Hội nghị lần này là cuộc gặp theo hình thức trực tiếp đầu tiên của các nhà lãnh đạo G7 trong gần hai năm qua và được kỳ vọng mang lại công bằng trong việc phân bổ vaccine cho các nước nghèo, đồng thời thúc đẩy sự phục hồi kinh tế toàn cầu một cách mạnh mẽ.
Thế giới đã trải qua nhiều biến động trong những năm gần đây, từ sự hoành hành nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, sự thay đổi chính quyền tại Mỹ sau kỳ bầu cử sóng gió hay tình trạng biến đổi khí hậu ngày một nghiêm trọng... Những biến động này đã thách thức hình mẫu kinh tế cũng như làm suy giảm vai trò của G7 trên trường quốc tế. Vì lý do đó, tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo G7 sẽ khởi động lại vai trò “nhạc trưởng” xử lý các vấn đề lớn hiện nay, trong đó có việc phân bổ vaccine ngừa Covid-19, chống biến đổi khí hậu, một số xung đột lớn trên thế giới cũng như quan hệ với Nga và Trung Quốc.
Không phải ngẫu nhiên việc phân bổ công bằng vaccine ngừa Covid-19 lại là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh G7 lần này. Trong một năm rưỡi qua, đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của 3,76 triệu người, làm đảo lộn cuộc sống của người dân trên hành tinh và tạo ra cú sốc tài chính toàn cầu. Bên cạnh các biện pháp, như: Giãn cách xã hội, đeo khẩu trang nơi công cộng,... người dân kỳ vọng tiêm vaccine sẽ giúp họ thoát khỏi đại dịch, quay trở lại cuộc sống bình thường.
Tuy nhiên, “bức tranh” tiêm vaccine ngừa Covid-19 toàn cầu đang mang sắc màu đối lập. Trong khi nhiều quốc gia dư thừa một lượng lớn vaccine thì nhiều nước lại trong “cơn khát” vaccine, phải gấp rút tìm kiếm nguồn cung để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng của mình. Đơn cử như ở Mỹ, đến nay, hơn 297 triệu liều vaccine đã được tiêm và hiện có lượng lớn vaccine dư thừa trong kho. Ngoài Mỹ, một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác cũng có tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 cao như Israel với tỷ lệ gần 60% người dân được tiêm chủng đầy đủ, hay Canada với 59% dân số đã được tiêm ít nhất một mũi, con số này tại Anh là 58,3% và tại Chile là 56,6%.
Thế nhưng, bức tranh tiêm vaccine ngừa Covid-19 vẫn còn nhiều khoảng tối lớn, bao trùm lên phần lớn khu vực châu Á, châu Phi hay Mỹ Latin... Thống kê cho thấy, đến nay, chỉ gần 5% người dân châu Á đã được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa Covid-19, trong khi con số này ở châu Phi mới được 1%.
Mở rộng khả năng tiếp cận vaccine trên toàn cầu và tránh tình trạng “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra” là một yêu cầu cấp thiết. Như Thủ tướng Anh Boris Johnson từng nói: “Không ai được an toàn chừng nào cả thế giới chưa được an toàn”. Vì lẽ đó, tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho tất cả người dân trên thế giới trong vòng 18 tháng tới là mục tiêu mà nước chủ nhà Anh hướng tới tại Hội nghị thượng đỉnh G7. Thủ tướng Johnson cũng mong muốn các nước giàu sớm giải phóng lượng vaccine ngừa Covid-19 dôi dư cho các nước đang phát triển trong thời gian sớm nhất, công nhận hộ chiếu vaccine, đồng thời kêu gọi các nhà sản xuất tăng cường công suất để đưa thế giới “vượt qua thách thức lớn nhất của thời kỳ hậu chiến".
Dù chưa được triển khai đồng bộ do nguồn cung còn thiếu và việc tiếp cận khó khăn phụ thuộc vào tiềm lực mỗi nước, nhưng không thể phủ nhận vai trò quan trọng của vaccine trong việc định hình nền kinh tế toàn cầu. Khác với các cuộc khủng hoảng tài chính trước đây coi “thắt lưng buộc bụng”, các gói cứu trợ, kích thích tiêu dùng... là những biện pháp ưu tiên hàng đầu, vaccine ngừa Covid-19 được xem là “vũ khí” quyết định đưa kinh tế toàn cầu thoát khỏi giai đoạn khủng hoảng hiện nay. Ngay từ tháng 1-2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố “lấy vaccine làm chìa khóa để mở cửa nền kinh tế” và thực hiện chương trình tiêm chủng toàn dân. Cho đến nay, hơn 50% dân số Mỹ đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine, đồng thời đưa xứ cờ hoa sớm trở lại trạng thái bình thường mới. Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), triển vọng kinh tế toàn cầu đang sáng lên nhờ tiêm chủng, cho phép các doanh nghiệp nối lại hoạt động và nhờ Mỹ bơm hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế.
Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức chưa từng có kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, việc G7 bắt tay hợp tác với các nền kinh tế được đánh giá là biện pháp hữu hiệu. Đó là lý do vì sao Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Cornwall lần này còn có sự hiện diện của những khách mời quan trọng là Australia, Hàn Quốc và Ấn Độ. Trong 3 ngày diễn ra hội nghị (từ 11 đến 13-6), bên cạnh các chương trình nghị sự khác, các nhà lãnh đạo G7 sẽ phải giải bài toán phân phối công bằng vaccine. Nếu thành công, đây sẽ là đòn bẩy mạnh mẽ nhất để vực dậy nền kinh tế toàn cầu và đưa thế giới trở lại trạng thái cân bằng như trước đây.
LINH OANH