Trong căn phòng East Room chật cứng người ở Nhà Trắng, trước sự chứng kiến của các nghị sĩ Mỹ, các thành viên của phái đoàn Trung Quốc, cũng như giới doanh nghiệp, phóng viên, một thỏa thuận được chờ đợi bấy lâu nay đã chính thức hình thành cùng với nụ cười hài lòng của ông Donald Trump và ông Lưu Hạc. Đó cũng là một trong những “khoảnh khắc thân thiện” hiếm hoi giữa các quan chức cấp cao của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới trong gần hai năm qua. "Đây là một dịp rất quan trọng và đáng nhớ. Chúng ta đang cùng nhau khắc phục những sai lầm trong quá khứ", Tổng thống Donald Trump hồ hởi cho biết.
Lướt qua thỏa thuận được chờ đợi từ lâu này, có thể thấy điểm nhấn chính là việc Trung Quốc cam kết mua 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ trong vòng hai năm tới. Những mặt hàng mà Bắc Kinh nhập thêm của Washington bao gồm nông sản, hải sản, hàng công nghiệp như: Máy bay, máy móc, thép và các sản phẩm năng lượng. Đổi lại, Mỹ sẽ không áp thuế đối với 160 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc và hạn chế một số mức thuế đã áp với hàng hóa Trung Quốc.
Sau 18 tháng xung đột kinh tế liên miên giữa Mỹ và Trung Quốc, sự ra đời của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 nhìn chung được giới doanh nghiệp và dư luận thế giới hoan nghênh như một “bước tiến hòa bình”. Với Trung Quốc, thỏa thuận này sẽ tiếp thêm lượng oxy cần thiết cho nền kinh tế Trung Quốc sau quãng thời gian đối đầu nghẹt thở với Mỹ, từ đó cải thiện triển vọng thương mại. Trong khi đó, dù phải đối mặt với những lời chỉ trích từ Đảng Dân chủ rằng thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 chưa cho thấy những tiến triển trong nỗ lực gây sức ép để Trung Quốc phải từ bỏ các hành vi thương mại thiếu lành mạnh, thỏa thuận này vẫn được coi là điểm cộng tiền bầu cử với Tổng thống Donald Trump. Công bằng mà nói, không thể buộc Bắc Kinh phải có những thay đổi quan trọng trong chính sách kinh tế, song rõ ràng những đòn áp thuế của ông Donald Trump đã khiến nguồn hàng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ giảm và thu hẹp thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Evans-Pritchard, nhà nghiên cứu thuộc tổ chức Capital Economics nhận định: “Trung Quốc không có được tất cả những gì họ muốn từ thỏa thuận, trong khi Mỹ cũng không buộc nền kinh tế Trung Quốc phải có những thay đổi về thể chế. Tuy nhiên, hai bên sẽ gia tăng xuất khẩu và giảm bớt thâm hụt thương mại song phương và điều này có thể được chính quyền của ông Donald Trump coi như một chiến thắng”.
Tiếp sau vụ không kích của Mỹ nhằm vào sân bay quốc tế Baghdad hồi đầu tháng khiến tướng Qassem Soleimani của Iran thiệt mạng, việc đạt được thỏa thuận thương mại lần này với Trung Quốc còn được coi như một minh chứng rằng nước Mỹ chưa hề đánh mất vị thế của mình trên bản đồ quyền lực toàn cầu, và ông Donald Trump với câu thần chú “Nước Mỹ trên hết” đủ khả năng tạo nên những cơn địa chấn dù bằng lời nói hay hành động.
Sự lạc quan dường như đã trở lại với các doanh nghiệp và giới đầu tư của Mỹ cũng như Trung Quốc, nhưng tất cả đều hiểu rằng tốt hơn hết là nên lạc quan một cách thận trọng. Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc đúng ra chỉ là việc hai bên bắt tay cùng rút bớt củi trong lò lửa xung đột thương mại, chứ chưa thể giải quyết những nguồn cơn chính dẫn đến các căng thẳng kinh tế và thương mại song phương giữa hai nước. Nói như một số nhà phân tích về kinh tế, thỏa thuận thương mại mà Mỹ và Trung Quốc vừa đạt được chỉ giống như “hái quả ở cành thấp”.
Trước hết là bởi, thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 Mỹ-Trung không bao gồm một cơ chế giám sát hay trọng tài độc lập để đảm bảo rằng hai bên sẽ giữ vững cam kết của mình trong thời gian tới. Người Mỹ cũng công khai nói rằng đây chỉ là một thỏa thuận ban đầu chứ “không đánh dấu sự chấm dứt căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc” và thậm chí còn đe dọa trừng phạt bổ sung nếu Bắc Kinh không tuân theo các điều khoản trong thỏa thuận. Thế có nghĩa là, bản thỏa thuận chưa ráo mực này có thể tan thành mây khói bất cứ lúc nào.
Hơn thế nữa, mức thuế cao ngất ngưởng mà Mỹ áp đặt với 375 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc vẫn chưa được dỡ bỏ và chẳng biết khi nào mới được dỡ bỏ, khiến nguy cơ trả đũa, tái bùng phát xung đột vẫn hiện hữu. Bằng cách giữ nguyên các khoản thuế quan trọng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, chính quyền của ông Donald Trump vẫn đang nắm trong tay vũ khí đủ lợi hại để buộc Bắc Kinh phải tuân thủ các cam kết và nhượng bộ trên bàn đàm phán. Thông điệp mà Tổng thống Donald Trump đưa ra kèm với bản thỏa thuận lần này vì thế sẽ là: Đừng thấy đỏ mà tưởng chín!
Thỏa thuận nói trên này cũng không đề cập đến cách thức xử lý vấn đề liên quan an ninh mạng và công nghệ. Huawei, hãng công nghệ hàng đầu của Trung Quốc vẫn đang trong tầm ngắm trừng phạt của chính quyền Donald Trump cũng dự báo cuộc cạnh tranh cuộc chiếm giữ vị trí bá chủ thế giới giữa Mỹ và Trung Quốc, trong đó công nghệ đóng vai trò then chốt, sẽ còn kéo dài.
Suy cho cùng, thỏa thuận ấy càng khiến người ta nhận rõ hơn những nguy cơ va chạm và cọ xát lâu dài giữa hai đầu tàu kinh tế của thế giới.
VŨ HÙNG