Theo NATO, tàu Cirkin có hành trình từ Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) tới Misrata (Libya) và ngược lại, có những hành động mờ ám như che giấu nhận dạng của mình hay đưa thông tin không chính xác về điểm đến... Đáng chú ý, trong lượt đi, con tàu này có hành trình khác thường, đi ngang qua một tàu khu trục Thổ Nhĩ Kỳ và không ai biết hàng trên tàu được dỡ ở đâu. Trong lượt quay về, tàu Cirkin còn được các tàu chiến Thổ Nhĩ Kỳ hộ tống.

Ngày 5-6, tại Bosphorus, tàu Cirkin được chất hàng hóa lên trước khi rời cảng hướng về phía nam. Năm ngày sau, tàu Cirkin tới phía nam đảo Crete (Hy Lạp). Một tàu khu trục của Hy Lạp đang làm nhiệm vụ thực thi lệnh cấm vận vũ khí ở Libya trong khuôn khổ chiến dịch Irini của Liên minh châu Âu (EU) đã yêu cầu kiểm tra tàu Cirkin. Tuy nhiên, các tàu khu trục hộ tống Thổ Nhĩ Kỳ từ chối yêu cầu trên và cho rằng con tàu hàng “nằm dưới sự bảo vệ của Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ”. Trước hành động cứng rắng trên, Bộ tư lệnh Hải quân NATO, lực lượng thực hiện chiến dịch Người bảo vệ Biển Địa Trung Hải từ năm 2016, yêu cầu tàu Courbet của Pháp ở gần đó tới nhận dạng tàu hàng nghi vấn trên.

Cuộc họp trực tuyến cấp bộ trưởng quốc phòng NATO ngày 17 và 18-6, nơi Pháp yêu cầu làm rõ vụ đối đầu trên biển giữa các thành viên NATO. Ảnh: Lefigaro.fr. 

Ngày 10-6, tàu Courbet nhận lệnh tiếp cận tàu hàng nhưng đã bị các tàu khu trục Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng rất cứng rắn. Tàu Courbet 3 lần bị các tàu chiến Thổ Nhĩ Kỳ dùng radar hướng dẫn bắn chiếu rọi. “Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ muốn xác định vị trí tàu Courbet hay đang muốn thể hiện sức mạnh? Khi tàu Courbet tìm cách tiếp cận tàu Cirkin, các tàu khu trục Thổ Nhĩ Kỳ cho binh lính mang vũ khí, mặc áo, đội mũ bảo hộ và sẵn sàng đối đầu với chúng tôi”, Bộ trưởng Bộ Quân đội Pháp Florence Parly nói. Trong một tuyên bố mới đây, Phủ tổng thống Pháp cho rằng thái độ trên của Thổ Nhĩ Kỳ “không thể chấp nhận được”.

Paris ban đầu không có ý định công bố vụ việc này với báo chí song nhận định đây là một sự cố rất nghiêm trọng giữa các thành viên NATO nên Bộ trưởng Florence Parly đã nêu vấn đề này tại cuộc họp trực tuyến cấp Bộ trưởng Quốc phòng NATO ngày 17 và 18-6 vừa qua. Tại đây, Bộ trưởng Florence Parly tố cáo Ankara vi phạm lệnh cấm vận vũ khí ở Libya, đồng thời phê phán thái độ thụ động của NATO, cho rằng liên minh quân sự không thể làm ngơ trước các hành vi của Thổ Nhĩ Kỳ và đã đến lúc phải thảo luận thẳng thắn về thái độ của thành viên này.

Phản bác lại cáo buộc trên, Ankara cho rằng, Pháp và các nước khác mới là “trở ngại chính cho việc thành lập hòa bình và ổn định ở Libya”. Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định các tàu chiến của mình chỉ quan sát tàu Courbet, đồng thời cáo buộc tàu Pháp di chuyển tốc độ cao và nguy hiểm.

Đụng độ trên biển giữa các tàu chiến của Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ ở Địa Trung Hải như “đổ thêm dầu vào lửa” vào mối quan hệ hai nước vốn “cơm không lành, canh chẳng ngọt” bấy lâu nay. Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp đã xấu đi nghiêm trọng sau khi Ankara tiến hành tấn công quân sự nhằm vào lực lượng dân quân người Kurd ở Syria và ủng hộ Chính phủ Hòa hợp Dân tộc (GNA) của Libya được quốc tế công nhận. Trong khi đó, mặc dù Pháp công khai phủ nhận song nước này từ lâu đã bị nghi ngờ hậu thuẫn cho Nguyên soái Khalifa Haftar, chỉ huy Quân đội Quốc gia Libya (LNA)-lực lượng chống GNA. Trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao giữa hai nước thành viên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, liên minh đang điều tra vụ việc và cam kết sẽ tìm hiểu rõ ràng về những gì đã xảy ra.

BÌNH NGUYÊN