Trước thềm cuộc gặp quan trọng với các nước tham gia thỏa thuận hạt nhân năm 2015, hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), tại thủ đô Vienna (Áo) vào ngày 6-4, Iran bất ngờ tuyên bố nước này sẽ không đàm phán với các đại diện của Mỹ, dù là dưới hình thức trực tiếp hay gián tiếp.
Theo Tân Hoa xã, trả lời phỏng vấn Hãng thông tấn IRNA vào ngày 4-4, Thứ trưởng Ngoại giao đồng thời là Trưởng đoàn đàm phán vấn đề hạt nhân của Iran, ông Abbas Araqchi tuyên bố, Tehran sẽ “không đàm phán trực tiếp hay gián tiếp với người Mỹ” về vấn đề hạt nhân trong cuộc họp sắp tới tại Vienna. Cũng theo ông Abbas Araqchi, yêu cầu mà Iran đặt ra là trước hết Mỹ phải tuân thủ tất cả quy định trong JCPOA, dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này và sau đó, Iran sẽ thực thi đầy đủ các cam kết trong thỏa thuận. Bên cạnh đó, Trưởng đoàn đàm phán của Iran đề nghị các bên còn lại của thỏa thuận hạt nhân 2015 nên thuyết phục Mỹ dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt được áp đặt với Tehran dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.
 |
Các nhà đàm phán của Iran và các nước liên quan tại một cuộc họp của Ủy ban chung về JCPOA, diễn ra ở Vienna, tháng 12-2019.Ảnh: Sputnik. |
Trước đó một ngày, Bộ Ngoại giao Iran cũng bác bỏ giải pháp “dỡ bỏ từng bước” các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này. “Như đã thông báo rõ ràng nhiều lần, sẽ chẳng có kế hoạch từng bước nào được chúng tôi xem xét. "Cộng hòa Hồi giáo Iran dứt khoát với chính sách rằng Mỹ phải dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt", Bloomberg dẫn phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh trên kênh truyền hình quốc gia Press TV.
Theo kế hoạch, giới chức Iran cùng đại diện các nước tham gia thỏa thuận hạt nhân 2015 sẽ trực tiếp gặp nhau tại Vienna để thảo luận về khả năng hồi sinh thỏa thuận này. Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi cho biết, cuộc họp này được thống nhất tổ chức sau các cuộc trao đổi "thẳng thắn và nghiêm túc".
Được biết, phía Mỹ cũng xác nhận sẽ có mặt tại Vienna để tham gia cuộc họp. Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jalina Porter cho biết, cuộc đàm phán này sẽ tập trung vào "các bước liên quan tới hạt nhân mà Iran cần phải thực hiện” để quay trở lại tuân thủ JCPOA.
Theo những gì được nêu trong JCPOA, Iran cam kết hạn chế các hoạt động hạt nhân đổi lấy việc các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này được dỡ bỏ. Tuy nhiên, năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã tuyên bố rút Washington khỏi thỏa thuận và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran, khiến Iran đáp trả bằng cách giảm các cam kết trong thỏa thuận.
Trên thực tế, thời gian qua giới chức Iran đã nhiều lần khẳng định rằng nước này sẽ quay trở lại thực thi đầy đủ những cam kết trong thỏa thuận hạt nhân 2015, với điều kiện Mỹ phải dỡ bỏ tất cả biện pháp trừng phạt. Ở phía đối diện, kể từ khi lên nắm quyền, đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng phát tín hiệu muốn khôi phục JCPOA. Ông Biden từng tuyên bố sẵn sàng đưa Mỹ quay trở lại thỏa thuận này. Do đó, vấn đề hiện nay là giữa Mỹ và Iran bên nào sẽ phải nhượng bộ và hành động trước để cứu vãn JCPOA.
Trong khi đó, các nước còn lại tham gia thỏa thuận hạt nhân 2015 là Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức đều đang muốn cứu vãn thỏa thuận. Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Iran vào ngày 3-4 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian đã kêu gọi Iran có thái độ "mang tính xây dựng", kiềm chế và tránh leo thang các hoạt động hạt nhân nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đàm phán ở Vienna.
ANH VŨ