Tờ al-Jarida (Kuwait) ngày 24-1 dẫn nguồn tin từ Văn phòng Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết, các nhà ngoại giao Iran đã tiếp xúc với một số thành viên trong chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và đặt 7 điều kiện tiên quyết để tái đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran. Theo al-Jarida, điều kiện đầu tiên là Iran không chấp nhận dỡ một phần các lệnh trừng phạt vì Tehran cho rằng JCPOA là một thỏa thuận không thể phân chia. Iran sẽ yêu cầu Mỹ thực hiện tất cả các khía cạnh của thỏa thuận, bao gồm cả việc dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt, nếu nước này muốn trở lại thỏa thuận hạt nhân. Thứ hai, mọi bất đồng về JCPOA phải được thảo luận trong khuôn khổ các ủy ban đàm phán chính thức. Theo đó, một trong những bất đồng được cho là yêu cầu của Tehran về việc bồi thường thiệt hại tài chính mà họ phải gánh chịu do việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận. Ở điều khoản thứ ba, Iran sẽ không chấp nhận ràng buộc giữa thỏa thuận hạt nhân với các vấn đề khác, nhất là chương trình tên lửa cũng như hoạt động của Tehran ở khu vực Trung Đông. Điều kiện thứ tư là Iran cũng sẽ không chấp nhận bất kỳ sự tham gia vào thỏa thuận của một thành viên mới nào. Thứ năm, nếu nảy sinh bất kỳ vấn đề nào liên quan đến các quốc gia khác trong khu vực phải được thảo luận riêng biệt và không được đưa vào quá trình đàm phán hạt nhân. Thứ sáu, dù không sẵn sàng thảo luận về chương trình tên lửa của mình, Iran sẽ chấp nhận thảo luận về việc kiểm soát vũ khí ở cấp độ khu vực dưới sự giám sát của Liên hợp quốc. Cuối cùng, Iran không chấp nhận giải pháp hai nhà nước đối với Israel và Palestine.

 Hình ảnh bên trong cơ sở hạt nhân ngầm Fordow của Iran. Ảnh: AFP

JCPOA đã được Iran và 6 cường quốc thế giới được gọi là nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) ký vào năm 2015. Năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận và gia tăng các lệnh trừng phạt đối với Tehran. Kể từ năm 2019, Iran đã đình chỉ việc tuân thủ hầu hết các giới hạn mà thỏa thuận đặt ra. Ngày 4-1 vừa qua, nước này đã nối lại việc sản xuất uranium được làm giàu ở cấp độ 20% tại cơ sở hạt nhân ngầm Fordow ở miền Bắc. Đây là động thái vi phạm JCPOA.

Thông tin về 7 điều kiện của Iran xuất hiện giữa lúc chính quyền tân Tổng thống Mỹ Joe Biden có ý định quay trở lại JCPOA. Theo AFP, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron ngày 24-1, nhà lãnh đạo Mỹ Joe Biden bày tỏ sẵn sàng tái tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran.

Tuy nhiên, việc Mỹ trở lại thỏa thuận hạt nhân lịch sử sẽ đi kèm với điều kiện Iran tuân thủ đầy đủ các quy định trong thỏa thuận. Chính trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Biden từng nói rằng sẽ đưa Mỹ quay trở lại JCPOA như một điểm khởi đầu cho các cuộc đàm phán tiếp theo nếu Iran tuân thủ nghiêm thỏa thuận hạt nhân.

Về phần mình, phía Iran kiên quyết yêu cầu Mỹ phải gỡ bỏ lệnh trừng phạt và quay trở lại JCPOA nếu muốn Tehran tuân thủ thỏa thuận. Tại cuộc họp nội các được phát trên truyền hình ngày 20-1, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nhấn mạnh: "Quả bóng đang ở trên sân nhà của Mỹ. Nếu Washington quay trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran, chúng tôi cũng sẽ hoàn toàn tôn trọng các cam kết của mình theo thỏa thuận". Trong một bài đăng trên tờ Foreign Affairs, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nhấn mạnh, Iran sẽ không chấp nhận bất kỳ yêu cầu hoặc điều khoản mới nào đối với thỏa thuận do Washington hoặc bất kỳ bên ký kết nào khác trong thỏa thuận đề xuất. Ông Mohammad Javad Zarif lưu ý, nếu Mỹ bắt đầu bằng cách xóa bỏ vô điều kiện tất cả các lệnh trừng phạt được áp đặt với hiệu lực đầy đủ, Iran sẽ đảo ngược những biện pháp đã thực hiện kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018.

Trước quan điểm cứng rắn của Iran, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cảnh báo, thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đang ở vào “thời điểm nguy nan” khi các động thái vi phạm thỏa thuận của Tehran đe dọa nỗ lực đưa Mỹ trở lại JCPOA.

DƯƠNG LÂM