Theo Reuters, ngày 21-5 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng xác nhận rằng Washington sẽ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở với cáo buộc Nga không tuân thủ hiệp ước. "Tôi nghĩ rằng chúng tôi có mối quan hệ rất tốt với Nga. Tuy nhiên, Nga đã không tuân thủ hiệp ước. Vì vậy, chúng tôi sẽ rút khỏi hiệp ước", Tổng thống Donald Trump phát biểu với phóng viên bên ngoài Nhà Trắng.

Mỹ dùng máy bay OC-135B Open Skies thực hiện chuyến bay giám sát trong khuôn khổ Hiệp ước Bầu trời mở. Ảnh: Getty Images

Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã ra thông cáo báo chí về việc Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở. Theo ông Mike Pompeo, nước này sẽ thông báo quyết định của mình tới các nước thành viên của Hiệp ước Bầu trời mở và chính thức không còn là thành viên của hiệp ước này sau 6 tháng nữa. Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết, sau khi cân nhắc cẩn thận và tham vấn với các đồng minh và đối tác chủ chốt, Mỹ nhận thấy việc tiếp tục là thành viên của Hiệp ước Bầu trời mở không còn phù hợp với lợi ích của nước này. 

Hiệp ước Bầu trời mở được các quốc gia thành viên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ký kết vào ngày 24-3-1992, tại thủ đô Helsinki của Phần Lan và có hiệu lực vào ngày 1-1-2002. Hiện nay có 34 quốc gia tham gia ký kết hiệp ước này, trong đó có Mỹ, Nga và nhiều nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Theo Báo Sao đỏ của Các lực lượng vũ trang Nga, mục đích của Hiệp ước Bầu trời mở là giúp xây dựng lòng tin giữa các quốc gia tham gia ký kết thông qua việc công khai thu thập thông tin về các lực lượng vũ trang cũng như các hoạt động quân sự của nhau. Theo hiệp ước này, các bên tham gia được phép thực hiện các chuyến bay bằng thiết bị bay giám sát không mang theo vũ khí trên không phận của nhau nhưng phải thông báo chậm nhất là 72 giờ trước thời gian dự kiến diễn ra chuyến bay. Thời gian bay giám sát sẽ không quá 96 giờ và tuyến đường bay giám sát được giới hạn ở phạm vi 5.500km kể từ điểm khởi hành. Dù có quyền cấm chuyến bay giám sát nhưng bên được giám sát phải gửi lời giải thích bằng văn bản về lý do của quyết định này thông qua các kênh ngoại giao trong vòng 7 ngày. Nước tham gia ký kết có quyền rút khỏi hiệp ước và có nghĩa vụ phải thông báo về quyết định này không quá 6 tháng trước ngày dự định rút lui.

Ngay sau tuyên bố của Tổng thống Donald Trump, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, đến nay, giới chức Nga chưa nhận được thông báo chính thức từ phía Mỹ. Bộ Ngoại giao Nga cũng khẳng định, việc Mỹ cáo buộc Nga vi phạm các thỏa thuận của hiệp ước là hoàn toàn không có căn cứ. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko nhấn mạnh: “Quan điểm của chúng tôi là hoàn toàn rõ ràng và không thay đổi. Việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở sẽ giáng một đòn mạnh vào hệ thống an ninh ở châu Âu, vốn đã bị suy yếu sau khi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đổ vỡ”. Thứ trưởng Ngoại giao Nga nói thêm rằng bước đi này sẽ gây tổn hại cho lợi ích của chính các đồng minh Mỹ-những quốc gia thành viên của hiệp ước này.

Quyết định rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở của Mỹ cũng vấp phải sự phản đối của Liên hợp quốc và các nước khác trên thế giới. Ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc nhận định, động thái của Mỹ có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới với hậu quả khó kiểm soát. Trong khi đó, Đức-một đồng minh quan trọng của Mỹ trong NATO vẫn coi Hiệp ước Bầu trời mở là một hiệp ước quan trọng đối với an ninh ở châu Âu, đồng thời mong muốn duy trì hiệp ước này. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhấn mạnh: “Tôi rất lấy làm tiếc về thông báo của chính quyền Mỹ về mong muốn rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở. Hiệp ước này là một phần quan trọng trong cấu trúc kiểm soát vũ khí của châu Âu”. Theo ông Heiko Maas, trong thời gian tới, Berlin sẽ nỗ lực để Mỹ xem xét lại quyết định của mình và cố gắng làm mọi thứ để duy trì Hiệp ước Bầu trời mở.

Kể từ khi trở thành Tổng thống thứ 45 của Mỹ với chủ trương “Nước Mỹ trên hết”, ông Donald Trump đã có nhiều quyết sách gây tranh cãi, đặc biệt là việc rút khỏi một loạt thỏa thuận quốc tế trong nhiều lĩnh vực, như: Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức) hay INF với Nga... Tuyên bố mới nhất về việc rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở của chính quyền Tổng thống Donald Trump cho thấy Mỹ có thể đưa ra quyết định tương tự đối với một thỏa thuận về kiểm soát vũ khí khác giữa Nga và Mỹ-Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START-3) vốn sẽ hết hạn vào tháng 2-2021.

DƯƠNG LÂM