức vụ phải thể hiện thứ bậc trong hệ thống chính trị; giữ chức vụ lãnh đạo nào thì hưởng lương theo chức vụ đó, nếu một người giữ nhiều chức vụ thì hưởng một mức lương chức vụ cao nhất; giữ chức vụ lãnh đạo tương đương nhau thì hưởng mức lương chức vụ như nhau; mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp trên phải cao hơn mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp dưới.
Xây dựng bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo; mỗi ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức có nhiều bậc lương theo nguyên tắc: Cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau; điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thì thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề; sắp xếp lại nhóm ngạch và số bậc trong các ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, khuyến khích công chức, viên chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Việc bổ nhiệm vào ngạch công chức hoặc chức danh nghề nghiệp viên chức phải gắn với vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức do cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức, viên chức thực hiện.
Xây dựng 3 bảng lương đối với LLVT, gồm: Một bảng lương sĩ quan quân đội; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm hoặc cấp hàm); một bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an và một bảng lương công nhân quốc phòng, công nhân công an.
Đối với NLĐ trong doanh nghiệp, sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách về tiền lương tối thiểu vùng theo tháng; bổ sung quy định mức lương tối thiểu vùng theo giờ nhằm nâng cao độ bao phủ của tiền lương tối thiểu và đáp ứng tính linh hoạt của thị trường lao động. Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình người hưởng lương, đặt trong mối quan hệ với các yếu tố của thị trường lao động và phát triển kinh tế-xã hội (cung-cầu lao động, tốc độ tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng, năng suất lao động, việc làm, thất nghiệp, khả năng chi trả của doanh nghiệp...). Các doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) được tự quyết định CSTL (trong đó có thang, bảng lương, định mức lao động) và trả lương không thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước công bố và trên cơ sở thỏa ước lao động tập thể phù hợp với tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, khả năng của doanh nghiệp và công khai tại nơi làm việc.
(còn nữa)
ĐỖ PHÚ THỌ