Người từng đoạt giải Sophie của Na Uy trị giá 100.000 USD vinh danh các cá nhân có đóng góp đặc biệt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường như Bill McKibben có thừa lý do để đưa ra lời kêu gọi nghe có vẻ “đao to búa lớn” như vậy. Bởi các cảnh báo, được đưa ra từ những nghiên cứu khoa học về tác động của biến đổi khí hậu, không hề “đao to búa lớn” chút nào khi nó dựa trên những gì đang diễn ra trong thực tiễn. Năm 2018, Ủy ban Liên chính phủ Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (IPCC) công bố một báo cáo đặc biệt, tổng hợp khoảng 6.000 nghiên cứu, với 91 tác giả từ 40 quốc gia và 133 người đóng góp, cùng hơn 42.000 bình luận của các nhà khoa học. Báo cáo trình bày chi tiết về những hậu quả và tác động của biến đổi khí hậu tại một hội nghị ở Incheon, Hàn Quốc, trong đó cảnh báo rằng, loài người và tất cả sinh vật trên Trái Đất đang đương đầu với mối đe dọa diệt vong lớn và trầm trọng nhất, chưa từng có trong lịch sử loài người. Đây được cho là một báo cáo đáng báo động nhất kể từ khi giới khoa học bắt đầu nghiên cứu về hiện tượng biến đổi khí hậu và những tác động của nó đối với Trái Đất.

Greta Thunberg và tấm biển đề dòng chữ “Bãi khóa vì khí hậu” bằng tiếng Thụy Điển. Ảnh: The Guardian.

Không phải ngẫu nhiên Ngày Trái Đất (22-4) năm nay có chủ đề “Bảo vệ các giống loài”. Theo báo cáo của Liên đoàn Bảo tồn thế giới (IUCN), đã có 953 loài biến mất trong tự nhiên kể từ đầu thế kỷ 16. Thông thường, mỗi năm Trái Đất sẽ chứng kiến từ 1 đến 5 loài tuyệt chủng. Tuy nhiên, các nhà khoa học ước tính tốc độ biến mất của các loài đã tăng gấp nhiều lần so với tốc độ bình thường này.

Ở nước Anh, phong trào “Extinction Rebellion” (nổi dậy chống lại sự tuyệt chủng) đang diễn ra rầm rộ suốt hơn tuần qua tại thủ đô London. Các nhà hoạt động chống biến đổi khí hậu ở Anh tuyên bố chỉ dừng biểu tình chừng nào chính phủ chịu ngồi vào bàn đàm phán và thảo luận về các yêu cầu để “cứu Trái Đất” trước thảm họa biến đổi khí hậu. Còn ở Italy, được truyền cảm hứng từ phong trào “Thứ Sáu vì tương lai” khởi phát bởi biểu tượng chống biến đổi khí hậu Greta Thunberg-cô gái trẻ người Thụy Điển 16 tuổi, học sinh, sinh viên nước này cũng tham gia tuần hành vì môi trường, kêu gọi bảo vệ Trái Đất. Tại Đức, Tây Ban Nha cũng xuất hiện các hoạt động biểu tình vì khí hậu tương tự.

Câu chuyện về Greta Thunberg cứ thứ sáu hàng tuần lại nghỉ học để ngồi trước tòa nhà Quốc hội Thụy Điển cùng tấm biển ghi dòng chữ “Bãi khóa vì khí hậu”, thực sự gây nhiều sự chú ý ở châu Âu và lay động phần nào giới chính trị gia ở “lục địa già”. Nhưng rốt cuộc, nỗ lực của Greta Thunberg cùng hàng vạn người hưởng ứng cho đến nay vẫn chỉ nhận được sự im lặng và thờ ơ đáng kinh ngạc từ những người có thể đưa ra các quyết sách giúp bảo vệ môi trường. Những phát ngôn của cô dù đã đến được tai các chính khách ở châu Âu thì cũng mới chỉ được họ “bàn cho vui” tại quốc hội một số nước ở châu lục này. 

Greta Thunberg bắt đầu làm như vậy vào tháng 8-2018 cho đến nay, kể từ sau khi hội nghị ở Incheon (Hàn Quốc) kết thúc mà không có sự hưởng ứng hay động thái nào đáng thuyết phục của giới chính trị gia cho thấy họ sẽ hành động để bảo vệ Trái Đất trước thảm họa ngày càng tới gần.

Một loạt báo cáo công bố gần đây cho thấy những thách thức về khí hậu vẫn chưa được giải quyết khi lượng khí thải carbon dioxide tiếp tục tăng cao. Cuộc thăm dò dư luận năm 2018 của tổ chức Yale cho kết quả: 59% người Mỹ đã được “báo động” hoặc “quan ngại” về tình trạng khí hậu nóng lên, tăng so với 5 năm trước. Nhưng tiếc là những quan ngại này lại không được biến thành các hành động chính trị. Ở Mỹ, quốc gia hàng đầu thế giới về lượng khí phát thải, vấn đề biến đổi khí hậu chỉ xếp thứ 11, sau một loạt các vấn đề quan tâm của cử tri, như: Chăm sóc y tế, kinh tế, nhập cư, nữ quyền, chính sách súng đạn, thuế…(theo thăm dò của Yale).

Chuyên gia Peter Ward của Đại học Washington (Mỹ) nói rằng, những gì thế giới đang trải qua rất giống với thảm họa khủng long tuyệt chủng của 60 triệu năm trước. Nhưng khi đó là do tác động của khí hậu thay đổi đột ngột trên Trái Đất sau vụ “tấn công” của thiên thạch, còn lần này chính con người đang tự mở “cánh cửa” dẫn tới thảm họa tuyệt chủng hàng loạt. Ông cho rằng “bảo vệ các loài khỏi nguy cơ tuyệt chủng cũng chính là con người đang tự bảo vệ mình khỏi những thảm họa trong tương lai”.

MAI NGUYÊN