Chỉ trong vòng chưa đầy một năm, các nhà khoa học trên thế giới đã đạt được những tiến bộ đáng kinh ngạc khi phát triển thành công một số loại vaccice được coi là an toàn và hiệu quả trong phòng ngừa virus SARS-CoV-2. Sau khi Anh trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cho công dân nước này vào tháng trước, đến nay cũng đã có hàng chục quốc gia trên thế giới bắt đầu hoặc lên kế hoạch triển khai các chương trình tiêm chủng.

Tuy vậy, theo Al Jazeera, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây cảnh báo rằng dù có những tín hiệu đáng mừng nêu trên thì thế giới sẽ không thể đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng trong năm nay. "Chúng ta sẽ không đạt được bất kỳ mức độ miễn dịch cộng đồng nào vào năm 2021", bà Soumya Swaminathan, nhà khoa học trưởng của WHO phát biểu trong cuộc họp vừa diễn ra ở Geneva (Thụy Sĩ).

Người dân thủ đô London (Anh) xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: Getty Images 

Bên cạnh đó, diễn biến dịch hiện nay cũng khiến người ta không thể lạc quan một cách thái quá. Tính đến chiều 13-1, thế giới đã ghi nhận tổng cộng hơn 92 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó gần hai triệu người tử vong. Nghiêm trọng hơn, tình hình dịch tại nhiều quốc gia vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, nếu không muốn nói là ngày càng có chiều hướng nghiêm trọng hơn. Điển hình như tại Mỹ, nơi hiện được coi là tâm dịch lớn nhất thế giới, đã chứng kiến số ca tử vong vì Covid-19 trong một ngày cao chưa từng thấy với gần 4.500 ca.

Bởi vậy, bà Soumya Swaminathan cho rằng, ngay cả khi một vài quốc gia hoàn thành mục tiêu miễn dịch cộng đồng thì kết quả đó cũng không đủ để bảo vệ người dân trên khắp hành tinh. Và thế giới cũng cần thời gian để mở rộng quy mô sản xuất vaccine, không chỉ ở mức hàng triệu mà là hàng tỷ liều.

Nhiều chuyên gia y tế cũng có chung nhận định như nhà khoa học trưởng của WHO. Họ cho rằng thế giới sẽ khó có thể sớm đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng và quay trở lại cuộc sống bình thường bởi không ít nguyên nhân, trong đó có sự hạn chế trong việc tiếp cận vaccine đối với các nước nghèo, sự hoài nghi của công chúng về hiệu quả của các loại vaccine và đặc biệt là khả năng biến đổi của virus SARS-CoV-2. “Chúng ta sẽ không thể sớm quay trở lại cuộc sống bình thường”, Dale Fisher, Chủ tịch Mạng lưới phản ứng và cảnh báo về sự bùng phát toàn cầu trực thuộc WHO, khẳng định với hãng tin Reuters.

Ngoài ra, tâm lý chủ quan cho rằng vaccine là liều thuốc tốt nhất để kiểm soát đại dịch cũng có thể khiến nhiều nước chủ quan, lơ là công tác xét nghiệm, cách ly cũng như các biện pháp phòng dịch quan trọng khác. Nên nhớ rằng, bất cứ loại vaccine nào, dù tốt đến mấy, cũng cần thời gian để tiếp cận với các đối tượng cần tiêm chủng và phát huy tính hiệu quả trong phòng, chống đại dịch.

Chính vì vậy, WHO nhấn mạnh trong năm 2021, chính phủ và người dân các quốc gia trên toàn cầu cần tiếp tục thực hiện các biện pháp như: Giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên. Nói cách khác, những biện pháp này vẫn sẽ là một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày, ít nhất là cho đến cuối năm nay.

Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đang và có thể sẽ tiếp tục kéo dài. Từ nhận thức đó, toàn thế giới bước vào năm mới với tinh thần “lạc quan nhưng không chủ quan”, và cùng với đó là tiếp tục giữ thái độ kiên nhẫn trong cuộc chiến chống đại dịch.

TRUNG DŨNG