Động thái thiện chí trên được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden có bài phát biểu quan trọng đầu tiên về chính sách đối ngoại kể từ khi nhậm chức, trong đó nổi bật là việc “hàn gắn” mối quan hệ đồng minh vốn bị tổn thương dưới thời chính quyền tiền nhiệm. Trong phát biểu, chủ nhân mới của Nhà Trắng khẳng định mối quan hệ đồng minh là một trong số tài sản quý giá nhất của nước Mỹ, đồng thời cam kết Washington sẽ sát cánh với những nước này trong nhiều vấn đề chung như chống biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19. Ông cho biết, trong hai tuần qua đã có những cuộc điện đàm với nhiều lãnh đạo các nước đồng minh thân cận nhất, trong đó bao gồm các đồng minh bên kia Đại Tây Dương là Anh, Đức và Pháp, nhằm tái xây dựng mối quan hệ mà ông cho là bị xói mòn sau 4 năm vừa qua. 

Thông điệp “hàn gắn” được đưa ra sau khi ngoại trưởng Mỹ, Đức, Pháp và Anh tiến hành cuộc thảo luận sâu rộng đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức. Cuộc đối thoại chuyên sâu này được thông báo là diễn ra trong một bầu không khí tin cậy và mang tính xây dựng.

Trong phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh thông điệp “Nước Mỹ đã trở lại”. Ảnh: National Review 

Tuy nhiên, để cài đặt lại quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương trong bối cảnh hiện nay không phải điều dễ thực hiện đối với Washington. Các đồng minh của Mỹ không khỏi lo ngại trọng tâm ngoại giao vốn đặt vào mối quan hệ đồng minh có nguy cơ “sẽ chẳng đi tới đâu” như ông Joe Biden tuyên bố. Tình hình đại dịch Covid-19 nghiêm trọng tại Mỹ sẽ buộc chính quyền mới cân nhắc ưu tiên chính sách đặt vào đâu, đặc biệt trong bối cảnh Washington không thể bỏ qua sức ép của chính người dân trong nước muốn chính quyền mới ưu tiên giải quyết vấn đề trong nước hơn là các vấn đề đối ngoại.

Còn về phần châu Âu, việc trở lại mối quan hệ tốt đẹp với Washington tới mức độ nào cũng là điều cần bàn thảo khi “lục địa già” ngày càng muốn tự chủ nhiều hơn. Chỉ một ngày trước khi đạt được nhất trí “hồi sinh mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương”, ngày 4-2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tái khẳng định lời kêu gọi của mình với “sự tự chủ chiến lược” dành cho châu Âu tại diễn đàn Hội đồng Đại Tây Dương. Ông tuyên bố: “Nghĩa vụ của chúng tôi, tất nhiên, là không đặt bản thân mình vào tình thế phải dựa dẫm vào một quyết định của Mỹ”. Phát biểu này chắc chắn sẽ không tránh khỏi khiến một số nhân vật ở Washington thất vọng. 

Quan hệ Mỹ-Đức cũng đang khúc mắc trong một số vấn đề, bao gồm mâu thuẫn trong dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2). Đức hiện đang hợp tác với Nga trong lĩnh vực này, nhưng Mỹ nhiều lần bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng của Nga lên Đức cũng như châu Âu. Hôm 5-2, nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel đã khẳng định Đức sẽ không dừng dự án Nord Stream 2, ít nhất vào thời điểm hiện tại.

Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Joe Biden kịch liệt lên án chính quyền của người tiền nhiệm Donald Trump đã thờ ơ với các đồng minh, khiến vị thế và tầm ảnh hưởng của Mỹ trên trường quốc tế bị hủy hoại nghiêm trọng. Trong phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại của mình, ông đã nêu bật những điểm chính nhằm thực hiện mục tiêu khôi phục sự lãnh đạo của nước Mỹ trên toàn cầu. Ông nêu rõ: “Đây là thông điệp tôi muốn thế giới lắng nghe hôm nay: Nước Mỹ đã trở lại”. Ông Joe Biden khẳng định nước Mỹ sẽ cạnh tranh từ một vị thế có sức mạnh bằng cách tái thiết trong nước, hợp tác với các đồng minh và đối tác, đồng thời đổi mới vai trò của Washington trong các thể chế quốc tế, giành lại uy tín và quyền lực đạo đức. 

Ngoài quan hệ với châu Âu, còn một loạt vấn đề đối ngoại khác mà chính quyền Tổng thống Joe Biden phải xử lý bao gồm các điểm nóng như: Nội chiến tại Yemen, hồ sơ hạt nhân Iran, quan hệ thương mại với Trung Quốc và căng thẳng với Nga... Ông Joe Biden nhấn mạnh đến chính sách đối ngoại cứng rắn với Trung Quốc trong nhiệm kỳ của mình, nhưng vẫn cho biết sẵn sàng hợp tác với Bắc Kinh nếu điều đó nằm trong lợi ích của Washington. Với Nga, ông cho biết sẵn sàng hợp tác với Moscow trong một số lĩnh vực, trong đó có Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) mà hai nước mới gia hạn thêm 5 năm. 

Đáng chú ý là nhà lãnh đạo của Mỹ nhấn mạnh việc sẽ ứng phó với những đối thủ và đối thủ cạnh tranh theo hình thức ngoại giao, đồng thời hàm ý cũng chừa nhiều dư địa cho hợp tác.  

XUÂN PHONG