Từ năm 1989 đến 1998, ông hành nghề ở lục địa đen, dẫn dắt 4 đội tuyển quốc gia là Bờ Biển Ngà, Nigeria, Burkina Faso và Nam Phi. Thành công của ông với các đội bóng châu Phi cấp độ câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia, nhất là với Burkina Faso đã giúp ông có biệt danh “bác sĩ phù thủy trắng”. Thế nhưng, sự nghiệp lẫy lừng của Philippe Troussier gắn với quãng thời gian 4 năm làm việc ở Nhật Bản, khi ông đưa các đội tuyển xứ mặt trời mọc thu được nhiều thành công rực rỡ.

Lật lại bối cảnh 1998, khi Philippe Troussier ký hợp đồng với Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản, ông tuyên bố thẳng: “Các cầu thủ Nhật Bản rất nhanh, khéo léo nhưng đáng tiếc họ không có gan lớn và không thích chiến đấu”. Sebastian Moffett, tác giả cuốn sách về bóng đá Nhật Bản “Luật lệ Nhật Bản” cho biết. “Philippe Troussier nghĩ cầu thủ Nhật Bản là những kẻ yếu đuối”. Thậm chí, với chiến lược gia người Pháp này, các cầu thủ xứ phù tang dường như mất khả năng làm việc cùng nhau.

 

Ông Philippe Troussier sinh ngày 21-3-1955 tại Paris, Pháp. Ông được biết đến là một chuyên gia bóng đá dày dạn kinh nghiệm khi từng đảm nhiệm cương vị huấn luyện trưởng tại nhiều đội bóng khác nhau trên thế giới, ở cấp câu lạc bộ cũng như cấp đội tuyển quốc gia. Đặc biệt, ông Philippe Troussier đã trải qua 3 năm làm việc tại Việt Nam trên cương vị cương vị Giám đốc kỹ thuật của Quỹ đào tạo tài năng bóng đá trẻ PVF và từng dẫn dắt đội tuyển U19 quốc gia giành vé tham dự VCK U19 châu Á 2020.

Dự kiến ngày 26-2, ông Philippe Troussier sẽ có mặt tại Việt Nam để công bố hợp đồng với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Theo đó, HLV Troussier sẽ dẫn dắt cả đội tuyển quốc gia và U23/U22 Việt Nam. Hợp đồng của VFF với HLV Philippe Troussier có thời hạn hơn ba năm, từ ngày 1-3-2023 đến 31-7-2026.

Nhiệm vụ đầu tiên của tân HLV trưởng sẽ là xây dựng lực lượng và kế hoạch hoạt động của đội tuyển U23 quốc gia, dự kiến sẽ tập trung vào đầu tháng 3 tới, nhằm chuẩn bị cho SEA Games 32 do Campuchia đăng cai tổ chức vào tháng 5-2023.

leftcenterrightdel

Philippe Troussier thời còn dẫn dắt đội tuyển U.19 Việt Nam. Ảnh: VFF 

Vậy là bóng đá Nhật Bản trong mắt Philippe Troussier điểm cộng thì ít, mà điểm trừ thì nhiều. Chà! Một ca khó. Nhưng ông tin rằng mình có thể trục vớt được bóng đá Nhật Bản, rằng sẽ không có chuyện thuyền chìm tại bến (Nhật Bản cùng Hàn Quốc đồng đăng World Cup 2002).

Thậm chí, ba tháng trước khi World Cup 2002 khởi tranh, nếu đội tuyển quốc gia thất bại-như nhiều người hâm mộ Nhật Bản đã lo sợ-điều đó sẽ chỉ khẳng định ấn tượng ban đầu của huấn luyện viên (HLV) Philippe Troussier là đúng về cầu thủ Nhật Bản. Ơn trời, mọi chuyện đã vô cùng tốt đẹp. Nhưng hượm đã.

Trong 4 năm cầm quân ở Nhật Bản, Philippe Troussier không ngừng đào tạo, thúc giục và la hét những cầu thủ trẻ. Ngay cả ống kính đang chĩa vào hướng mình, “bác sĩ phù thủy trắng” vẫn không ngần ngại tặng cho cầu thủ một tràng huấn thị khi thực hiện không đúng ý đồ trên sân tập. Phong cách huấn luyện có phần thô bạo khiến giới truyền thông Nhật Bản gọi Philippe Troussier là “Quỷ đỏ” hay “Mũ nồi xanh” vì những buổi tập còn đòi hỏi thể lực rất cao.

Nhưng công sức của thầy trò nhà Philippe Troussier đã được đền đáp xứng đáng, khi bóng đá Nhật Bản vô địch Asian Cup 2000, vào trận chung kết giải vô địch trẻ thế giới 1999 và Cúp Liên đoàn các châu lục 2001…

leftcenterrightdel

HLV Philippe Troussier thích làm việc với cầu thủ trẻ. Ảnh: VFF 

Trước khi Philippe Troussier đến xứ phù tang, đấu vật sumo thu hút nhiều người hâm mộ hơn bóng đá, còn bóng chày cũng đông người theo dõi chẳng kém. Bóng đá chỉ xếp hạng ba. Nhưng điều Philippe Troussier lo lắng hơn cả không nằm ở yếu tố chuyên môn (ông dẫn dắt cùng lúc đội U.20 Nhật Bản, Olympic và đội tuyển quốc gia), mà ông cảm thấy điều cản trở là những trở ngại về văn hóa, chẳng hạn như sự kính trọng của người Nhật đối với cầu thủ lớn tuổi và mặc cảm về thể hình. Trong cuốn sách về kinh nghiệm của mình với tư cách là một huấn luyện viên bóng đá, “Passion”, Philippe Troussier đã mô tả một trong những thí nghiệm của mình với cầu thủ Nhật Bản, khi ông mời các chuyên gia thể lực từ Pháp đến hỗ trợ.

Ông viết: “Vòng kiểm tra đầu tiên cho ra một kết quả đáng ngạc nhiên: Sức mạnh cơ bắp của các cầu thủ Nhật Bản vượt trội so với người Pháp và người Ý. Nhưng khi sức mạnh cơ bắp được biến thành tốc độ, người Nhật Bản tụt hậu so với người châu Âu. Cầu thủ Nhật Bản yếu ở những pha chạy nước rút cự ly ngắn, những chuyển động đột ngột cần thiết để đánh lừa đối thủ, thực hiện một cú đánh đầu hoặc thực hiện một pha xoạc bóng. Các cầu thủ hiếm khi thực hiện những pha tắc bóng khó, họ hiếm khi sử dụng khuỷu tay và họ không biết cách kéo áo cầu thủ đối phương sao cho khéo”.

Ở World Cup 2002, Nhật Bản giành ngôi nhất bảng H với 7 điểm, trước khi để thua Thổ Nhĩ Kỳ ở vòng 1/8 với tỷ số 0-1. Philippe Troussier từng tự hào tuyên bố: “Tôi không muốn so sánh nhưng tôi sẽ không tự phụ khi tuyên bố rằng mình đã bắt đầu viết về Nhật Bản-lịch sử bóng đá thế giới tại World Cup: Điểm đầu tiên giành được trong kỷ nguyên Troussier, chiến thắng đầu tiên và cũng là suất đầu tiên vào vòng loại trực tiếp.

Trước khi trở thành tân HLV trưởng đội tuyển Việt Nam, ông Philippe Troussier từng có thời gian làm việc ở Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ PVF, dẫn dắt đội tuyển U.18, U.19 Việt Nam. Trong một lần tác giả trao đổi với HLV Philippe Troussier, ông bảo “có một câu hỏi mà tôi đã được nhiều vị ở Việt Nam hỏi: “Thưa ông Troussier, chúng tôi nên làm gì để trở nên mạnh mẽ hơn?”. Tôi trả lời: “Các bạn sẽ mạnh mẽ hơn vào ngày các bạn được thế giới bóng đá công nhận, ngày các cầu thủ Việt Nam thi đấu ở nước ngoài”.

Nhìn lại quá trình HLV Philippe Troussier dẫn dắt các đội tuyển quốc gia, sẽ thấy ông đòi hỏi cầu thủ có nền tảng thể lực sung mãn và nhãn quan chiến thuật tốt. Vào trận, tùy từng đối thủ nhưng “bác sĩ phù thủy trắng” thích cho quân đá vây ráp, chủ động lên bóng tốc độ nhanh. Philippe Troussier cho rằng nền tảng thể lực của đội tuyển quyết định 30% chiến thắng. Trên sân, cầu thủ cần chủ động trong mọi tình huống, nảy số chiến thuật nhanh chứ không nên cứng nhắc bám vào các chỉ thị trước đó của HLV trưởng. Xu hướng xây dựng của Philippe Troussier là xóa đi làm lại. Ông chỉ giữ 5 cầu thủ dự World Cup 1998, trong thành phần đội tuyển Nhật Bản dự World Cup 2002. Từ đây có thể nhận định: Đội tuyển Việt Nam sắp tới sẽ có nhiều gương mặt trẻ. Nhưng chắc chắn sẽ có sự liên thông giữa các tuyến trẻ, đội tuyển Olympic và đội tuyển quốc gia vì một mục tiêu chung: Giành vé dự World Cup.

Tất nhiên, nói đến chuyện to tát trên vào thời điểm này thì hơi mơ hồ, thậm chí là có phần phiến diện, chủ quan, duy ý chí. Chừng nào bóng đá Việt Nam chưa là số 1 Đông Nam Á, chừng đó bàn chuyện đi World Cup e là quá sớm. Philippe Troussier tất hiểu rõ điều này. Hãy cùng chờ xem chiến lược gia Philippe Troussier đồng hành cùng các đội tuyển Việt Nam trong thời gian tới.

ĐÌNH HÙNG