Đó cũng là trận đấu đáng xem bởi derby vùng Ruhr chưa bao giờ không kịch tính, quyết liệt. Háo hức bởi sau hơn hai tháng ngưng trệ, cuối cùng trái bóng đã được lăn trở lại. Nhưng háo hức đi cùng lắm nỗi âu lo nặng trĩu khi thời thế đã thay đổi, bây giờ là lúc bóng đá đang phải mở lối tìm đường sống chung với đại dịch.

Trong sứ mệnh tiên phong mở đường đưa bóng đá đỉnh cao trở lại, có thể thấy Bundesliga dường như đã quá táo bạo khi dịch Covid-19 vẫn còn tác oai tác quái trên khắp châu Âu và tại nước Đức. Ngay trong cầu thủ của họ cũng có người bị lây nhiễm và chỉ vừa phục hồi. Đã vậy, các nhà tổ chức còn vạch ra cái đích hoàn thành mùa giải trong tháng 6. Nghĩa là từ ngày 16-5 đến 28-6 (43 ngày) sẽ diễn ra 9 trận đấu, mật độ chưa đến 5 ngày/trận. Trong khi đó, các CLB không có nổi khoảng thời gian đủ để tập luyện chuẩn bị cho giải đấu trở lại. Người ta lo nạn chấn thương sẽ diễn ra bởi thể lực cầu thủ chưa bảo đảm. Càng khó hiểu hơn là mặc dù FIFA đã cho phép mỗi đội được thay đến 5 cầu thủ mỗi trận để khắc phục tình trạng thể lực, song cho đến thời điểm này Bundesliga chưa quyết định có thực hiện hay không... Phải chăng những người có trách nhiệm của Bundesliga đã nôn nóng chứng tỏ sự ưu việt và tự hào với vị thế tiên phong của họ mà ép giải đấu sớm phải vào cuộc, sớm phải hoàn thành?

Dẫu sao thì ban tổ chức các giải đấu quốc gia khác cũng đã xem Bundesliga như một tấm gương kích thích cả về tinh thần lẫn các phương cách chuẩn bị. Sau quyết định hủy bỏ đá tiếp mùa giải của các giải vô địch Hà Lan, Pháp, gần như đồng loạt các giải đấu tại Bồ Đào Nha, Italy, Tây Ban Nha và Anh đã chuẩn bị trở lại vào đầu và những ngày cuối tháng 6. Và không có gì lạ khi giải đấu đắt tiền nhiều của nhất là Ngoại hạng Anh vẫn là nơi diễn ra nhiều sự tranh cãi nhất về quyền lợi của các CLB, về lịch trình, về có hay không đá trên sân trung lập. Có lẽ khi vòng đầu tiên Bundesliga sau thời gian ngưng nghỉ diễn ra suôn sẻ người Anh sẽ kiểm nghiệm và học theo người Đức, cho phép các trận đấu được tổ chức theo thể thức sân nhà-sân khách. Quan trọng hơn, tất cả các giải đấu đều phải thực hiện các bước chuẩn bị và quy định khắt khe về an toàn dịch bệnh. Từ tập riêng biệt tại nhà rồi từng tốp nhỏ trên sân cho đến tập cả đội. Từ việc di chuyển, ăn, uống, thay đồ riêng rẽ diệt khuẩn và kiểm tra y tế đến đeo khẩu trang khi đi lại, khi ngồi trên ghế dự bị...

Còn nhiều nhiều nữa những hướng dẫn, quy định nhưng người Đức tiên phong còn tính chi ly cả chuyện phòng ngừa cổ động viên không được vào sân sẽ tụ họp đông người ngoài sân để cổ vũ và họ đã đề ra quyết định sẽ xử phạt nặng tay với cổ động viên vi phạm lệnh cấm tụ họp, cổ vũ kiểu này. Cụ thể mức tiền phạt từ 50 đến 500 Euro mỗi người. Tình thế nặng nề, đông đúc hơn trận đấu sẽ bị hủy, CLB chủ nhà sẽ bị trừ điểm. Sự chuẩn bị sát sao, chi tiết và khoa học đã giúp cho các CLB, các cầu thủ và người hâm mộ Đức yên tâm và tự tin bước vào các trận đấu của thời thế không bình thường. Gặp thời thế thế thời phải thế.

Trở lại với trận đấu “mở màn” giữa Dortmund và Schalke, trước hết lại phải nói về sự chấp nhận thiệt thòi của đội chủ sân Signal Iduna Park. Chính Dortmund chứ không ai khác là đội nổi danh nhất về khối cổ động viên đông đảo đến 8 vạn người cuồng nhiệt trên khán đài. Người ta đã tính ra, Dortmund là đội bóng giành được nhiều điểm nhất trên sân nhà so với 17 đội khác của Bundesliga cả trong mùa giải trước lẫn 25 vòng đã qua mùa này. Lợi thế sân nhà của họ là vô đối. “Bức tường vàng” trên khán đài phía sau cầu môn với 25.000 chỗ ngồi luôn là sức mạnh “đàn áp” đối với thủ môn và hàng thủ đội khách. Ngược lại, sự kích động của cổ động viên đã luôn tạo nên sự hưng phấn cao độ cho đội chủ nhà. Thậm chí khi không có khán giả cổ vũ các cầu thủ Dortmund đã tỏ ra uể oải, chậm bắt nhịp. Các trận đấu mới nhất trong khuôn khổ UEFA Champions League là ví dụ rõ nét. Trận lượt đi trên sân nhà với sự cổ cũ của đông đảo cổ động viên, Dortmund đã giành thắng lợi 2-1 trước Paris Saint Germain nhưng ở trận lượt về, dù sân Công viên các hoàng tử phải đóng cửa không khán giả họ đã bị thua sớm 0-2 và trắng tay ra về chấp nhận bị loại.

Tối nay, tiếp Schalke sẽ ra sao? Ngoài thiệt thòi không khán giả, Dortmund còn không có được hàng tiền vệ mạnh nhất. Chấn thương đã làm mất đi hai tiền vệ thủ và công xuất sắc nhất là “cây chuyền” Witsel và “vua tắc bóng” E.Can. Tất nhiên, đội bóng đang có tham vọng lật đổ ngai vàng Bayern Munich sẽ có cầu thủ nhiều kinh nghiệm Th.Delaney và cầu thủ trẻ tài năng J.Brandt lấp vào khoảng trống đó. Ngoài ra còn là sao mai đang được nhiều CLB săn lùng G.Reyna... Quan trọng hơn, hàng công cực mạnh với những ngôi sao E.Haaland, Th.Hazard và J.Sancho sẽ đủ sức giúp họ giành thắng lợi. Dù rằng Schalke đâu có vừa, mục tiêu giành vé dự Europa League không xa khi họ đang đứng thứ 6. Lượt đi đội bóng mang danh “Hoàng đế xanh” đã cầm hòa Dortmund 0-0. Tuy nhiên, thời điểm này đội bóng áo vàng chủ nhà đã có thêm chân sút cực nhạy E.Haaland trong 7 trận ghi 8 bàn. Đó là một lý do đáng kể để Dortmund tin vào chiến thắng. Bí quyết của họ là gì? Hãy nghe S.Kehl, một cựu cầu thủ áo vàng giảng giải: “Lợi thế không thuộc về đội có chất lượng cầu thủ cao hơn mà thuộc về đội thích nghi tốt nhất và phát huy cao nhất động lực trong hoàn cảnh bất thường này”.

Đó cũng chính là phương sách để các đội bóng Bundesliga tự tin đi ra khỏi đại dịch.

NGUYỄN ANH