Trong bức tranh Trung Đông nhiều gam tối, có vẻ như điểm sáng hiếm hoi xuất hiện là Israel bất ngờ đạt thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với một số nước Arab. Việc xích lại gần nhau giữa Israel và thế giới Arab được trông đợi sẽ mở ra cơ hội để xử lý những “hồ sơ nóng” ở khu vực. Tuy vậy, với sự can dự của Mỹ, bao gồm việc tuyên bố Kế hoạch hòa bình Trung Đông, bước đi này khó có thể là giải pháp toàn diện. 

Bao nỗ lực giải quyết cuộc xung đột Palestine-Israel đã bị ngáng trở bởi chính “hòn đá tảng” Kế hoạch hòa bình Trung Đông “thiên vị” Israel mà Tổng thống Donald Trump công bố hồi đầu năm. Trong bản kế hoạch được ca ngợi là “Thỏa thuận thế kỷ” này, “củ cà rốt” viện trợ và phát triển kinh tế cho Palestine, không phải “món quà”. Với người Palestine, thỏa thuận này là vô nghĩa bởi nó không đáp ứng những nguyện vọng và quyền chính đáng được cộng đồng quốc tế công nhận đối với các vùng lãnh thổ bị Israel chiếm đóng, bao gồm vấn đề Đông Jerusalem. Với việc công nhận Đông Jerusalem là thủ đô của Israel và kế hoạch sáp nhập khu Bờ Tây của Nhà nước Do Thái, Kế hoạch hòa bình Trung Đông gần như đã giáng một “đòn chí mạng” vào tiến trình hoà bình Palestine-Israel.

Hồ sơ hạt nhân Iran cũng không mấy sáng sủa sau một năm đầy căng thẳng với chính sách gây sức ép tổng thể cả về chính trị, kinh tế và quân sự của chính quyền Tổng thống Donald Trump lên Nhà nước Hồi giáo. Tình thế căng như dây đàn kéo dài gần như suốt cả năm, thậm chí có lúc đe dọa xảy ra đối đầu quân sự Mỹ-Iran. Tới cuối năm, "nhiệt" lại tăng cao khi vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran Mohsen Fakhrizadeh làm gia tăng xu thế đối đầu thay vì đối thoại đối với vấn đề hạt nhân Iran, vấn đề chưa giải quyết được trong suốt nhiều chục năm qua. Thực tế là các hành động đe dọa và gây áp lực tối đa của Mỹ và Israel không hề làm chệch hướng chương trình hạt nhân của Tehran. Nhà nước Hồi giáo không ngần ngại cắt giảm tối đa việc thực hiện các cam kết trong bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký với Nhóm P5+1, sau những lần Mỹ siết chặt “gọng kìm” trừng phạt. Bản thỏa thuận đang đứng trước nguy cơ bị phá sản. 

Trong triển vọng chung mờ mịt ở khu vực, cuộc khủng hoảng Syria trong một năm qua cũng không đạt thêm được tiến bộ nào đáng kể. Đại dịch Covid-19 đã ngăn chặn các nỗ lực đàm phán về bản hiến pháp mới, thúc đẩy tiến trình chính trị bế tắc tại quốc gia này. Nếu cuộc khủng hoảng Syria không nhanh chóng tìm ra lối thoát, quốc gia này rất có thể một lần nữa lại trở thành “thiên đường” cho khủng bố và các phần tử cực đoan trỗi dậy, giống như kịch bản trước đây từng xảy ra khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hoành hành. 

Một năm trôi qua, tương lai của khu vực được mệnh danh “thùng thuốc súng” đã bị tước đi nhiều cơ hội hòa bình và ổn định bởi những toan tính và sự can dự của những thế lực bên ngoài. Một Trung Đông với cục diện rối ren lại chứng kiến những quan hệ thù địch trở nên nghiêm trọng hơn và hố sâu ngăn cách giữa các nước ở khu vực cũng lớn hơn. Thế nhưng, những hy vọng mới có thể sẽ lại xuất hiện ở Trung Đông. Việc Washington có chính quyền mới có thể là một trong những nhân tố giúp mang lại thay đổi nào đó cho khu vực. Trong một tương lai gần, sứ mệnh gỡ rối cho khu vực hội tụ của mâu thuẫn và xung đột này sẽ tiếp tục là một trọng trách nặng nề của cộng đồng quốc tế.

MỸ HẠNH