Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã nhấn mạnh như vậy ngày 25-3 khi phát động “Kế hoạch ứng phó nhân đạo toàn cầu” trị giá 2 tỷ USD để hỗ trợ cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại một số quốc gia dễ bị tổn thương nhất thế giới.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết, mục tiêu của kế hoạch là nhằm giúp những nước nghèo nhất thế giới đối phó với dịch bệnh và đáp ứng nhu cầu của những người dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và những người mắc bệnh mãn tính.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Ảnh: The Statesman.

Kế hoạch trên sẽ được triển khai từ tháng 4 đến tháng 12-2020, theo đó kêu gọi hơn 2 tỷ USD, trong đó dự kiến 450 triệu USD cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 405 triệu USD cho Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) và 350 triệu USD cho Chương trình Lương thực thế giới (PAM)… Theo kế hoạch ứng phó này, các thiết bị chính trong phòng thí nghiệm dùng để xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và nguồn cung ứng y tế để điều trị sẽ được chuyển giao cho các nước dễ bị tổn thương nhất thế giới; lắp đặt các trạm rửa tay tại các trại tị nạn và khu tạm trú; phát động các chiến dịch thông tin phòng, chống dịch trong cộng đồng, thiết lập cầu hàng không và các trung tâm trên khắp châu Phi, châu Á và Mỹ Latin để điều phối nhân viên nhân đạo và các nguồn cung ứng tới những nơi cần nhất.  

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres khẳng định, kế hoạch ứng phó nhân đạo toàn cầu sẽ do các cơ quan của LHQ thực thi. Các tổ chức phi chính phủ quốc tế (NGO) và các hiệp hội NGO đóng vai trò trực tiếp trong việc ứng phó. Kế hoạch cũng sẽ có sự phối hợp của Văn phòng LHQ về điều phối các hoạt động nhân đạo, do Phó tổng thư ký LHQ về các vấn đề nhân đạo Mark Lowcok đứng đầu. “Kế hoạch này là sự khẩn cấp về đạo đức và vì lợi ích của mọi người. Đó cũng là một phần quan trọng để chiến thắng trong cuộc chiến chống Covid-19”, ông Antonio Guterres nhấn mạnh.

Lời kêu gọi của LHQ được đưa ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã làm hơn 20.000 người tử vong trên thế giới kể từ khi xuất hiện trường hợp đầu tiên hồi cuối năm 2019 vừa qua và hơn 450.000 người mắc bệnh. Tình hình đặc biệt đáng lo ngại tại những nước đang bị khủng hoảng nhân đạo do chiến tranh, thiên tai hay biến đổi khí hậu. Theo LHQ, hàng triệu người có nguy cơ tử vong nếu thế giới không chung tay chống lại virus SARS-CoV-2. Trong khi đó, báo cáo của Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu cho hay, ít có khả năng virus SARS-CoV-2 biến mất vào mùa hè này. Điều này hoàn toàn trái ngược với những nhận định ban đầu cho rằng cũng giống như 4 chủng virus Corona khác, khả năng lây lan của virus SARS-CoV-2 chịu ảnh hưởng lớn của sự thay đổi nhiệt độ. Lo ngại không chỉ gia tăng với những nước “tâm dịch” như Italy hay Tây Ban Nha mà còn đối với toàn bộ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU). Các chuyên gia đã cảnh báo nguy cơ thiếu giường bệnh từ nay đến giữa tháng 4 nếu không có sự can thiệp nhanh chóng.

Cùng ngày, nhóm Covid-19 CTI League, gồm gần 400 tình nguyện viên quốc tế chuyên về vấn đề an ninh mạng đến từ 40 quốc gia đã được thành lập để đối phó với các vụ tấn công mạng liên quan đến dịch Covid-19. Các thành viên trong nhóm gồm cả những chuyên gia hàng đầu của các công ty lớn như Tập đoàn Microsoft và Công ty Amazon.com. Ưu tiên hàng đầu của nhóm là chống lại những cuộc tấn công mạng nhằm vào các cơ sở y tế, các cơ quan ứng phó ở tuyến đầu chống dịch và các tổ chức y tế. Ngoài ra, điều quan trọng là bảo vệ mạng lưới thông tin và các dịch vụ, vốn đã trở nên thiết yếu khi ngày càng có nhiều người làm việc tại nhà. Nhóm cũng sử dụng mạng lưới liên hệ của mình trong số các nhà cung cấp hạ tầng internet để ngăn chặn kịp thời các vụ lừa đảo quy mô nhỏ và tội phạm tài chính khác lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân về dịch Covid-19 hoặc mong muốn có thông tin về dịch bệnh.

BÌNH NGUYÊN