Ngày 19-4, Channel News Asia đưa tin, trả lời phỏng vấn trên truyền hình, Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh, Mỹ đã đạt được các mục tiêu đề ra khi đưa quân sang Afghanistan và mối đe dọa khủng bố đã “chuyển sang những nơi khác”. “Mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda đã bị suy yếu đáng kể. Khả năng chúng tiến hành tấn công nước Mỹ từ Afghanistan là không còn. Mối đe dọa khủng bố đã chuyển sang những nơi khác. Chúng tôi có những điều rất quan trọng khác trong chương trình nghị sự, như: Mối quan hệ với Trung Quốc, ứng phó với biến đổi khí hậu và chống dịch Covid-19. Đó là những gì chúng tôi cần tập trung nguồn lực”, Ngoại trưởng Blinken nêu rõ.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (thứ hai, bên trái) gặp Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani (bên phải) tại thủ đô Kabul vào ngày 15-4, sau khi Washington thông báo sẽ rút toàn bộ binh lính khỏi quốc gia Tây Nam Á vào tháng 9 tới. Ảnh: Tân Hoa xã

Theo Channel News Asia, tuyên bố của Ngoại trưởng Blinken là động thái nhằm bảo vệ quyết định của chính quyền Tổng thống Biden, rút toàn bộ binh lính nước này khỏi Afghanistan trước ngày 11-9 tới. Trong khi quyết định rút quân cho thấy Tổng thống Biden giữ vững cam kết của mình trong chiến dịch tranh cử năm 2020, đặt dấu chấm hết cho “cuộc chiến không có hồi kết” của Mỹ tại quốc gia Tây Nam Á, nó lại gây ra không ít quan ngại đối với giới chức tình báo và quân đội Mỹ. Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns và các tướng lĩnh Mỹ cho rằng, động thái này có thể khiến đất nước Afghanistan chìm sâu hơn vào bạo lực và khiến nước Mỹ càng dễ bị tổn thương hơn trước các mối đe dọa khủng bố. Trên thực tế, theo NBC News, một báo cáo của Liên hợp quốc đã kết luận, lực lượng Taliban vẫn đang giữ “quan hệ thân thiết” với al-Qaeda và al-Qaeda đang tiếp tục hoạt động tại 12 tỉnh của Afghanistan với khoảng 400-600 tay súng cùng một trại huấn luyện ở miền Đông nước này. Trong khi đó, Bộ Tài chính Mỹ gần đây phát hiện “al-Qaeda ngày càng lớn mạnh tại Afghanistan và tiếp tục hoạt động dưới sự che chở của Taliban”.

Ngày 19-4, Sputnik đưa tin, các nguồn tin nội bộ tiết lộ, các tướng lĩnh Mỹ, trong đó có Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley và chỉ huy lực lượng Mỹ tại Afghanistan Austin Scott Miller đã kêu gọi duy trì sự hiện diện của 2.500 lính Mỹ tại Afghanistan trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cũng phản đối việc rút quân hoàn toàn. Theo The New York Times, các quan chức đương nhiệm và các cựu quan chức Mỹ đều thừa nhận, việc thu thập thông tin tình báo sẽ trở nên khó khăn hơn sau khi toàn bộ binh lính nước này rút khỏi Afghanistan. Cho dù các chiến dịch chống khủng bố của Mỹ nhằm vào các nhóm vũ trang tại Afghanistan có thể được tiến hành từ các căn cứ ở vùng Vịnh và những nơi khác bên ngoài quốc gia Tây Nam Á, các chiến dịch như vậy vẫn khá rủi ro và khó khăn. Ông Michael Mulroy, một cựu quan chức Lầu Năm Góc và CIA từng làm việc tại Afghanistan cho rằng, mối đe dọa từ các nhóm khủng bố hoạt động từ Afganistan là thấp, nhưng không có nghĩa là chúng không tồn tại. “Mong muốn rút toàn bộ binh lính về nước là điều có thể hiểu được, nhưng điều đó cũng đi kèm với một cái giá: Chúng ta sẽ đánh mất những gì đã giành được. Tái bố trí năng lực chống khủng bố của chúng ta ra ngoài Afghanistan sẽ giảm đáng kể chiến dịch thu thập thông tin tình báo và khả năng tiến hành các chiến dịch đơn phương nhằm chống lại các mối đe dọa trực tiếp đối với lãnh thổ Mỹ”, The New York Times dẫn lời ông Mulroy.

HOÀNG VŨ