Đây chỉ là một trong 3 sứ mệnh thăm dò sao Hỏa được thực hiện trong tháng 2-2021, cho thấy cuộc đua chinh phục hành tinh đỏ đang “nóng” hơn bao giờ hết.
Dồn dập sứ mệnh thám hiểm sao Hỏa
Chinh phục sao Hỏa luôn là vấn đề khoa học quốc tế, trong đó bao gồm cả hợp tác lẫn cạnh tranh giữa các quốc gia. Theo François Forget, nhà vật lý thiên văn và giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS), trong tháng 2-2021 có tới 3 chương trình thám hiểm sao Hỏa được thực hiện. “Không phải ngẫu nhiên những sứ mệnh này diễn ra cùng thời điểm. Nghiên cứu hành tinh đỏ không phải lúc nào cũng thực hiện được mà phải tuân theo chu kỳ 26 tháng và vào thời điểm sao Hỏa không ở quá xa Trái Đất”, nhà nghiên cứu François Forget cho biết.
 |
Hình ảnh đầu tiên của sao Hỏa do tàu Perseverance gửi về Trái Đất khi hạ cánh xuống hành tinh đỏ. Ảnh: NASA |
Theo báo Liberation (Pháp), tàu thăm dò Perseverance được phóng lên không gian từ cuối tháng 7-2020 và hướng về sao Hỏa. Mục tiêu của tàu Perseverance là tìm kiếm dấu vết của sự sống trên sao Hỏa cũng như nghiên cứu môi trường của hành tinh này để hiểu sự tiến hóa của nó. Ngay sau khi đáp xuống sao Hỏa, tàu thăm dò Perseverance đã gửi về Trái Đất những hình ảnh đầu tiên của hành tinh đỏ. Trong quá trình Perseverance đổ bộ sao Hỏa, micro của tàu thám hiểm này còn thu được một đoạn âm thanh dài 60 giây, trong đó 10 giây là tiếng gió thổi mạnh trên bề mặt sao Hỏa. NASA cho biết, sứ mệnh của tàu Perseverance sẽ kéo dài trong 2 năm và có thể tiếp tục sau đó. Trong những năm tới, Perseverance sẽ tiến hành thu thập 30 mẫu đất và đá vào các ống bảo vệ để gửi về Trái Đất trong thập niên 2030, phục vụ mục đích nghiên cứu.
Trước đó, ngày 9-2, tàu vũ trụ mang tên Hope (Hy vọng) của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng được phóng vào quỹ đạo sao Hỏa để thực hiện sứ mệnh đầu tiên của nước này trong thăm dò môi trường sống của hành tinh đỏ. Sự kiện này đánh dấu kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất 7 tiểu vương quốc của UAE. Theo báo Liberation, tàu Hope không thực hiện hạ cánh trên sao Hỏa mà chỉ theo dõi khí quyển của hành tinh đỏ từ không gian quỹ đạo. Tàu Hope sẽ đánh giá toàn diện về môi trường sống trên sao Hỏa với mong muốn tìm kiếm nơi định cư mới cho con người trong khoảng 100 năm trên hành tinh đỏ. “Nhiệm vụ này rất thú vị bởi UAE không phải là cường quốc không gian nhưng mong muốn trở thành một quốc gia không gian trong tương lai”, ông François Forget nhấn mạnh.
Một ngày sau đó, ngày 10-2, Trung Quốc cũng phóng vệ tinh Tianwen 1 (Thiên Vấn 1) của nước này vào quỹ đạo sao Hỏa trong sứ mệnh tìm hiểu dấu hiệu sự sống ở đây. Đối với nhà nghiên cứu François Forget, chinh phục sao Hỏa là một chương trình đầy tham vọng của Trung Quốc. Nếu không có gì thay đổi, dự kiến Trung Quốc sẽ đưa tàu đổ bộ lên sao Hỏa vào tháng 5 tới và sau đó là xe tự hành.
Hướng tới thuộc địa hóa sao Hỏa
Trong cuộc thám hiểm vũ trụ bao la, sao Hỏa từ lâu đã có sức hút mãnh liệt và là mơ ước chinh phục của nhiều quốc gia. Trên con đường khám phá hành tinh đỏ suốt gần 6 thập kỷ qua có khoảng 40 sứ mệnh và một nửa trong số đó đã thành công. Năm 2003, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã phóng tàu thăm dò Mars Express lên quỹ đạo sao Hỏa. Tiếp đó, ESA và Cơ quan vũ trụ LB Nga (Roscosmos) hợp tác chung dự án khổng lồ ExoMars, theo đó đưa tàu Trace Gas Orbiter bay quanh sao Hỏa và nghiên cứu bầu khí quyển của hành tinh này vào năm 2016. Giai đoạn tiếp theo của dự án ExoMars là đưa tàu Rosalind Franklin lên quỹ đạo vào tháng 7-2020 và đến sao Hỏa vào tháng 3-2021 để tìm kiếm các chất hóa học mang dấu vết sự sống. Tuy nhiên, giai đoạn này đã phải lùi lại vào năm 2022, trong đó dịch Covid-19 là một lý do.
Tại châu Á, Nhật Bản và Ấn Độ cũng là những quốc gia có tham vọng chinh phục hành tinh đỏ. Ngày 5-11-2013, Ấn Độ phóng tàu không người lái đầu tiên của nước này lên sao Hỏa với tham vọng trở thành quốc gia thứ tư tiếp cận thành công hành tinh đỏ (sau Mỹ, châu Âu và Nga). Đến tháng 9-2014, tàu Mangalyaan của Ấn Độ đã tiếp cận được quỹ đạo của sao Hỏa.
Thế nhưng, khái niệm “thuộc địa hóa sao Hỏa” chỉ được đề cập tới khi tỷ phú người Mỹ Elon Musk, nhà sáng lập Công ty Hàng không vũ trụ SpaceX (Mỹ), tuyên bố: "Điều quan trọng là phải xây dựng một cơ sở có khả năng tự sinh tồn trên sao Hỏa. Trong trường hợp nổ ra Chiến tranh thế giới thứ ba, cơ sở này cách Trái Đất đủ xa và có khả năng tồn tại cao hơn trên Mặt Trăng".
Tuy nhiên, việc xây dựng một thuộc địa trên sao Hỏa cần nguồn lực tài chính khổng lồ. Điều này đòi hỏi các quốc gia phải hợp lực, tăng cường hợp tác trong những dự án dài hơi, như thế mới có thể thực hiện mục tiêu đưa con người lên sống trên sao Hỏa.
BÌNH NGUYÊN