Năm qua, thế giới không còn đổ dồn sự chú ý về Đông Bắc Á bởi những màn đấu khẩu, cãi vã nảy lửa về chủ quyền lãnh thổ hay vấn đề hạt nhân Triều Tiên như thường thấy trong quá khứ. Ở đó, cũng không còn những cuộc tập trận rầm rộ, vốn được ví như chiếc mũi dùi nguy hiểm, từng có lúc đẩy khu vực tới ngấp nghé bờ vực chiến tranh. Điều gì đã tạo ra bầu không khí có phần bất thường ở một trong những khu vực có vị trí địa-chiến lược quan trọng và luôn được coi là “điểm nóng” của thế giới ấy? Câu trả lời đã có: Đại dịch Covid-19.

Quả thật, Covid-19 giống như bàn tay ma quái, một mặt đưa Đông Bắc Á tạm thoát khỏi nỗi ám ảnh xung đột, mặt khác lại đẩy khu vực này bước vào một vòng xoáy mới với những thách thức, bất ổn và hệ lụy nặng nề. Sau khi càn quét và gây nên “cơn địa chấn” tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), SARS-CoV-2 tiếp tục len lỏi tới phần còn lại của thế giới, trong đó có những nước láng giềng của quốc gia đông dân nhất thế giới. Trải qua chuỗi ngày dài vật lộn với đại dịch, bước sang tháng cuối cùng của năm 2020, tình hình dịch bệnh ở Đông Bắc Á vẫn căng như dây đàn. Điển hình như tại Nhật Bản, ngày 12-12 vừa qua, số ca nhiễm mới đã lần đầu tiên vượt mức trên 3.000 ca/ngày kể từ khi đại dịch bùng phát, khiến hệ thống y tế ở nhiều địa phương của nước này xuất hiện dấu hiệu quả tải. Còn tại Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-In thậm chí đã phải gọi diễn biến dịch bệnh hiện tại ở nước này là "tình trạng khẩn cấp" khi số ca nhiễm mới tăng lên mức kỷ lục. Trong khi đó, Trung Quốc cũng phải siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch tại hai thành phố ở vùng biên giới giáp với Nga, sau khi cả hai thành phố này đều có ca nhiễm mới.

Đến nay, những di chứng mà đại dịch toàn cầu để lại trên thân thể các nền kinh tế khu vực Đông Bắc Á vẫn vô cùng nhức nhối. Các số liệu thống kê do Chính phủ Nhật Bản mới công bố cho thấy, các hoạt động kinh tế bị hạn chế hoặc gián đoạn đã khiến GDP của nước này trong quý II-2020 giảm 27,8% so cùng kỳ năm ngoái và là mức sụt giảm mạnh nhất trong vòng 40 năm qua. Cùng với việc xuất khẩu sa sút nghiêm trọng, du lịch-vốn được coi là lĩnh vực mũi nhọn của xứ sở mặt trời mọc có giai đoạn gần như tê liệt hoàn toàn với mức giảm tới 99,9% trong 4 tháng liên tiếp. Chính vì vậy mà sau khi lên nắm quyền thay cho ông Abe Shinzo vào giữa tháng 9 vừa qua, tân Thủ tướng Suga Yoshihide đã đặt mục tiêu phải rốt ráo giải quyết hai vấn đề trong vỏn vẹn khoảng một năm còn lại của nhiệm kỳ, đó là vừa xử lý đại dịch vừa tìm cách xoay chuyển nền kinh tế đang trì trệ thông qua việc duy trì, tạo công ăn việc làm, đưa các doanh nghiệp trở lại với guồng quay hoạt động bình thường.

Nhìn sang Trung Quốc và Hàn Quốc, tình hình xem ra cũng chẳng khá hơn là bao. Trong khi Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) mới đây hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc năm 2020 xuống mức -0,8%, thậm chí là xuống mức -2% nếu đại dịch Covid-19 gây ra cú sốc thứ hai với nước này, kinh tế Trung Quốc cũng chưa thoát khỏi cảnh lao đao, phần vì hậu quả đại dịch, phần vì các lệnh trừng phạt từ Mỹ và các trận lũ lịch sử.

Có thể thấy, việc 3 nền kinh tế “đầu tàu” của Đông Bắc Á cùng lúc rơi vào khó khăn đã phần nào phản ánh mức độ suy yếu nghiêm trọng của kinh tế toàn cầu, bởi lâu nay, các nền kinh tế ở Đông Bắc Á vẫn được nhìn nhận là động lực tăng trưởng của kinh tế thế giới.

Xét cho cùng, Covid-19 đã tạo ra khoảng lặng bất thường trong một năm đầy lo sợ với Đông Bắc Á. Hay nói cách khác, đó là khoảng lặng mà người dân và các nhà lãnh đạo của các quốc gia thuộc khu vực này không thể ung dung tận hưởng.

Trước bối cảnh như thế, chuyến công du chớp nhoáng của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tới Nhật Bản và Hàn Quốc vào cuối tháng 11 vừa qua có thể coi là một điểm nhấn đáng nhớ, khiến bàn cờ chính trị-an ninh của khu vực phần nào sôi động trở lại. Thông qua chuyến đi ấy, người ta nhận rõ nỗ lực và mong mỏi của những nhà lãnh đạo 3 nước về việc đưa các mối quan hệ bước vào quỹ đạo đối thoại và hợp tác nhằm mục tiêu phục hồi kinh tế, bất chấp những bất đồng và những vấn đề gai góc còn tồn tại. Đó là bởi, giữa họ vẫn đang tồn tại sợi dây “cộng sinh” về kinh tế. Với Trung Quốc, thúc đẩy mối quan hệ tốt với Nhật Bản và Hàn Quốc là cách mà Bắc Kinh hướng tới nhằm thúc đẩy giao thương, nhất là chuỗi cung ứng vốn đang đình trệ, hướng tới phục hồi kinh tế và giảm bớt rủi ro từ cuộc chiến thương mại với Mỹ. Ở chiều ngược lại, hợp tác với Trung Quốc dường như được xem như chiếc chìa khóa để hai đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc tìm ra lối thoát cho nền kinh tế vào lúc này.

Cũng có thể tin rằng, chừng nào bóng ma đại dịch còn ám ảnh, xu hướng tạm gác bất đồng, thúc đẩy hợp tác, nhất là về kinh tế và thương mại, sẽ vẫn là gam màu chủ đạo trong bức tranh quan hệ giữa 3 quốc gia nói trên.

Thế nhưng, đừng quên rằng, ngay cả khi khái niệm “láng giềng gần” được liên tục nhắc tới trong chuyến công du của ông Vương Nghị, ở Đông Bắc Á vẫn đang tồn tại những “điểm nóng”, đe dọa đến sự ổn định và hòa bình của khu vực. Đó là vấn đề hạt nhân Triều Tiên vẫn đang ở ngõ cụt, là vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với Nhật Bản, Hàn Quốc, giữa Hàn Quốc với Nhật Bản hay vấn đề Triều Tiên bắt cóc công dân Nhật Bản trong quá khứ... Sau khi vượt khỏi “miệng hố tử thần” do Covid-19 tạo ra, những ám ảnh này phải chăng sẽ quay trở lại?

Đông Bắc Á vốn dĩ không bình yên, và dù có những khoảng lặng hiếm hoi, thì khu vực này thực chất vẫn không yên bình như người ta thường mơ mộng.

VŨ HÙNG