Lời cảnh báo của người đứng đầu WHO khu vực châu Âu không phải không có cơ sở khi nguyên nhân gây ra thảm kịch ở Ấn Độ hiện nay đã lần lượt được giới chuyên gia nhận diện, trong đó có việc nước này nới lỏng các hạn chế trong khi chưa kiểm soát được dịch lây lan. Khi làn sóng Covid-19 đầu tiên xảy ra vào tháng 9 năm ngoái ở Ấn Độ, Chính phủ nước này đã thông báo tín hiệu thành công nhất định trong cuộc chiến chống đại dịch bởi số lượng tử vong thấp. Sau đó, New Delhi đã nới lỏng dần các hạn chế. Hồi tháng 8 năm ngoái, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi còn cho rằng tỷ lệ ca nhiễm và tử vong thấp tại nước này đang tạo ra “niềm tin cho người dân” và dự đoán Ấn Độ sẽ chiến thắng trong cuộc chiến chống đại dịch.
 |
Tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở Ấn Độ. Ảnh: USA Today |
Thực tế ở quốc gia Nam Á này từng được ghi nhận có những cải thiện trong nỗ lực ngăn chặn đại dịch như số ca lây nhiễm bất ngờ giảm theo thống kê đưa ra hồi tháng 2 năm nay. Số ca nhiễm Covid-19 tại Ấn Độ đột ngột giảm kể từ tháng 9-2020 cho đến thời điểm đó. Một trong những giả thiết được đưa ra là khả năng Ấn Độ đạt được miễn dịch cộng đồng, nhưng thảm kịch đang diễn ra ở Ấn Độ hiện nay đã cho thấy điều này là sai lầm.
Trước những gì đang diễn ra ở Ấn Độ, người đứng đầu WHO khu vực châu Âu đã cảnh báo mạnh mẽ các nước châu Âu rằng, việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch Covid-19 có thể gây ra một "cơn bão hoàn hảo" khiến số ca nhiễm tăng cao như xảy ra ở Ấn Độ. Ông Hans Kluge lưu ý, dù có thời điểm ca nhiễm mới tại châu Âu ít đi đáng kể trong vòng hai tháng qua, nhưng tỷ lệ ca nhiễm trên khắp khu vực vẫn rất cao. Nhà dịch tễ học Antoine Flahault, Giám đốc Viện Y tế toàn cầu thuộc Trường Đại học Tổng hợp Geneva (Thụy Sĩ) cho rằng, tình hình dịch bệnh ở châu Âu hiện nay là một phần rủi ro của chiến lược mà Liên minh châu Âu (EU) đã áp dụng. Đó là châu Âu cố gắng kiểm soát sự lây lan của đại dịch thay vì hướng tới mục tiêu diệt trừ virus và các chính phủ châu Âu đã chấp nhận lặp đi lặp lại vòng quay "tái phong tỏa-dỡ phong toả". Ông nhắc nhở các quốc gia châu Âu rằng “các biện pháp xã hội và y tế của cá nhân và tập thể vẫn là những yếu tố có ảnh hưởng lớn trong việc hình thành hướng đi của đại dịch Covid-19”. Đáng chú ý, ông Hans Kluge cũng cảnh báo cơn khủng hoảng tại Ấn Độ có thể xảy ra ở bất cứ đâu.
Ở đợt bùng phát dịch đầu tiên, Ấn Độ đã nhanh chóng tiến hành xét nghiệm, kiểm soát và triển khai nghiên cứu, bào chế vaccine Covid-19. Theo Tiến sĩ Soumya Swaminathan, nhà khoa học hàng đầu của WHO, năng lực xét nghiệm của Ấn Độ đã cải thiện kể từ làn sóng lây nhiễm đầu tiên. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa đủ. Rất nhiều người bị nhiễm bệnh nhưng không thể phát hiện ra. Giải thích cho hiện tượng này, giới chuyên gia cho biết một số bệnh nhân nhiễm virus nhưng không hề có triệu chứng, vì vậy không đi xét nghiệm. Ở quốc gia như Ấn Độ, việc xét nghiệm cũng khó tiếp cận hơn đối với các vùng nông thôn. Cuộc khảo sát quốc gia trước đây cho thấy số lượng người nhiễm gấp 20 đến 30 lần báo cáo. Hầu hết người dân Ấn Độ tử vong tại nhà hoặc ở một số nơi không phải bệnh viện. Vì vậy, bác sĩ không thể xác định được nguyên nhân tử vong.
Đó cũng là một trong những yếu tố khi làn sóng lây nhiễm thứ hai bùng phát ở Ấn Độ và đẩy nước này rơi vào trạng thái bị động với số ca nhiễm và tử vong đang tăng kỷ lục. Phát ngôn viên của WHO, ông Tarik Jasarevic cho rằng, không nên nhận định biến chủng của virus SARS-CoV-2 là nguyên nhân duy nhất gây ra làn sóng Covid-19 thứ hai khiến Ấn Độ lâm khủng hoảng như hiện nay, mà việc tụ tập đông người, tỷ lệ tiêm chủng thấp cũng là lý do tạo nên “sóng thần” Covid-19 tại nước này. Còn theo các nhà khoa học và chuyên gia y tế tại Ấn Độ, số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 đang tăng mạnh vì một số nguyên nhân, như: Cơ sở vật chất nghèo nàn, ý thức kém của người dân và quy trình xét nghiệm lỏng lẻo. Một phần nguyên nhân của làn sóng lây nhiễm hiện nay ở Ấn Độ được các chuyên gia nhận định là bởi các cuộc tụ tập đông người, gồm các cuộc vận động chính trị và lễ hội, ở quốc gia 1,3 tỷ dân này.
Theo CNN, Ấn Độ đang trải qua làn sóng dịch bệnh tồi tệ nhất trên thế giới với báo cáo hơn 17,6 triệu ca nhiễm kể từ khi bắt đầu đại dịch. Giới chuyên gia lo ngại số ca nhiễm và tử vong hiện tại có thể gấp 30 lần báo cáo, tương đương với nửa tỷ ca nhiễm.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lây lan toàn cầu như hiện nay, lời nhắc nhở của người đứng đầu WHO khu vực châu Âu không chỉ cần thiết cho khu vực này, mà còn hữu ích cho bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Bài học Ấn Độ cũng vô cùng giá trị cho các quốc gia để chiến thắng trong cuộc chiến chống chọi đại dịch Covid-19 đầy gian nan.
XUÂN PHONG